Đối với tỷ giá, SSI nhận định, vị thế của VND đã tương đối khác so với giai đoạn Fed tăng lãi suất vào năm 2018, với dự trữ ngoại hối, tính đến cuối năm 2021 đã đạt 110 tỷ USD – tương đương với khoảng 4 tháng nhập khẩu.
Trong báo cáo chiến lược mới đây, bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán SSI nhận định, chính sách tiền tệ vẫn được điều hành mềm mỏng trong 4 tháng đầu năm mặc dù áp lực điều hành đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang gia tăng. Mặt bằng lãi suất cho vay hiện vẫn đang được duy trì ổn định, trong khi đó tín dụng cải thiện kéo theo mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 và 2 tăng theo. Cụ thể, lãi suất huy động đối với khách hàng cá nhân tăng 30 – 70 điểm cơ bản so với đầu năm tại một số NHTMCP trong khi lãi suất tại NHTMCPNN không có thay đổi.
Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động dao động từ 3,3% – 4,5% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 4,2% – 5,7% đối với kỳ hạn 6 – 12 tháng và 5,3% – 6,5% cho kỳ hạn trên 12 tháng. Lãi suất trên thị trường 2 cũng liên tục duy trì trên 2% đối với lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, trong khi đó NHNN cũng liên tục thực hiện bơm tiền hỗ trợ thanh khoản thông qua nghiệp vụ OMO.
Trong cuộc họp chính phủ thường kỳ tháng 4, NHNN thông báo tín dụng tính đến ngày 25/4 tăng 6,75% so với cuối năm 2021 (tương đương với mức tăng 16,4% so với cùng kỳ). Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 có thể đạt 14 – 15% và tương đồng với kế hoạch tăng trưởng tín dụng của các NHTM. Trong ngắn hạn, SSI tin rằng rủi ro về thay đổi chính sách tiền tệ từ NHNN là không nhiều, khi Chính phủ vẫn đang tập trung cho việc khôi phục lại nền kinh tế hậu Covid. Áp lực từ lạm phát là có, tuy nhiên Chính phủ có thể kiểm soát được lạm phát trong mục tiêu 4% nhờ việc kiểm soát mặt bằng giá các mặt hàng thuộc quản lý của Chính phủ (y tế, điện,..) trong khi đó giá năng lượng sẽ được kiểm soát thông qua việc tiếp tục giảm thuế nhập khẩu xăng dầu.
Đối với tỷ giá, SSI nhận định, vị thế của VND đã tương đối khác so với giai đoạn Fed tăng lãi suất vào năm 2018, với dự trữ ngoại hối, tính đến cuối năm 2021 đã đạt 110 tỷ USD – tương đương với khoảng 4 tháng nhập khẩu. Nguồn cung USD ổn định giúp hỗ trợ đồng VND, đến từ dòng vốn FDI giải ngân, cán cân thương mại hay kiều hối.
Dữ liệu kinh tế tháng 4 vẫn cho thấy triển vọng tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022, mặc dù rủi ro từ xung đột Nga-Ukraine kéo dài, Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát Covid hay Fed tiếp tục thực hiện tăng lãi suất càng rõ nét. Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng trong năm 2022 đến từ nhu cầu tiêu dùng nội địa, hoạt động xuất khẩu, giải ngân vốn FDI và tăng trưởng tín dụng tiếp tục đà hồi phục và giúp chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2022 là 6,8%. Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công – một công cụ thúc đẩy tăng trưởng cũng đã được cải thiện trong tháng Tư và được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới.
Nguồn: cafef.vn