Không chỉ ở thành thị, lừa đảo bằng hình thức lập sàn tiền ảo, mua bán tiền ảo đã vươn vòi đến nông thôn, nếu không kịp ngăn chặn thì hệ lụy sẽ khó lường.
Khi tiền ảo có những bước phát triển nhanh chóng tại Việt Nam cũng là lúc xảy ra những vụ việc lừa đảo giao dịch, lừa đảo mua bán, đầu tư các loại tiền này. Ngoài những vụ lừa đảo xảy ra ở các thành phố lớn, hiện nay các đối tượng đang vươn vòi đến mọi nơi, nhất là khu vực nông thôn.
Nạn nhân ngày càng nhiều
Đầu tháng 3-2022, Trần Văn Luật ở Bắc Giang đã lĩnh án 15 năm tù giam sau khi thông tin gian dối về việc sở hữu tiền ảo Bitcoin rẻ hơn so với giá thị trường rồi lừa bán, chiếm đoạt hàng tỉ đồng của các nạn nhân trên địa bàn.
Cũng ở Bắc Giang, trước đó, Công an tỉnh này đã làm rõ vụ án lừa đảo đầu tư Bitcoin bằng chiêu trò cho nạn nhân hưởng “lãi ảo”. Cụ thể, các đối tượng dụ dỗ người dân tham gia đầu tư tiền ảo Bitcoin qua trang web Gatecn.co để kiếm tiền nhanh, thu lợi nhuận lớn. Khi bị hại tham gia đầu tư số tiền lớn, đối tượng tiếp tục can thiệp vào hệ thống để bị hại nhận thấy số lãi nhiều, thậm chí lên đến hàng tỉ đồng. Thực tế đây là chỉ là “lãi ảo”. Khi thời cơ đã chín muồi, các đối tượng đánh sập trang web Gatecn.co, chiếm đoạt toàn bộ tài sản của bị hại đã đầu tư.
Mới đây nhất, ngày 7-8, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 tháng đối với Nguyễn Thị Lệ Nhi (SN 1984) về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Khám xét khẩn cấp Văn phòng FVP Trade Quảng Bình, lực lượng công an đã thu giữ 3 máy tính xách tay, 6 sổ tay, 99 giấy nộp tiền mặt và nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động của Văn phòng FVP Trade.
Theo hồ sơ, năm 2020, Nhi đến thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch để mở văn phòng đại diện có tên FVP Trade Quảng Bình. Văn phòng do Nhi đứng đầu và phụ trách với chức danh trưởng văn phòng cùng 5 nhân viên là thuộc cấp dưới quyền do Nhi điều khiển. Ban đầu, nhóm đối tượng này đã rầm rộ quảng bá và mời chào, hướng dẫn, tư vấn các “nhà đầu tư” mở tài khoản, nộp tiền vào rồi ủy quyền cho các “chuyên gia” của FVP Trade đầu tư Forex để nhà đầu tư hưởng lợi nhuận từ 6%-10%/tháng, thậm chí có thể lên tới 14%/tháng (tương đương 168%/năm). Lợi nhuận % càng cao khi nhà đầu tư càng mời chào được nhiều người mới tham gia.
Khi đã kéo được nhiều “con mồi” tham gia mở tài khoản và nộp tiền, ban đầu, FVP Trade Quảng Bình cũng có chi trả lợi nhuận tương đương như cam kết với mục đích tạo lòng tin cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau khi dụ dỗ, lôi kéo được hàng trăm người tham gia, thời gian gần đây, sàn FVP Trade bất ngờ tạm dừng giao dịch, việc nạp, rút tiền đều không thực hiện được và đóng băng toàn bộ tài khoản, xóa bỏ dữ liệu nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của các nạn nhân. Bước đầu, cơ quan công an xác định thông qua Văn phòng FVP Trade Quảng Bình có 225 tài khoản tham gia của các nhà đầu tư với tổng số tiền hơn 16 tỉ đồng. Các tài khoản tham gia này đều thuộc Văn phòng đại diện FVP Trade Quảng Bình. Trong đó, công an đã làm rõ 9 nhà đầu tư thiệt hại với số tiền hơn 1,3 tỉ đồng.
Sớm lấp khoảng trống pháp lý
Trước những diễn biến phức tạp, rủi ro và hệ lụy khó lường của tiền ảo, từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Trong đó, giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ – ngành liên quan triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng như rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế liên quan; lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh nhằm hoàn thiện khung pháp lý quản lý, xử lý tài sản ảo, tiền ảo… Tuy nhiên đến nay, vẫn còn khoảng trống pháp lý về vấn đề tiền ảo.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng đến nay mới chỉ có Ngân hàng Nhà nước ra văn bản khẳng định tiền kỹ thuật số không phải là công cụ thanh toán được chấp nhận tại Việt Nam. Các bộ, ngành khác đã đưa ra những khuyến cáo về rủi ro khi tham gia giao dịch, đầu tư tiền ảo tùy theo chức năng, nhiệm vụ quản lý của từng cơ quan. Trong khi đó, khung pháp lý để quản lý tiền ảo chưa có, dẫn đến những phát sinh trên thực tế là việc đầu tư các loại tiền ảo có bị cấm hay không, tiền ảo đó có được coi là một loại tài sản hay không?
Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Chi Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế (Bộ Tư pháp), cho hay Bộ Tư pháp đã nghiên cứu và đề xuất Chính phủ tiếp tục giao cho các bộ – ngành, tùy theo từng lĩnh vực quản lý để hoàn thiện khung pháp lý đối với tiền ảo. “Tiền ảo hay tài sản ảo vẫn rất phức tạp liên quan đến công nghệ, là điểm mới về pháp lý, những thay đổi nhanh chóng của công nghệ cũng đặt ra những thách thức trong quá trình nghiên cứu, đề xuất khung pháp lý. Chính vì vậy, chúng tôi phải có các nghiên cứu vững chắc, rõ ràng” – bà Lan nói.
Bà Lan cho biết trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của Bộ Tư pháp, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản mã hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam. “Theo thông tin tôi được biết, phía Bộ Tài chính đã có những đánh giá, nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm quốc tế về vấn đề tiền ảo để xây dựng khung pháp lý” – bà Nguyễn Chi Lan cho hay.
Trước thực tế trên, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đề nghị các cơ quan liên quan phải nghiên cứu sớm để có quy định về tài sản ảo, tiền ảo, tiền mã hóa và tài sản mã hóa. Bởi theo ông Trịnh Xuân An, tình trạng trên kéo dài sẽ kéo theo hệ lụy ngày càng lớn.
Nguồn: cafef.vn