Tình trạng trục lợi, “lại quả” trong mua sắm thiết bị y tế bị “lộ sáng” từ khi có dịch COVID-19 đến nay thật sự đã đến mức báo động.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang thi hành quyết định bắt tạm giam 4 tháng đối với bị can Nguyễn Trần Tuấn, giám đốc CDC Hà Giang – Ảnh: TTXVN
Chỉ tính riêng vụ Công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19, trong 5 tháng qua đã có hơn 30 người bị khởi tố, trong đó có 3 quan chức cấp vụ thuộc Bộ Y tế và có đến 8 giám đốc trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC). Nhiều cán bộ khác ở các địa phương đang tiếp tục làm việc với cơ quan điều tra liên quan đến “hoa hồng”.
“Ăn” giữa lúc dịch bệnh
Kết quả điều tra sơ bộ của Bộ Công an xác định Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh thành với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng. Trong đó, Phan Quốc Việt, tổng giám đốc Công ty Việt Á, đã lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 “bắt tay” với giám đốc CDC một số địa phương nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 lên đến 45% để hưởng lợi bất chính hơn 500 tỉ đồng. Việt khai số tiền Việt Á đã chi “hoa hồng” cho các “đối tác” là gần 800 tỉ đồng.
Theo thông tin đã được cơ quan điều tra công bố đến nay, CDC Bắc Giang là nơi nhận “hoa hồng” của Việt Á nhiều nhất, lên đến 44 tỉ đồng. Ông Lâm Văn Tuấn (giám đốc CDC Bắc Giang) và ông Phan Huy Văn (giám đốc Công ty Phan Anh) đã bị khởi tố, bắt tạm giam vì có hành vi thông đồng, cấu kết với Phan Quốc Việt khi tổ chức đấu thầu mua kit xét nghiệm COVID-19 do Việt Á sản xuất với tổng giá trị hơn 148 tỉ đồng. Đáng chú ý, ông Huy Văn và bà Khánh Vân (chị ông Tuấn) đã thỏa thuận, nhận trên 44 tỉ đồng (hơn 30% tổng giá trị các hợp đồng) tiền “hoa hồng” từ Công ty Việt Á sau thương vụ mua bán kit xét nghiệm. Sau đó bị can Khánh Vân đã chi một phần tiền “lại quả” cho giám đốc CDC Bắc Giang.
Ông Phạm Duy Tuyến, giám đốc CDC tỉnh Hải Dương, bị cơ quan điều tra xác định nhận hối lộ 27 tỉ đồng từ Công ty Việt Á. Giám đốc CDC của các tỉnh Hà Giang, Nam Định cũng bị xác định đã nhận “hoa hồng” từ hơn 700 triệu đến hơn 3 tỉ đồng. Điều đáng nói là rất nhiều giám đốc CDC trước khi bị bắt đều trả lời báo chí khẳng định “không nhận đồng nào từ Việt Á”. Khi cơ quan điều tra làm gắt, một số giám đốc CDC đã “nhúng chàm” vội vàng nộp lại tiền, quà đã nhận từ Việt Á, như trường hợp giám đốc CDC Bình Phước Nguyễn Văn Sáu là một ví dụ (ông Sáu đã bị kỷ luật cách chức).
Việc hàng loạt giám đốc CDC bị bắt trong vụ Công ty Việt Á và các vụ án tiêu cực trong lĩnh vực y tế thời gian qua cho thấy việc nhận “hoa hồng” từ các thương vụ mua sắm thiết bị y tế không còn là đơn lẻ mà diễn ra khá phổ biến, xảy ra ở nhiều địa phương với số tiền không hề nhỏ. Những người này được giao trọng trách phòng chống dịch bệnh nhưng lại “đổ bệnh” trước “hoa hồng” và hậu quả gây ra là thiệt hại ngân sách nhà nước số tiền rất lớn.
