Đồng đô la Mỹ tăng giá trong phiên thứ Sáu (8/7) sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng Sáu đã tạo ra nhiều công việc hơn dự kiến, làm củng cố niềm tin của thị trường rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm trong kỳ họp sẽ diễn ra vào cuối tháng này.
Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 8/7 theo giờ Việt Nam đã tăng 0,3% so với đóng cửa phiên liền trước, lên 107,30; sau khi có thời điểm trong phiên này đạt mức cao nhất trong vòng 2 thập kỷ, chủ yếu do USD tăng so với euro, trong bối cảnh nền kinh tế khu vực đòng euro (Eurozone) có dấu hiệu suy giảm. Như vậy, trong tuần này, DXY liên tiếp lập những kỷ lục cao nhất trong vòng 20 năm, với 5/6 phiên tăng giá.
Dữ liệu công bố ngày 8/7 cho thấy số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp ở Mỹ đã tăng 372.000 việc trong tháng vừa qua, vượt xa mức 268.000 việc mà các nhà phân tích dự đoán trong cuộc khảo sát của Reuters. Con số thực tế cao hơn dự đoán có thể giúp xoa dịu nỗi lo suy thoái, nhưng đồng thời cũng có thể sẽ làm tăng lãi suất, từ đó đẩy đồng USD tăng giá thêm nữa.
Hai trong số những người ủng hộ mạnh mẽ nhất của Fed hôm 7/7 cho biết họ sẽ ủng hộ một đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản nữa vào cuối tháng này nhưng sẽ giảm xuống với tốc độ chậm hơn sau đó.
Quỹ Fed Futures ngày 8/7 định giá hơn 90% khả năng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm trong tháng này, đưa tổng mức lãi suất tăng lên 187 điểm phần trăm vào cuối năm nay, cao hơn mức 181 điểm phần trăm dự báo hôm 7/7.
“Chắc chắn rằng Fed sẽ cố gắng nâng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm trong cuộc họp sẽ diễn ra sau hai tuần tới, song điều đó không có nhiều ý nghĩa vì chúng ta đã có nhiều dữ liệu để dự đoán trước”, Tom Plumb, giám đốc danh mục đầu tư của Plumb Balanced Fund ở Milwaukee, cho biết.
“Chúng ta vẫn đang ở trong tình thế mà trong tin xấu có cái tốt và trong tin tốt có cái xấu. Có thể hiểu theo hướng rằng Fed sẽ đạt được mục tiêu của mình với “phần thưởng” là điều chỉnh được nền kinh tế và phá vỡ chu kỳ giảm lãi suất kéo dài đã nhiều năm”.
Đồng euro, vốn đã giảm khoảng 3% so với USD trong tuần này, tiếp tục giảm khi các nhà đầu tư lo lắng về tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng đối với nền kinh tế do nguồn cung cấp khí đốt từ Nga không chắc chắn. Tỷ giá đồng euro lúc kết thúc ngày 8/7 theo giờ Việt Nam giảm 0,2% xuống 1,0141 USD/EUR.
“Cơ hội để tỷ giá USD-EUR ngang bằng nhau đang đến gần, nếu không trong ngày hôm nay thì sẽ trong những ngày tới”, chiến lược gia Francesco Pesole của ING Bank cho biết. “Động lực chung của đồng đô la vẫn mạnh và lo ngại về triển vọng kinh tế khu vực đồng euro đang làm dấy lên lo ngại ECB có thể thực hiện chính sách thắt chặt hơn nữa”, ông Pesole nói.
Ngân hàng Trung ương châu Âu đang chuẩn bị bắt đầu tăng lãi suất trong tháng này nhưng vẫn sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ chậm hơn so với Fed và hầu hết các ngân hàng trung ương khác.
Sau đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản đầu tiên trong tháng này sẽ có một đợt tăng mạnh hơn vào tháng 9 tới, ông Ignazio Visco, thành viên Hội đồng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cho biết.
Nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn tăng nhanh chóng trong phiên vừa qua đã nâng đồng yên tăng giá, sau khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị ám sát khi đang có bài diễn thuyết vận động cho cuộc bầu cử Quốc hội Nhật Bản. Điều đó đã đẩy đồng yen tăng 0,2% so với USD trong phiên 8/7, lên 136,32 JPY/USD.
Các nhà phân tích đã giảm thiểu tác động của vụ nổ súng sát hại ông Abe đối với thị trường. Chiến lược gia Francesco Pesole của ING Bank cho biết: “Đó là một môi trường không có rủi ro nên đồng yên đang hoạt động tốt hơn. Đó (việc ông Abe bị ám sát) là một tin cực kỳ đáng buồn nhưng có vẻ như đó là một sự kiện tách biệt với thị trường tiền tệ”.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch tiền tệ cho rằng những người tham gia thị trường có khả năng nhanh chóng chuyển sự chú ý của họ trở lại các nguyên tắc cơ bản.
Khác với đồng yen, đồng nhân dân tệ Trung Quốc giảm giá so với USD trong phiên vừa qua do thông tin ông Abe bị ám sát, bởi nhu cầu của nhà đầu tư đối với đồng yen làm nơi trú ẩn an toàn tăng lên, trong khi giảm nhu cầu đối với nhiều loại tiền tệ khác, trong đó có CNY.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 8/7 ấn định tỷ giá CNY/USD ở mức 6,7098 mỗi đô la, tăng 45 pips hoặc 0,07% so với mức 6,7143 CNY của cuối phiên liền trước. Tuy nhiên, trên thị trường giao ngay, CNY chỉ tăng vào đầu phiên, sau đó nhanh chóng giảm xuống 6,7060 CNY vào cuối ngày, giảm 45 pip so với phiên liền trước.
Trên thị trường tiền tệ, Bitcoin tiếp tục tăng trong phiên vừa qua, gần chạm ngưỡng 22.000 USD. Lúc kết thúc ngày 8/7 theo giờ Việt Nam, Bitcoin có giá 21.738 USD.
Giá vàng có thêm một phiên giảm do đồng USD mạnh lên và dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất nhanh hơn nữa.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 8/7 theo giờ Việt Nam vững ở mức 1.743,69 USD, vàng kỳ hạn tháng 8 giảm 0,2% xuống 1.743 USD. Tính chung cả tuần, giá vàng giảm gần 4% và là tuần giảm thứ 4 liên tiếp.
Gần đây, vàng đã không thu hút được dòng tiền trú ẩn an toàn mặc dù rủi ro suy thoái ngày càng gia tăng do các nhà đầu tư thay thay vì lựa chọn vàng thì chuyển sang chọn đồng đô la vì lãi suất cao.
Chiến lược gia thị trường cấp cao Bob Haberkorn của RJO Futures cho biết: “Dữ liệu việc làm đã đẩy giá vàng vốn đang gặp khó khăn tiếp tục giảm xuống. Tuy nhiên, có một số cuộc săn lùng giá hời khi giá vàng ở mức hiện tại”.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
Nguồn: cafef.vn