- Sở Xây dựng Bình Dương cảnh báo phạt thẳng tay chủ đầu tư “tái phạm”
- Xu hướng “ly tâm” của nhà đầu tư tại Bình Dương
Hơn 2.000 khách hàng tham dự một chương trình giới thiệu dự án đất nền tại khu vực Phú Giáo
Sóng đầu tư hạ tầng và công nghiệp
Chủ trương phát triển công nghiệp và đô thị về phía Bắc của Bình Dương đang giúp khu vực này thu hút dòng vốn đầu tư ồ ạt. Hai mũi nhọn quan trọng nhất chính là phát triển hệ thống hạ tầng và các khu công nghiệp lớn để tạo ra sức bật tăng trưởng mới.
Hiện nay, nhiều dự án giao thông lớn đang được triển khai trong tam giác công nghiệp Phú Giáo – Tân Uyên – Bến Cát. Nổi bật như quốc lộ 13, quốc lộ 14, ĐT 741, ĐT 747 và trục động lực Tân Uyên – Phú Giáo – Đồng Phú, đường tạo lực Bình Dương – Đồng Phú, đại lộ Mỹ Phước – Tân Vạn… tạo nên thế kết nối liên hoàn.
Nhiều dự án trọng điểm quốc gia cũng giúp nâng tầm hệ thống giao thông cho khu vực như Vành đai 4, cao tốc TPHCM – Bình Dương – Bình Phước hứa hẹn biến Phú Giáo – Tân Uyên – Bến Cát thành một đầu mối giao thông khổng lồ.
Bên cạnh đó, rất nhiều dự án giao thông đối nội cũng đang phát triển tại khu vực Bắc Bình Dương. Nhộn nhịp nhất là tại Phú Giáo, ngoài các tuyến giao thông hiện hữu như ĐT 750, ĐT 747, HL5, trong giai đoạn 2022-2025 còn dự kiến đầu tư 4 công trình quan trọng gồm đường dọc sông Bé từ xã An Thái đến xã Tam Lập với tổng mức đầu tư khoảng 510 tỷ đồng; xây đường ĐH508 với tổng mức đầu tư 782 tỷ đồng; xây chợ Phước Vĩnh tổng mức đầu tư 223 tỷ đồng…
Hạ tầng và đô thị phát triển đồng bộ tại Bình Dương
Mới đây, Phú Giáo đã khởi công tuyến đường ĐH 516; khánh thành cầu Bến Tăng và cũng muốn sớm đầu tư tuyến đường ĐT.745 đồng thời đưa thị trấn Phước Vĩnh lên đô thị loại IV. Những dự án nói trên sẽ giúp hình thành trục thương mại – dịch vụ – logistics mở ra hướng phát triển mới cho Phú Giáo.
Bên cạnh hệ thống hạ tầng, Bình Dương cũng đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp tại phía Bắc. Các khu/cụm công nghiệp tại đây đang đón làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp FDI.
Có thể kể đến như các cụm công nghiệp Tam Lập, Phước Hòa, Thái Bình Dương, Bố Lá, Vĩnh Hòa… hay một loạt khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 4.237ha đang phát triển gồm Tân Bình 2, Vĩnh Lập, Tam Lập, An Linh, An Bình, VSIP IV.
Đặc biệt, Tập đoàn Becamex đang đầu tư khu công nghiệp – đô thị Đồng Phú diện tích lên đến 6.300ha, vốn đầu tư hơn 20 tỷ USD. Tương lai, đây chính là khu vực “thủ phủ” công nghiệp lớn nhất phía Nam.
Vì sao “gió xoay chiều”?
Hạ tầng giao thông và công nghiệp phát triển thì hưởng lợi nhiều nhất sẽ là bất động sản. Nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng nương theo sóng hạ tầng và công nghiệp, chuyển dòng vốn vào khu vực Bắc Bình Dương để đón cơ hội.
Nhiều tập đoàn đến từ Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc như Tukyu, GoucoLand, CapitaLand, Setia, AEON, Mapletree, Sembcorp, Central Retail… đều đã hiện diện tại đây.
Mới đây, Gamuda Land đã tiết lộ kế hoạch mua lại một dự án lớn để phát triển thành khu phức hợp cao cấp. Tập đoàn Kusto cũng vừa làm việc với tỉnh Bình Dương với mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án giao thông, logistics, bất động sản, năng lượng tái tạo…
Các dự án đất nền, nhà liền thổ tại các trung tâm đô thị và liền kề khu công nghiệp đang thu hút các nhà đầu tư bất động sản tại Bình Dương
Quan sát cho thấy, phân khúc căn hộ tại Bình Dương sau khi đạt đỉnh giá 45 – 50 triệu đồng/m2 hiện đang có phần trầm lắng. Ngoài việc mặt bằng giá cao, nguyên nhân quan trọng là nguồn cung tại TP.HCM đang tăng lên sau khi nhiều dự án được tháo gỡ pháp lý. Trong giai đoạn trước, nhiều khách hàng mua căn hộ tại Bình Dương đến từ TP.HCM và các tỉnh, thành khác nay đang rút đi tìm “bến đỗ” mới.
Mặt khác, phần lớn người dân Bình Dương vẫn chuộng sở hữu đất nền hoặc nhà liền thổ. Bởi gái phân khúc này còn hấp dẫn và biên độ lợi nhuận cao hơn.
Trong cơn sốt bất động sản vừa qua, nếu mặt bằng giá căn hộ tăng khoảng 30-50% nhưng chủ yếu do giá xây dựng và chi phí vốn tăng thì đất nền, nhà liền thổ mức tăng phổ biến gấp hai, gấp ba lần.
Hiện nay, với khoảng 1,5 – 2 tỷ đồng, không quá khó để nhà đầu tư mua được đất nền hoặc 2,5 – 3 tỷ đồng cho một căn nhà liền thổ tại các trung tâm đô thị hoặc liền kề các khu công nghiệp tại Tân Uyên, Phú Giáo, Bến Cát… Cùng với số tiền tương tự, nhà đầu tư chỉ có thể mua được căn hộ khoảng 60-70m2 tại Thủ Dầu Một hoặc Thuận An.
Những yếu tố nói trên lý giải cho việc “xoay chiều” của các nhà đầu tư. “Tôi tin rằng dù thị trường bất động sản có trầm lắng thì riêng phân khúc đất nền, nhà liền thổ giá rẻ tại các trung tâm đô thị hoặc liền kề các khu công nghiệp cũng luôn trong xu hướng tăng trưởng.
Thực tế đã minh chứng tại các khu vực được quan tâm đầu tư, hai phân khúc này luôn dẫn dắt thị trường”, anh Thái Minh, một nhà đầu tư lâu năm tại thị trường Bình Dương, chia sẻ.
Nguồn: cafeland.vn