Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang yêu cầu không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có độ độc cao, không sử dụng tràn lan khi chăm sóc vải thiều và tuân thủ đúng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Cán bộ khuyến nông xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang hướng dẫn người dân chăm sóc vải thiều xuất khẩu – Ảnh: QUANG HUẤN
Ngày 29-4, ông Lê Bá Thành – phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bắc Giang – cho biết đơn vị vừa có công văn gửi các huyện, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất về việc tập trung quản lý, giám sát việc sử dụng thuốc đối với vải thiều.
Theo ông Thành, hiện nay vải đang giai đoạn quả non. Từ nay đến cuối vụ là thời điểm các loại sâu bệnh phát sinh gây hại, do vậy việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ dịch hại sẽ tăng lên.
Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và thương hiệu vải thiều khi xuất khẩu.
Sở NN&PTNT yêu cầu các huyện trọng điểm sản xuất vải thiều tập trung hướng dẫn, giám sát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh tại các vùng sản xuất vải thiều.
Thường xuyên hướng dẫn, giám sát nông dân ghi chép nhật ký đồng ruộng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tuân thủ đúng quy trình sản xuất vải VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
“Chỉ đạo, khuyến cáo người trồng vải chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh khi thực sự cần thiết, ưu tiên sử dụng thuốc sinh học, thuốc có thời gian cách ly ngắn, không sử dụng thuốc tràn lan, không sử dụng thuốc có độ độc cao, thuốc không đăng ký sử dụng cho vải” – sở nhấn mạnh.
Đối với các doanh nghiệp, tổ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ vải thiều xuất khẩu cần chủ động xây dựng kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vải thiều ổn định.
Thường xuyên giám sát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân và hướng dẫn người sản xuất các điều kiện phục vụ xuất khẩu.
Năm nay tỉnh Bắc Giang có 28.300ha vải thiều, trong đó vải sớm 6.750ha, vải thiều chính vụ 21.550ha. Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap 15,4 nghìn ha, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP 102ha.
Theo Sở Công thương, đến thời điểm này có gần 70 thương nhân Trung Quốc đăng ký đến Bắc Giang thu mua vải thiều năm 2022.
Hiện cơ quan chức năng của tỉnh đang tham mưu, hướng dẫn những thương nhân này thực hiện thủ tục nhập cảnh theo trình tự quy định của pháp luật.
Nguồn: tuoitre.vn