Những chất vấn dồn dập, có lúc gay gắt, về iMedia đã làm nóng AGM 2022 lần 2 của VMG Media, thể hiện nhiều băn khoăn của nhóm cổ đông mới đối với HĐQT đương nhiệm.
CTCP Truyền thông VMG (VMG Media – Mã CK: ABC) mới tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2022 lần thứ 2 (AGM 2022 lần 2). Đại hội có sự tham dự của 61 cổ đông và người được uỷ quyền, đại diện cho 17,08 triệu cổ phần, tương đương 84% tổng số cổ phần của công ty.
“Có những cổ đông lớn, mới, tham dự đại hội lần này”, ông Nguyễn Văn Tấn – người đại diện vốn của VNPT, Chủ tịch HĐQT VMG Media – nhấn mạnh. “Nhóm cổ đông này có nhiều quan điểm khác nhau trong tổ chức HĐQT, thậm chí là ban điều hành”, ông Tấn nói thêm.
Ông Tấn cho biết, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT; sở hữu 28,3% cổ phần) đã đề nghị bổ sung vào chương trình họp nội dung bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT (thay thế cho ông Torben Kjaer đã có đơn từ nhiệm – PV).
Trong khi đó, một nhóm cổ đông lớn – sở hữu 48,85% cổ phần VMG Media – kiến nghị miễn nhiệm toàn bộ 5 thành viên HĐQT hiện tại và bầu 5 thành viên HĐQT mới, để phù hợp với cơ cấu cổ đông.
Nhóm cổ đông này được tin rằng là bên mong muốn nhất trong việc đưa các nội dung bầu thành viên HĐQT vào chương trình họp AGM 2022 lần 2.
Với ưu thế về số lượng cổ phần (và phiếu bầu), họ có thể đưa đại diện vào HĐQT VMG Media, thậm chí là nắm đa số ‘ghế’, nếu nội dung miễn nhiệm toàn bộ HĐQT đương nhiệm và bầu bổ sung HĐQT mới được chấp thuận.
Về lý thuyết, đây có thể xem là một nhu cầu chính đáng, đảm bảo tính hợp lý giữa quyền sở hữu và quyền quản trị điều hành. Theo tính toán, nhóm này đã rót hàng trăm tỉ đồng cho khoản đầu tư vào VMG Media và hiện là nhóm cổ đông có tỉ lệ nắm giữ lớn nhất ở đây.
Tuy vậy, các nội dung nêu trên đã không được đưa vào trong chương trình nghị sự do tỷ lệ biểu quyết tán thành chưa đủ túc số cần thiết. Nguyên nhân được cho là đến từ lá phiếu mang tính quyết định của VNPT.
VMG Media để ‘tuột’ iMedia như thế…
AGM 2022 lần 2 của VMG Media nóng lên bởi các câu hỏi chất vấn ban lãnh đạo công ty về CTCP Công nghệ và Dịch vụ Imedia (iMedia).
Như VietTimes từng đề cập , chỉ trong 13 tháng (từ tháng 7/2020 – 8/2021), iMedia đã tăng vốn điều lệ từ 6 tỉ đồng lên 50 tỉ đồng, qua đó khiến tỷ lệ sở hữu của VMG Media tại đây giảm mạnh từ 51% xuống chỉ còn 6,12% vốn điều lệ.
Đồng nghĩa, từ vị thế công ty mẹ, nắm cổ phần chi phối, VMG Media nay chỉ còn là cổ đông thứ yếu ở iMedia – đơn vị từng đóng góp từ 30-40% doanh thu cho công ty.
Trong bối cảnh VMG Media đối mặt với nhiều khó khăn do vụ kiện liên quan đến VNPT Epay, việc HĐQT công ty quyết không góp vốn để giữ tỉ lệ sở hữu chi phối tại đơn vị đang ‘ăn nên làm ra’ như iMedia khiến nhiều cổ đông bày tỏ sự băn khoăn.
Có lẽ vì vậy, mà trong thời lượng gần 2 tiếng của phiên thảo luận, các câu hỏi chất vấn về iMedia liên tục được gửi tới ban lãnh đạo VMG Media.
Đáng chú ý, ông Trần Bình Dương – Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VMG Media – đã xác nhận trước đại hội về việc bản thân đang nắm giữ “khoảng 30% vốn” cùng chức Chủ tịch HĐQT iMedia.
Cũng theo chia sẻ, ông Trần Bình Dương chính là người đã trình HĐQT VMG Media xem xét các nội dung tăng vốn cho iMedia trong các tháng 7/2020 (đợt 1: từ 6 tỉ đồng lên 10 tỉ đồng) và tháng 6/2021 (đợt 2: từ 10 tỉ đồng lên 50 tỉ đồng).
