USD trở lại mức cao nhất 20 năm ép giá vàng giảm, Bitcoin chạm đáy 1,5 năm

USD trở lại mức cao nhất 20 năm ép giá vàng giảm, Bitcoin chạm đáy 1,5 năm

Đồng USD đã tăng trở lại mức cao nhất trong vòng 20 năm do thị trường tiếp tục lo ngại rằng các hành động của ngân hàng trung ương Mỹ nhằm ngăn chặn lạm phát tăng cao sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, từ đó thúc đẩy nhà đầu tư tìm tới USD như một nơi ‘trú ẩn an toàn’.

Dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin thất nghiệp lần đầu trong tuàn qua đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng, mặc dù thị trường lao động vẫn là động lực của nền kinh tế Mỹ.

Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 4 của Mỹ đã giảm mạnh, với mức tăng 0,5% so với tháng liền trước, so với mức tăng 1,6% của tháng 3, một phần nhờ giá các sản phẩm năng lượng giảm nhiều. Trong 12 tháng tính đến tháng 4, chỉ số PPI của Mỹ tăng 11%. Mặc dù giảm so với mức tăng 11,5% của tháng 3, song mức tăng của tháng 4 vẫn cao hơn so với dự đoán của thị trường là tăng 10,7%.

Erik Bregar, Giám đốc Quản lý rủi ro tiền tệ và kim loại quý của Silver Gold Bull Inc ở Toronto cho biết: “PPI tháng 4 có sự pha trộn nhẹ, giảm so với tháng trước nhưng cao hơn so với dự kiến, và nhìn chung vẫn còn nhiều điều để lo lắng”.

Diễn biến chỉ số PPI tháng 4 tương tự như chỉ số giá tiêu dùng (CPI), khi CPI tháng 4 tăng 8,3% so với cùng kỳ, cao hơn mức dự đoán là 8,1%, song giảm nhẹ so với mức đỉnh cao 8,5% của tháng 3/2022- mức cao nhất kể từ mùa hè năm 1982.

“Chúng ta có thể đến một thời điểm mà việc dự đoán trở nên hơi chệch hướng và điều đó có thể tạo ra một số khoản đầu tư ngắn hạn trên thị trường chứng khoán và có thể đồng USD sẽ giảm giá trên diện rộng. Nhưng ngay lúc này, theo yếu tố chu kỳ và tác động từ những thông tin hiện tại, bạn đang có đủ lý do để đầu tư vào đồng USD lâu dài”- ông Erik Bregar nói.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc ngày 12/5 theo giờ Việt Nam tăng 0,433% lên 104,450, trước đó có lúc chạm mức 104,72, cao nhất kể từ ngày 12 tháng 12 năm 2002. Đồng euro trong cùng thời điểm giảm 0,95% xuống 1,0411 USD, sau khi có lúc giảm xuống 1,0328, thấp nhất kể từ ngày 3 tháng 1 năm 2017.

Sau khi Fed tăng lãi suất tham chiếu qua đêm thêm 50 điểm cơ bản vào tuần trước, mức tăng lớn nhất trong 22 năm, các nhà đầu tư đã cố gắng đánh giá xem ngân hàng trung ương Mỹ sẽ quyết liệt như thế nào trong quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ. Theo Công cụ FedWatch của CME, 100% các nhà đầu tư và nhà phân tích dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm ít nhất 50 điểm nữa tại cuộc họp chính sách vào tháng 6 tới.

Vừa mới đây, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ireland, Gabriel Makhlouf, đã tham gia cùng ‘dàn đồng ca’ các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) kêu gọi Hội đồng Thống đốc ECB hành động để giải quyết tình trạng lạm phát, mặc dù không nhất thiết phải tăng lãi suất cùng tốc độ với Fed.

Các tài sản rủi ro đã phải chịu sức ép trong hầu như suốt từ đầu năm tới nay, với chỉ số chứng khoán S&P 500 được xác nhận là đang tiếp tục ở trong xu hướng giảm giá kéo dài, khi đã mất 20% so với mức cao kỷ lục.

Các nhà đầu tư đã chuyển sang các tài sản trú ẩn an toàn như đồng USD do nghi ngờ khả năng Fed có thể giảm lạm phát mà không gây ra suy thoái, cũng như những tác động từ cuộc chiến ở Ukraine và dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc làm giảm nhu cầu ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.

Một nơi trú ẩn an toàn khác, đồng yên Nhật, tăng 1,40% so với đồng bạc xanh trong phiên 12/5, lên 128,16 mỗi đô la, trong khi bảng Anh kết thúc ngày 12/5 theo giờ Việt Nam ở mức 1,2219 USD, giảm 0,25% so với phiên liền trước, sau một loạt dữ liệu kinh tế thấp hơn kỳ vọng của Vương quốc Anh.

Đồng rúp Nga giao dịch trên Sàn Moscow ngày 12/5 có lúc tăng vượt ngưỡng 67 RUB/EUR lần đầu tiên trong vòng 5 năm, và hướng tới mức 64 RUB/USD, mặc dù các ngân hàng mua tiền rúp với giá thấp hơn nhiều so với các mức trên.

Đồng rúp đã trở thành loại tiền có giá tăng mạnh nhất thế giới trong năm nay do các biện pháp kiểm soát vốn mà Nga áp dụng để bảo vệ lĩnh vực tài chính của mình từ cuối tháng 2.

Theo đó, rúp lúc kết thúc ngày 12/5 đã tăng hơn 4% trong ngày 12/5 lên 64,34 RUB/USD, cao nhất kể từ cuối tháng 2 năm 2020. So với đồng euro, đồng rúp đã tăng hơn 5% lên 66,68 RUB/EUR, cao nhất kể từ tháng 6 năm 2020.

Nhân dân tệ Trung Quốc trong phiên vừa qua giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 19 tháng do đồng bạc xanh tăng vọt. Tính từ cuối tháng 3 đến nay, nhân dân tệ đã mất hơn 6% so với USD.

Trên thị trường giao ngay ở Trung Quốc, nhân dân tệ kết thúc ngày ở mức 6,79 CNY/USD, thấp nhất kể từ 30/9/2020. Trên thị trường quốc tế, nhân dân tệ cũng giảm mạnh, xuống 6,8 CNH/USD, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020.

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tiếp tục biến động mạnh, có lúc xuống gần sát mức 25.000 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm 2020, trước khi hồi phục nhẹ lên 29.627 USD vào lúc kết thúc ngày 12/5 theo giờ Việt Nam. Đồng Ethereum cũng giảm xuống 2.032,58 USD trong cùng thời điểm.

Giá vàng trong phiên vừa qua quay đầu giảm do các nhà đầu tư đổ xô vào USD. Lúc kết thúc ngày 12/5, giá vàng giao ngay giảm 0,7% xuống 1.839,01 USD/ounce, trong khi vàng giao tháng 6 giảm 0,7% xuống 1.841,60 USD.

Bart Melek, người phụ trách mảng chiến lược hàng hóa của TD Securities, cho biết: “Đồng USD đang tăng giá khi mọi thứ ở Mỹ có vẻ tiêu cực. Điều này đang làm tổn hại đến vàng. Ngoài ra, thị trường sẵn sàng chứng kiến ​​những đợt Fed tăng lãi suất khá mạnh”.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: