5 cảng container có lượng vận tải lớn nhất thế giới đều nằm ở châu Á, trong đó Trung Quốc sở hữu 4 cảng gồm: Thượng Hải, Ningbo-Zhoushan, Thâm Quyến và Quảng Châu.
Theo Hội đồng Vận tải Thế giới (World Shipping Council), trong danh sách 49 cảng bận rộn nhất thế giới dựa theo khối lượng hàng hóa vận chuyển, có 33 cảng nằm trên đường bờ biển Đông Á và một nửa trong số đó thuộc về Trung Quốc. Ngoài ra, các cảng ở Châu Âu và khu vực Trung Đông cũng có lượng vận tải lớn do đặc điểm vị trí địa lý đặc biệt. Dưới đây là 5 cảng sầm uất nhất thế giới theo xếp hạng của Hội đồng Vận tải Thế giới.
Cảng Thượng Hải (Trung Quốc)
Được mở cửa từ 1842, cảng Thượng Hải đã tồn tại được 180 năm và trở thành cảng nhộn nhịp nhất thế giới sau khi vượt qua cảng Singapore vào 2010. Với vị trí chiến lược quan trọng, là nơi giao nhau giữa các con sông chính và có đường bờ biển Hoàng Hà và Hoa Đông, cảng nước sâu này chiếm khoảng 26% vận chuyển thương mại nước ngoài của Trung Quốc.
Toàn bộ diện tích của cảng Thượng Hải lên tới 3.619 km2, chiều dài cảng khoảng hơn 20 km. Với 125 cầu cảng trải dài trên 19 bến, năm 2020, lưu lượng hàng hóa xử lý hàng năm tại cảng đã vượt qua 43,5 triệu TEU (đơn vị đo lường sức chứa hàng hóa), trở thành cơ sở container bận rộn nhất thế giới. Tại cảng Thượng Hải, hàng hóa chủ yếu được vận chuyển là than, quặng kim loại, dầu mỏ và các chất dẫn xuất, thép, máy móc và thiết bị xây dựng.
Cảng Singapore (Singapore)
Nằm ở eo biển Singapore, cảng Singapore từng là cảng nhộn nhịp nhất thế giới trước khi bị soán ngôi bởi cảng Thượng Hải vào năm 2020. Cảng này đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguyên liệu, quặng, thực phẩm vì Singapore là một hòn đảo nhỏ với nguồn tài nguyên hạn chế. Bên cạnh đó, cảng Singapore cũng là nơi trung chuyển hàng đầu thế giới, khi 80% tàu đi qua đó chỉ làm nhiệm vụ chất hàng và vận chuyển.
Cảng nước sâu này được kết nối với hơn 600 cảng khác trên thế giới từ hơn 120 quốc gia. Theo thống kê, cảng Singapore là cảng có sức chứa container lạnh lớn nhất thế giới, khoảng 6% lượng hàng hóa thông qua cảng là container lạnh.
Cảng bao gồm 84 cầu cảng trải dài trên 6 bến cảng chính, đạt sản lượng hàng năm 37,5 triệu TEU. Hiện tại, cảng tiếp nhận 130.000 lượt tàu hàng năm.
Cảng Ningbo-Zhoushan (Trung Quốc)
Cảng Ningbo nằm trên bờ biển Hoa Đông thuộc tỉnh Chiết Giang gần vịnh Hàng Châu. Đây là cảng biển có lịch sử lâu đời nhất Trung Quốc và cùng là cảng bận rộn thứ ba thế giới khi liên kết vận chuyển với 600 cảng trên 150 quốc gia.
Các loại hàng hóa chủ yếu được xử lý tại cảng Ningbo gồm dầu thô, dầu sản phẩm, hóa chất lỏng, ngũ cốc, than đá và máy móc…
Cảng bao gồm 19 khu cảng và hơn 300 bến chức năng có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải trên 50.000 DWT. Các bến cảng lớn nhất thuộc Ningbo là nơi xử lý dầu thô, nhà ga container quốc tế và nhà ga chuyên dụng để xử lý hóa chất lỏng.
Cảng Ningbo nổi tiếng trong việc việc cung cấp các dịch vụ nhanh chóng cho khách hàng nhờ vào hệ thống logistics công nghệ cao và các cơ sở xử lý container đẳng cấp thế giới. Hiện, Ningbo-Zhoushan là một mắt xích quan trọng trong chuỗi kinh tế của Trung Quốc, tuy nhiên, quy mô giao thông hàng hải dày đặc tại cảng đã gây ra tình trạng ô nhiễm nước trầm trọng ở Biển Hoa Đông.
Cảng Thâm Quyến (Trung Quốc)
Cảng Thâm Quyến bao gồm nhiều cảng trải dài trên bờ biển Thâm Quyến, ở Quảng Đông, Trung Quốc. Nó được chia thành hai khu vực cảng phía Đông và phía Tây, bao gồm 5 khu cảng chính. Vào năm 2020, cảng đã xếp dỡ hơn 26,54 triệu TEU, trở thành một trong những cảng bận rộn nhất trên toàn cầu.
Cảng có 140 bến tàu, xếp dỡ các loại tàu chở hàng và container có kích cỡ khác nhau. 51 cầu cảng dành riêng cho tàu trọng tải trên 20.000 DWT, 19 công trình chuyên dụng làm hàng container. Ngoài ra, cảng cũng có 18 bến hành khách.
Khu vực Thâm Quyến nổi tiếng với sự phát triển công nghệ khi được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Trung Quốc, do đó, bên cạnh các công ty vận tải biển, nhiều gã khổng lồ công nghệ như Tencent, Huawei và SenseTime đều đặt trụ sở chính tại đây.
Cảng Quảng Châu (Trung Quốc)
Cảng Quảng Châu là một trong những cảng quan trọng nhất của Trung Quốc khi kết nối thương mại hàng hải với hơn 300 cảng tại hơn 100 quốc gia. Năm 2020 đã xếp dỡ hơn 23,19 triệu TEU, trở thành cơ sở container bận rộn thứ năm trên thế giới.
Hồng Thảo (theo Marineinsight, Moverdb)
Nguồn: vnexpress.net