“Trong lần họp đầu tiên, có 4 thành viên HĐQT VMG Media tham gia. Tôi là người đề xuất và đề nghị mua cổ phần iMedia. 1 thành viên HĐQT không bỏ phiếu (ông Domingo Alonso – PV). 2 đại diện của VNPT, đánh giá bối cảnh vụ kiên đang căng thẳng (vụ kiện liên quan đến VNPT Epay ở Toà án Singapore – viết tắt: SIAC) nên không thể tiêu tốn nguồn lực của VMG Media vào công ty khác, đã bỏ phiếu không đồng ý”, ông Dương nhớ lại.
Khi iMedia thực hiện tăng vốn từ 10 tỉ đồng lên 50 tỉ đồng, ông Dương đã sở hữu cổ phần tại công ty này. Ông Dương nói rằng, vì đã nhận thức được sự xung đột lợi ích, nên đã không tham gia bỏ phiếu tại cuộc họp của HĐQT VMG Media để xem xét nội dung góp thêm vốn vào iMedia.
Cuộc họp này có sự tham dự của cả 5 thành viên HĐQT VMG Media. Trong đó, ông Domingo Alonso không bỏ phiếu. Các đại diện VNPT và ông Torben Kjaer đều bỏ phiếu ‘không đồng ý’. Với kết quả này, VMG Media tiếp tục không tham gia vào đợt tăng vốn của iMedia, từ đó giảm tỉ lệ sở hữu xuống chỉ còn 6,12%.
Tuy vậy, giải trình trên của ông Dương bị các cổ đông mới của VMG Media cho là thiếu thuyết phục. Họ đặt vấn đề: Chủ trương tăng vốn của iMedia chắc chắn phải được đưa ra lấy ý kiến và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của iMedia, trước khi được CEO Trần Bình Dương trình HĐQT VMG Media xem xét việc góp thêm vốn.
Với tỉ lệ sở hữu tại iMedia lên đến 51% khi ấy, chắc chắn nếu không có sự chấp thuận từ công ty mẹ VMG Media, iMedia sẽ không thể thông qua chủ trương và ra được Nghị quyết tăng vốn. Tại lần tăng vốn tiếp theo của iMedia, lá phiếu biểu quyết của VMG Media có lẽ cũng cần được xem xét thêm. “Rõ ràng đã có sự mâu thuẫn trong ý chí và hành động” – một cổ đông đặt vấn đề.
Mặt khác, dù vụ kiện ở SIAC được cho là nguyên nhân chính khiến các đại diện VNPT biểu quyết không góp thêm vốn cho iMedia, song khi cổ đông yêu cầu cung cấp chi phí liên quan đến vụ kiện, HĐQT và Ban điều hành VMG Media không thể cung cấp ngay các tài liệu này tại AGM 2022 lần 2.
Chia sẻ tại AGM 2022 lần 2, ông Dương nói rằng VMG Media đang vướng vụ kiện liên quan đến VNPT Epay nên không đủ điều kiện để tham gia đấu thầu. Do đó, iMedia sẽ đứng thay cho VMG Media ở một số lĩnh vực để tham gia đầu thầu, kể như Brandname.
Ở lĩnh vực cổng thanh toán trực tuyến (payment gateway), ông Dương cho biết VMG Media nhận thấy rủi ro pháp lý từ lĩnh vực này (tương tự như VNPT Epay trước kia) nên để iMedia đứng ra làm thay.
Rủi ro là thế, nhưng vị CEO VMG Media – như đã đề cập – vẫn đầu tư sở hữu tới 30% cổ phần iMedia.
Ông Trần Bình Dương, nên biết, đã tham gia vào dự án thành lập CTCP Thanh toán điện tử VNPT (VNPT Epay) từ năm 2008, và từng đảm nhiệm chức vụ tổng giám đốc tại công ty thanh toán điện tử này.
Từ tháng 4/2014 đến nay, ông Dương đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc VMG Media. Dưới sự điều hành của ông Dương, VMG Media nổi lên trong ngành công nghệ, viễn thông với những Lingo.vn và VNPT Epay.
Tuy vậy, Lingo.vn – sau khi được VMG Media bán cổ phần chi phối cho Maj Invest – đã đóng cửa, còn vụ kiện liên quan đến việc chuyển nhượng VNPT Epay đang khiến VMG Media phải trích lập hàng trăm tỉ đồng, dẫn đến trạng thái âm vốn chủ sở hữu hiện nay của công ty.
VNPT Epay cũng được điểm tên là một trong số các trung gian thanh toán có liên quan đến vụ án đánh bạc nghìn tỷ của Phan Sào Nam.
Nguồn: cafef.vn