VNDirect: Vượt qua những thách thức bên ngoài, kinh tế Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nửa cuối 2022

VNDirect: Vượt qua những thách thức bên ngoài, kinh tế Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nửa cuối 2022

VNDirect Research dự báo GDP Việt Nam cả năm đạt 7,1% nhờ động lực từ hoạt động sản xuất mở rộng mạnh mẽ và ngành dịch vụ khởi sắc trở lại.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,4% so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp và xây dựng tăng 7,7%, theo sau là dịch vụ tăng 6,6%; nông, lâm, ngư nghiệp và thủy sản tăng 2,8% so với cùng kỳ. Báo cáo triển vọng 6 tháng cuối năm của CTCK VNDirect chỉ ra rằng bối cảnh tài chính toàn cầu thắt chặt hơn có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, dẫn tới giảm nhu cầu hàng xuất khất của Việt Nam.

Lạm phát toàn cầu có khả năng đạt đỉnh và hạ nhiệt vào nửa cuối năm

Bên cạnh đó, một số mặt hàng quan trọng có dấu hiệu điều chỉnh như giá phân bón tại Bắc Mỹ, giá ô tô đã qua sử dụng tại Mỹ và giá cước vận tải biển. Trong khi đó, giá cước vận tải biển giảm trung bình 28% so với mức cao nhất năm ngoái, điều này giúp giảm giá hàng nhập khẩu và lạm phát nhập khẩu cũng giảm ở nhiều nước trên thế giới.

VNDirect Research chỉ ra các yếu tố hỗ trợ hạ nhiệt lạm phát toàn cầu bao gồm việc Trung Quốc nới lỏng giãn cách xã hội và chỉ số giá sản xuất PPI ở Trung Quốc liên tục giảm từ tháng 11/2021. Ngoài ra các nhà máy lọc dầu ở Mỹ tăng sản lượng lọc dầu cũng giúp giảm giá xăng dầu trong nửa cuối năm 2022. Đặc biệt, FED và nhiều ngân hàng trung ương thế giới quyết liệt tăng lãi suất điều hành và giảm quy mô bảng cân đối kế toán cũng giúp lạm phát hạ nhiệt.

Nền kinh tế Việt Nam vượt qua những thách thức bên ngoài để đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn?

Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu hạ nhiệt, song đội ngũ phân tích VNDirect dự báo lạm phát của Việt Nam tiếp tục tăng 6 tháng cuối 2022. Nguyên nhân đến từ nhu cầu phục hồi, giá xăng vẫn ở mức cao và giá nguyên liệu đầu vào cũng tăng cao hơn kéo theo chi phí sản xuất trong nước tăng lên.

Tuy nhiên, theo đánh giá của VNDirect, Chính phủ có đủ nguồn lực để kiểm soát mức trung bình lạm phát theo đúng như mục tiêu Quốc hội đề ra là dưới 4% cho năm 2022. Chính phủ đang thực hiện các giải pháp cần thiết để kiềm chế lạm phát trong năm nay, bao gồm giảm thuế môi trường đối với xăng dầu để hạ giá xăng trong nước và điều chỉnh giá các dịch vụ công, ví dụ như học phí. Chính phủ đã lên kế hoạch tiếp tục giảm thuế đối với các mặt hàng xăng dầu nếu giá dầu thế giới tiếp tục tăng nhằm kiểm soát lạm phát. Nhìn chung, VNDirect duy trì dự báo CPI bình quân của Việt Nam năm 2022 ở mức 3,5% so với cùng kỳ.

Theo đó, VNDirect Research dự báo GDP Việt Nam tăng 7,8% trong 6 tháng cuối năm so với cùng kỳ, qua đó nâng tốc độ tăng trưởng cả năm lên 7,1% nhờ động lực từ hoạt động sản xuất mở rộng mạnh mẽ và ngành dịch vụ khởi sắc trở lại.

Đặc biệt, VNDirect cũng chỉ ra những động lực chính giúp nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn trong nửa cuối năm 2022. Nhóm động lực đến từ mức nền thấp của Quý 3/2021 và việc mở cửa trở lại các dịch vụ không thiết yếu, bao gồm giao thông công cộng, du lịch và giải trí giúp cho hoạt động xuất khẩu trở nên mạnh mẽ. Hơn nữa, các gói kích thích kinh tế mới như giảm thuế VAT 2% và gói cấp bù lãi suất tổng giá trị 40.000 tỷ đồng, song song với dòng vốn FDI phục hồi khi Chính phủ cấp phép cho các chuyến bay thương mại quốc tế cũng trở thành những động lực cốt yếu.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: