VN-Index phục hồi mạnh, Chứng khoán Việt Nam lọt top tăng trưởng tốt nhất thế giới trong tháng 8

VN-Index phục hồi mạnh, Chứng khoán Việt Nam lọt top tăng trưởng tốt nhất thế giới trong tháng 8

Thậm chí xét riêng trong khu vực, VN-Index càng nổi bật khi có hiệu suất cao hơn hầu hết các thị trường, chỉ thấp hơn chỉ số thị trường chứng khoán Phillipines (PCOMP, +6,9%).

Sau 2 quý đầu năm 2022 tương đối trồi sụt, VN-Index bắt đầu có dấu hiệu hồi phục sau hơn nửa chặng đường quý 3. Đáng chú ý trong tháng 8, chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự bứt phá ấn tượng khi tăng hơn 74 điểm, tương ứng 6,2% so với thời điểm cuối tháng 7 liền trước và qua đó thu hẹp mức giảm còn 14,4% so với đầu năm.

Thống kê từ Stockq, sự phục hồi mạnh mẽ đã đưa VN-Index trở thành một trong những chỉ số chứng khoán có hiệu suất tốt nhất Thế giới trong tháng 8/2022, ngược dòng với các thị trường lớn trên thế giới.

Thậm chí xét riêng trong khu vực, VN-Index càng nổi bật khi có hiệu suất cao hơn hầu hết các thị trường, bao gồm Malaysia (FPMKLCI, +0,5%), Singapore (STI Index, +1,2%), Indonesia (JCI Index, +2,6%), Thái Lan (SET Index, +4,3%), và chỉ thấp hơn chỉ số thị trường chứng khoán Phillipines (PCOMP, +6,9%).

Vốn hóa của HoSE cũng đã tăng gần 300.000 tỷ đồng (~13 tỷ USD) trong tháng 8 và hiện đang dừng ở mức 5.092.550 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch bình quân 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM đạt 18.521 tỷ đồng trong tháng 8, tăng 34% so với mức trung bình của tháng 7.

Theo số liệu từ Algo Platform, tại mức điểm chốt tháng 8 là 1.280,51 điểm, định giá P/E VN-Index đạt 13,67 lần, tăng so với mức 12,95 lần hồi cuối tháng 7. Có thể thấy định giá hấp dẫn là một trong những yếu tố đã kích thích dòng tiền bắt đáy nhập cuộc. Dòng tiền trong tháng qua luân phiên hướng tới nhiều nhóm ngành như bán lẻ, chứng khoán, thép, hoá chất, dầu khí, vật liệu xây dựng,… giúp đà tăng của thị trường được củng cố.

Theo VNDirect, sự phục hồi mạnh mẽ của VN-Index trong tháng 8 được hỗ trợ bởi các yếu tố gồm lạm phát có xu hướng hạ nhiệt ở cả Mỹ và Việt Nam, tâm lý thị trường được cải thiện với kỳ vọng Fed giảm tốc quá trình tăng lãi suất trong quý 4. Ngoài ra, đà tăng trưởng được thúc đẩy nhờ sự tham gia của dòng tiền đầu cơ.

Không chỉ tăng về điểm số, thanh khoản thị trường cũng hồi phục đáng kể với giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên sàn HoSE ghi nhận trong tháng 8/2022 đạt 15.795 tỷ đồng/phiên, tăng 36% so với tháng trước, thanh khoản tăng trở lại ở tất cả các nhóm ngành.

VNDirect tin rằng sự phục hồi của thanh khoản thị trường được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản cải thiện tích cực khi lạm phát Mỹ hạ nhiệt xuống mức tăng 8,5% so với cùng kỳ trong tháng 7; lạm phát của Việt Nam cũng hạ xuống mức tăng 3,1% trong tháng 7 (so với mức tăng 3,4% trong tháng 6). Đồng thời, thị trường cũng kỳ vọng rằng FED có thể chậm lại đà tăng lãi suất điều hành trong quý 4 khi áp lực lạm phát hạ nhiệt và GDP của Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng hai con số trong quý 3 này.

Tuy vậy, sự phục hồi về thanh khoản không đi kèm với sự gia tăng của lớp nhà đầu tư mới. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới chỉ đạt 198.988 tài khoản trong tháng 7, giảm 57% so với mức kỷ lục trong tháng 6 trước đó. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021.

Giao dịch khối ngoại cũng tích cực hơn sau tháng 7 bán ròng. Xét về khối lượng, tổng giá trị giao dịch trong tháng 8 đạt 45.460 tỷ đồng, tương ứng tỷ trọng 5,3%. Họ mua vào 23.269 tỷ đồng và bán ra 22.290 tỷ đồng, như vậy giá trị mua ròng đạt 980 tỷ đồng trong tháng 8. Tuy nhiên đây là giá trị mua ròng thấp nhất tính theo tháng kể từ đầu năm 2022 tới nay.

Theo VNDỉrect, nguyên nhân của sự trở lại của dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài đến từ bối cảnh lạm phát Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt và thị trường kỳ vọng rằng đà tăng lãi suất của FED có thể chậm lại vào cuối năm nay. Dòng tiền đầu tư quốc tế quay trở lại các loại tài sản rủi ro, bao gồm cả chứng khoán tại các thị trường mới nổi và cận biên như Việt Nam.

Báo cáo chiến lược mới cập nhật của VNDirect cho rằng định giá thị trường hiện tại là hấp dẫn đối với nhà đầu tư dài hạn, những người tìm kiếm doanh nghiệp được quản trị tốt với mức tăng trưởng lợi nhuận cao.

Với mức tăng trưởng EPS cao trong giai đoạn 2022-2024, VNDirect đánh giá, TTCK Việt Nam vẫn hấp dẫn so với quá khứ và so với các nước trong khu vực. Việt Nam nổi bật trong số các thị trường mới nổi với P/E dự phóng cho năm 2022 là 12,2 và P/E dự báo cho 2023 là 10,4 lần, thấp hơn nhiều so với P/E trung bình 5 năm gần đây là 16,4 lần. Các yếu tố cơ bản của thị trường đang được cải thiện và sự điều chỉnh này tạo ra “cơ hội giải ngân tốt” cho các nhà đầu tư để xây dựng danh mục cho quý 4 và sang tới năm 2023.

Còn theo quan điểm của MBS, nhiều khả năng thị trường trong thời gian tới sẽ chịu tác động từ sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán thế giới nhưng cũng sẽ nhanh chóng vượt qua khi dòng tiền đã có sự phòng thủ, do vậy các nhịp điều chỉnh sẽ là cơ hội để cơ cấu danh mục. Tính trung bình chu kỳ trong 10 năm trở lại đây, tháng 9 luôn là tháng có tỷ suất tăng trưởng dương 0.9% với chỉ số VN-Index, do đó khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tách dần ảnh hưởng với diễn biến tiêu cực của thị trường thế giới và đi theo câu chuyện riêng.

Trong kịch bản lạc quan, nếu chỉ số VN-Index lấy lại được mốc 1.300 điểm, MBS cho rằng điều này sẽ kích hoạt thêm dòng tiền đổ thêm vào thị trường để chinh phục đỉnh tháng 6 vừa qua ở mốc 1.315 điểm và hướng đến 1.350 điểm. Còn với kịch bản cơ bản, khả năng chỉ số sẽ đi ngang với biên độ hẹp trong vùng dao động quanh mức 1.280 – 1305 điểm.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: