USD và Euro cùng tăng do khả năng ngân hàng trung ương tăng mạnh lãi suất, nhân dân tệ thấp nhất 2 năm

USD tăng trong phiên 30/8 mặc dù thấp hơn mức cao nhất 20 năm đạt được ở phiên liền trước, trong khi euro cũng tăng vào lúc đầu phiên nhưng không duy trì được trên mức ngang giá so với USD vào cuối phiên trong bối cảnh thị trường nhận định cả Fed và ECB sẽ đều tăng mạnh lãi suất.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 30/8 theo giờ Việt Nam tăng 0,285% lên 108,96, sau khi chạm mức 109,48 ở phiên liền trước (thứ Hai, 29/8) – cao nhất kể từ tháng 9 năm 2002.

Đồng bạc xanh đang được hỗ trợ bởi các đợt tăng lãi suất tích cực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong nỗ lực kiềm chế lạm phát hiện đang cao nhất hàng thập kỷ.

Các nhà giao dịch đã nâng mức dự đoán về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ 3 liên tiếp vào tháng 9 tới từ mức 66,5% lên 76,5% chỉ vài giờ sau khi một dữ liệu kinh tế của Mỹ được công bố.

Đó là báo cáo cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã phục hồi nhiều hơn dự kiến vào tháng 8 sau ba lần giảm liên tiếp (so theo tháng), với tỷ lệ người dân có ý định đi nghỉ tăng lên mức cao nhất trong 8 tháng, một tín hiệu tích cực về chi tiêu của người tiêu dùng trong thời gian tới.

Một số nhà giao dịch đã từng đặt cược rằng Fed sẽ chuyển sang lập trường mềm mỏng hơn vào đầu năm 2023, nhưng những kỳ vọng đó đã bị tiêu tan vào thứ Sáu tuần trước khi Chủ tịch Jerome Powell nói tại hội nghị Jackson Hole ở Wyoming rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất và duy trì ở mức cao trong một thời gian.

“Những đồn đoán trái chiều cuối cùng cũng dịu đi sau hội nghị Jackson Hole, và các thị trường đang băn khoăn rằng điều gì sẽ thay đổi câu chuyện? Đó có thể là dữ liệu việc làm sẽ công bố vào thứ Sáu (3/9), Simon Harvey, nhà phân tích thị trường tiền tệ của Monex Europe cho biết.

Mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào dữ liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 8, sẽ được công bố cuối tuần này, bởi bất cứ dấu hiệu nào cho thấy nhu cầu trên thị trường lao động sụt giảm sẽ đều làm giảm áp lực trong việc buộc Fed phải tăng lãi suất mạnh mẽ.

Một dữ liệu khác cho thấy nhu cầu lao động ở vẫn ở mức cao trong tháng 7 do tỷ lệ việc cần người của Mỹ tăng lên.

Đồng tiền chung châu Âu bước vào phiên giao dịch 30/9 tăng 0,02% lên 0,9997 USD, nhưng sau đó giảm trở lại sau khi dữ liệu niềm tin người tiêu dùng Mỹ được công bố.

John Hardy, người phụ trách mảng chiến lược ngoại hối của Ngân hàng Saxo, cho biết đồng euro đã tăng trong vài phiên vừa qua nhờ việc thị trường nâng tỷ lệ dự đoán về việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ tăng lãi suất mạnh mẽ, cũng như việc giá khí đốt tự nhiên hạ nhiệt.

Giá khí đốt bán buôn tại Anh và Hà Lan giảm đều giảm vào thứ Ba (30/9) khi châu Âu gần như đạt được mục tiêu dự trữ khí đốt là 80%.

Thị trường dự đoán có khoảng 50% khả năng ECB sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản tại cuộc họp tiếp theo của ECB, sau khi các diễn giả của ECB tại hội nghị ngân hàng Jackson Hole đã ủng hộ quan điểm tăng mạnh lãi suất hơn nữa, mặc dù tỷ lệ này đã giảm một chút vào thứ Ba (30/8).

Đồng bảng Anh phiên vừa qua giảm 0,56% xuống 1,164 USD, sau kỳ nghỉ lễ Ngân hàng ở Vương quốc Anh vào thứ Hai (29/8).

USD giảm 0,14% so với yen Nhật, xuống 138,895 JPY.

Hầu hết tiền tệ và thị trường chứng khoán của các nền kinh tế châu Á mới nổi đều tăng trong phiên vừa qua do USD hạ nhiệt khỏi mức cao nhất trong 2 thập kỷ và sau khi EUR hồi phục.

Đồng ringgit của Malaysia và peso của Philippines đều tăng 0,1% trong phiên 30/8, trong khi Rupiah của Indonesia rupee của Ấn Độ tăng 0,2%.

Trong khi đó, baht Thái Lan giảm so với USD, kéo dài chuỗi giảm sang ngày thứ 3 liên tiếp.

Poon Panichpibool, chiến lược gia thị trường thuộc Ngân hàng Krung Thai, cho biết đồng USD là yếu tố quan trọng nhất hiện nay ảnh hưởng đến đồng baht, nhưng sự sụt giảm lớn hơn dự kiến trong cán cân thương mại của Thái Lan có thể làm suy yếu đồng tiền này.

Đồng won của Hàn Quốc tăng 0,2% sau khi Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) cho biết lập trường chính sách tiền tệ của họ sẽ không thay đổi sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed tại hội nghị Jackson Hole tuần trước. Được biết, BOK – một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên từ bỏ kích thích tiền tệ thời đại dịch – đã tăng lãi suất tham chiếu của mình thêm 25 điểm phần trăm vào đầu tháng 8/2022, sau khi tăng 50 điểm phần trăm trong tháng 7 – mức tăng chưa từng có. BOK đã tăng lãi suất tổng cộng hai điểm phần trăm kể từ tháng 8 năm ngoái.

Nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục giảm giá trong phiên vừa qua, sau khi chạm mức thấp nhất 2 năm ở phiên đầu tuần, do đồng USD nhìn chung đang mạnh lên trên diện rộng, và áp lực đối với kinh tế Trung Quốc càng trở nên trầm trọng khi dịch COVID-19 lại bùng phát ở nước này khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế trở nên ảm đạm.

Trên thị trường trong nước, nhân dân tệ kết thúc phiên 30/8 giảm 74 pip so với phiên liền trước, xuống 6,9168 CNY/USD, vào giữa trưa, cách 74 pips so với mức đóng cửa cuối phiên trước đó.

Tuy nhiên, nhìn chung, các nhà giao dịch kỳ vọng sự sụt giá của đồng tiền này sẽ chậm lại trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy ngân hàng trung ương Trung Quốc đang tìm cách tiết chế tiền nhân dân tệ.

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin giảm xuống dưới mức 20.000 USD, có lúc chạm mức thấp nhất 6 tuần, là 19.526 USD.

Giá vàng cũng giảm trong phiên vừa qua do các nhà đầu tư gia tăng tỷ lệ đặt cược rằng lãi suất của Mỹ và các nước khác sẽ tăng thêm nữa.

Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 30/8 giảm 0,4% xuống 1.730,99 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất trong một tháng là 1.719,56 USD vào thứ Hai. Giá vàng kỳ hạn tương lai giảm tiếp 0,5% xuống 1.741,70 USD.

Theo ông David Meger là Giám đốc giao dịch kim loại của High Ridge Futures, tại cuộc họp ở Jackson Hole vào tuần trước ở Wyoming, Fed và ECB đã có thái độ tăng lãi suất tích cực, cam kết tất cả nỗ lực để kiềm chế lạm phát cao ngay cả khi tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: