Sóng gió bắt đầu nổi lên trên nhóm chứng khoán khi thị trường bắt đầu có dấu hiệu chững lại cả về mặt điểm số và thanh khoản. Giao dịch không còn bùng nổ như giai đoạn trước gây áp lực lớn lên kết quả kinh doanh cũng như giá cổ phiếu ngành chứng khoán.
VND: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Thị trường chứng khoán vừa trải qua một phiên giao dịch đầy hưng phấn với sắc xanh bao phủ rộng. VN-Index tăng gần 23 điểm với số mã xanh áp đảo so với số mã giảm điểm. Tuy nhiên, phần lớn cổ phiếu nhóm chứng khoán vẫn chìm trong sắc đỏ, thậm chí VND của VNDirect còn giảm gần kịch sàn.
Mức giảm 6,7% phiên hôm nay đưa VND xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2021. Giá trị vốn hóa thị trường chỉ còn 22.100 tỷ đồng, “bốc hơi” gần một nửa so với thời điểm đạt đỉnh hồi đầu tháng 4. Như vậy, VNDirect – cái tên cuối cùng ngành chứng khoán cũng đã rời khỏi câu lạc bộ tỷ USD vốn hóa. Trước đó, SSI cũng đã “rớt đài” khi cổ phiếu này giảm sàn phiên 15/6.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, VNDirect vẫn là công ty chứng khoán lớn nhất sàn chứng khoán cả theo tiêu chí vốn hóa thị trường và vốn điều lệ. Với việc tăng vốn thành công gần đây, vốn điều lệ của VNDirect đã lên đến hơn 12.000 tỷ đồng, tương đương với một số ngân hàng thương mại tầm trung.
Danh sách tỷ USD vốn hóa sạch bóng công ty chứng khoán là một tín hiệu buồn đối với nhóm ngành từng rất thăng hoa trong nửa sau của năm 2021 và những tháng đầu năm nay. Thời điểm đó, vốn hóa VND và SSI đều đã có lúc vượt 2 tỷ USD nhưng những đợt lao dốc sau đó đã nhanh chóng thổi bay thành quả tăng giá của nhiều tháng trước đó.
Sóng gió bắt đầu nổi lên trên nhóm chứng khoán khi thị trường bắt đầu có dấu hiệu chững lại cả về mặt điểm số và thanh khoản. Giao dịch không còn bùng nổ như giai đoạn trước gây áp lực lớn lên kết quả kinh doanh của các CTCK. Tiền vào thị trường nói chung và nhóm chứng khoán nói riêng không đủ dồi dào để cân lại lượng cung lớn gia tăng sau các đợt phát hành.
Bên cạnh tác động từ biến cố trên thị trường trái phiếu, lãi suất tăng cũng là một trong những nguyên nhân trọng yếu ảnh hưởng đến dòng tiền vào chứng khoán. Rạng sáng ngày 16/6 (theo giờ Việt Nam), Fed đã nâng lãi suất thêm 0,75% – mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994. Sau nhiều tuần được dự đoán, lãi suất chuẩn hiện dao động ở mức 1,5% – 1,75%, cao nhất kể từ ngay trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra vào tháng 3/2020.
Lãi suất tăng sau thời gian dài duy trì ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch là xu hướng không thể tránh khỏi và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các ngân hàng thương mại trong nước thời gian gần đây cũng bắt đầu “rục rịch” tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm – một trong những kênh đầu tư thay thế chứng khoán.
Dù chưa có số liệu chính xác nhưng việc một phần dòng tiền rút ra khỏi chứng khoán để chuyển sang gửi tiết kiệm là điều không bất ngờ. Theo thống kê, thanh khoản bình quân phiên trên HoSE đã có xu hướng giảm mạnh từ sau khi đạt đỉnh vào tháng 11 năm ngoái. Trong tháng 5 vừa qua, giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt 13.800 tỷ đồng/phiên, thấp nhất kể từ tháng 2/2021.
Khó khăn trong ngắn hạn nhưng không thể phủ nhận triển vọng dài hạn của ngành chứng khoán nhờ dư địa tăng trưởng số lượng nhà đầu tư tham gia còn nhiều. Tuy nhiên, nhiều đánh giá cho rằng các CTCK sẽ có sự phân hóa ngày càng rõ rệt và những cái tên “đuối” hơn rất có thể sẽ bị bỏ lại thậm chí đào thải.
Theo đánh giá của đội ngũ phân tích của Vnstockmarket, sự phát triển của ngành chứng khoán nói chung sẽ bắt đầu có sự phân hóa lớn giữa các công ty theo nhiều yếu tố như chất lượng dịch vụ đầu tư, chính sách và định hướng của nhà nước đối với thị trường chứng khoán hay mức độ cạnh tranh của các công ty trong ngành.
Đồng quan điểm, ACBS nhận định mảng môi giới chứng khoán có mức độ cạnh tranh cao khi có tới 74 CTCK trong khi sản phẩm ít có sự khác biệt giữa các công ty. Bên cạnh đó, hoạt động tự doanh dự báo sẽ gặp khó khăn trong quý 2/2022 do thị trường diễn biến kém thuận lợi. Đây là 2 mảng hoạt động chính đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh của các CTCK bên cạnh cho vay ký quỹ (margin).
Nguồn: cafef.vn