Thị trường chứng khoán đã có những nhịp phục hồi, thị trường bất động sản vẫn đang chờ đợi những cơ hội, trong khi đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn chưa hạ nhiệt … giữa bối cảnh đó, đâu sẽ là sự chọn cho dòng tiền?
-
Lãi suất huy động có xu hướng tăng trong thời gian qua chủ yếu là do 2 yếu tố: 1) Sự phục hồi của nền kinh tế hậu đại dịch và 2) Những tác động của lạm phát.Tại: Vì sao các ngân hàng mải miết tăng lãi suất huy động?
Theo ông Ngô Ngọc Quang – tiến sĩ kinh tế, chuyên gia hoạch định tài chính, trường Đại học Ngoại thương, dòng tiền trên thị trường tài chính đang có dấu hiệu chuyển dịch mạnh. Một số loại tài sản tài chính ghi nhận sự hạ nhiệt. Nguyên nhân một phần đến từ tâm lý e ngại của thị trường trước các vấn đề lạm phát, lãi suất và thắt chặt tín dụng.
Thị trường bất động sản cũng đang có những biến động lớn trong quý 3/2022. Ngay từ đầu năm, sau các vụ việc như bỏ cọc hay gian lận chứng khoán của các doanh nghiệp bất động sản lớn, thị trường đã có tâm lý e dè hơn. Bên cạnh đó, những thay đổi trong chính sách về tín dụng, nhà ở hay đất đai cũng đã khiến các nhà đầu tư phải cân nhắc hơn khi xuống tiền. Nhìn chung, bất động sản đang ở trong giai đoạn trầm lắng và có thể kéo dài cho tới cuối năm. Bằng chứng cho thấy cả nguồn cung và cầu trong quý 3 đều đã giảm so với 6 tháng đầu 2022.
Về thị trường chứng khoán, ông Ngô Ngọc Quang cho rằng, mặc dù có phiên điều chỉnh mạnh trong tuần qua, nhưng nhìn chung thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng. Thứ nhất, Việt Nam được xem là một “vùng trũng” hút dòng vốn đầu tư tương đối an toàn, khi ít chịu ảnh hưởng của biến động chính trị toàn cầu. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định cũng là một điểm nhấn của thị trường. Tuy nhiên, nền kinh tế thế giới đang có nhiều bất ổn, Fed vẫn chưa có dấu hiệu dừng đà tăng lãi suất, Việt Nam tuy vẫn là một điểm hút vốn, nhưng sẽ khó nằm ngoài vòng xoáy biến động chung và khả năng bứt phá chạm mốc thời điểm cuối 2021 là tương đối thấp.
Về vấn đề lãi suất, chuyên gia cho rằng lãi suất tiết kiệm đang được đẩy lên cao theo xu hướng chung của thế giới, các ngân hàng trong nước cũng đang chạy đua tăng lãi suất. Điều này đã thu hút lượng lớn tiền đổ mạnh về kênh tích trữ này. Mặc dù Ngân hàng nhà nước vẫn đang theo dõi và kiểm soát lạm phát sát sao thông qua chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, nhưng nếu thế giới tiếp tục đà tăng lãi suất, áp lực cũng sẽ đè nặng lên cả thị trường. Nhìn chung, các nhà hoạch định chính sách đa phần sẽ lựa chọn việc chấp nhận giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, duy trì lãi suất không quá cao và đảm bảo thị trường ổn định, giúp cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
“Tất cả các thị trường đang vào giai đoạn điều chỉnh mạnh, rủi ro và cơ hội đan xen lẫn nhau. Trong ngắn hạn, nhu cầu đầu tư vào các tài sản tài chính vẫn sẽ sụt giảm và kênh đầu tư trở nên hấp dẫn nhất lúc này là trái phiếu và gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, với việc nền kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp đầu ngành đang tận dụng cơ hội để tăng trưởng mạnh và đẩy mạnh xuất khẩu, đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư giá trị ‘bắt đáy’ các cổ phiếu tốt với mức giá hấp dẫn.
Tương tự với bất động sản, việc loại bỏ những ‘con sâu’ làm xấu thị trường đã giúp cho thị trường đã bắt đầu trở nên minh bạch hơn, bớt rủi ro hơn, và cũng là cơ hội cho những ‘thợ săn’ tìm kiếm ‘hàng tốt giá rẻ’ trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nên lập thói quen đa dạng hóa danh mục đầu tư theo tỷ trọng phù hợp với khẩu vị rủi ro, mục tiêu tài chính và tập trung vào tăng trưởng tài sản bền vững, thay vì lướt sóng như trước đây.
Việc lập kế hoạch tài chính sẽ giúp cho các nhà đầu tư biết cách giữ tiền trước những đợt sóng lớn, để có cơ hội gia tăng tài sản ngay khi thị trường hồi phục và lập chu kỳ tăng trưởng mới. Nếu cảm thấy khó khăn và chưa biết bắt đầu từ đâu thì tốt nhất nhà đầu tư không nên tự mình hành động, thay vào đó hãy tìm đến ý kiến một chuyên gia hoạch định tài chính”, ông Quang chia sẻ.
Nguồn: cafef.vn
TÁC GIẢ KHÁC
TS. Trương Văn Phước
Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia
TS. Lê Xuân Nghĩa
Chuyên gia tài chính ngân hàng
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh
Chuyên gia Kinh tế tài chính