Tước giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu của 7 doanh nghiệp đầu mối từ tháng 7 nhưng tới tháng 8, Bộ Công Thương mới công bố thông tin.
Các đầu mối tạm thời bị tước giấy phép trong 1-2 tháng (tuỳ đơn vị) gồm Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Phát; Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hoà Khánh; Tổng công ty thương mại Sài Gòn – TNHH MTV; Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil; Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm; Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh và Công ty TNHH Xăng dầu Vĩnh Long.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, quyết định xử phạt hành chính các doanh nghiệp trên được đưa ra trên cơ sở kết quả thanh tra tại 33 doanh nghiệp đầu mối từ tháng 3. Hành vi vi phạm chủ yếu là duy trì mức dự trữ và nhập khẩu xăng dầu thấp hơn mức quy định tối thiểu; chủng loại được phân giao hàng năm; không có biện pháp phòng ngừa; ứng phó sự cố hóa chất mà vẫn đưa dự án vào hoạt động…
Các quyết định xử phạt đưa ra trong tháng 7 nhưng thông tin này gần đây mới được Bộ Công Thương cập nhật. Do đó, trong hơn một tháng qua, nhiều thương nhân phân phối cho biết họ vẫn giao dịch với các đầu mối này theo hợp đồng đã ký trước đó do không nắm được thông tin.
Trao đổi với Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVNDB) cho hay, một số đơn vị bị tạm tước giấy phép vẫn đang đàm phán để thành khách hàng của PVNDB.
Vì thế, đơn vị bao tiêu sản phẩm của Lọc dầu Nghi Sơn lúng túng và đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn về quyền mua sản phẩm xăng dầu của các thương nhân đầu mối này từ PVNDB, giúp doanh nghiệp tránh rủi ro vi phạm quy định về kinh doanh, bao tiêu sản phẩm xăng dầu.
Còn các đơn vị phân phối cũng lo lắng có thể bị xử phạt nếu nhập, mua hàng của số doanh nghiệp đầu mối đang bị tước giấy phép. Theo quy định, giao dịch mua bán với doanh nghiệp đang bị tước quyền kinh doanh được coi là hành vi mua bán trái phép. Vì thế, trường hợp nhà máy lọc dầu, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối có thể đối diện rủi ro, nguy cơ bị phạt.
“Chúng tôi đang rà soát trong hơn một tháng qua có giao dịch nào với số đầu mối trên hay không và kiến nghị cơ quan quản lý hướng dẫn, gỡ vướng”, một thương nhân phân phối chia sẻ.
Ngoài 7 doanh nghiệp bị tước giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu 1-3 tháng, còn 11 đơn vị khác bị xử phạt hành chính 1,7 tỷ đồng.
Hình thức xử phạt, theo quan điểm của cơ quan quản lý là đúng quy định và không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Hiện 18 doanh nghiệp bị phạt đã thực hiện theo các quyết định xử phạt.
Nguồn: vnexpress.net