Giá cả “tù mù”
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc một bệnh viện ở Hà Nội cho biết bệnh viện cố “co kéo” để đủ thuốc điều trị, nhưng vật tư y tế thì đang thiếu do nhiều vật tư, thiết bị chưa công khai được giá trên cổng công khai giá của Bộ Y tế, điều kiện cần để được tham gia đấu thầu. “Chúng tôi phải đấu thầu làm nhiều lần, khi nào hãng công khai được giá thì lại đấu thầu. Như vậy thì mất công hơn, nhưng vẫn đành phải làm để mua đủ vật tư”, vị giám đốc cho biết.
Yêu cầu nhà cung cấp công khai giá bán mới được tham gia đấu thầu được áp dụng hơn một năm nay, còn trước đó giá thiết bị và vật tư y tế hết sức rắc rối. Khi dịch COVID-19 bùng phát, cùng loại máy xét nghiệm Realtime PCR thì Thái Bình mua giá này, Quảng Ninh mua giá khác, Ninh Bình mua giá khác hơn… Khi giám đốc CDC Hà Nội bị bắt do có liên quan đến việc nâng giá thiết bị, nhiều tỉnh thành đã trả lại máy hoặc chuyển từ mua sang mượn máy. Đáng chú ý giá thiết bị (đã được nâng) của Hà Nội thời điểm đó còn thấp hơn giá mua thiết bị cùng loại của một số tỉnh thành.
Khác với “hoa hồng” giá thuốc, “hoa hồng” thiết bị và vật tư y tế được thể hiện qua nhiều hình thức. Có trường hợp thiết bị chuyển vào bệnh viện diện xã hội hóa được nâng giá khống, sau đó tăng giá dịch vụ và “hoa hồng” được chi thông qua giá dịch vụ. Gần đây một thiết bị y tế công khai giá trên 900 triệu đồng trên cổng công khai giá của Bộ Y tế, nhưng giá bán thực tế chỉ 450 triệu đồng. Khoảng chênh lệch từ giá bán thực đến giá công khai quá lớn, không biết đâu là giá trị thật.
Ngăn chặn “hoa hồng” được không?
Đấu thầu trang thiết bị máy móc ở các cơ sở y tế từ lâu được xem là một “thế giới ngầm”, người đứng đầu cơ sở y tế với tư cách là chủ tịch hội đồng thẩm định được xem như ngồi trên “ghế nóng”.
Giám đốc một bệnh viện ở TP.HCM cho biết hằng năm cơ sở y tế nào cũng có nhu cầu mua sắm trang thiết bị, thuốc, cùng rất nhiều sản phẩm để phục vụ công tác khám chữa bệnh. Và tất cả đều phải thông qua đấu thầu. “Dĩ nhiên không thể nào tránh khỏi việc các cá nhân, đơn vị tiếp thị hoặc gợi ý các khoản chi “hoa hồng” để sản phẩm của mình được trúng thầu. Việc này không thể cấm họ được, quan trọng là người có trách nhiệm phê duyệt gói thầu phải làm đúng và công tâm”, vị này nói.
Theo vị này, ông không ít lần nhận được lời “đề nghị” nhưng đều từ chối và chỉ chọn các nhà thầu đáp ứng đủ năng lực, chất lượng sản phẩm, giá cả theo yêu cầu. Ông nói: “Tôi không hứa, không nhận bất cứ thứ gì của họ để việc tham gia đấu thầu một cách công khai, minh bạch, khách quan”.
Một giám đốc bệnh viện khác cho rằng đứng trước một lời “đề nghị” như thế không ít người sẽ “bắt tay”, thậm chí cố tình tạo ra các “sân sau” để “bao trọn gói” đấu thầu ở đơn vị, như các trường hợp liên quan Công ty Việt Á vừa qua là một điển hình. “Hiện nay ở các cơ sở khám chữa bệnh có hàng ngàn mặt hàng để đấu thầu và việc các doanh nghiệp chào mời, gợi ý chia “hoa hồng” là một thực tế không tránh khỏi. Phải là người quyết đoán, công tâm, đặt lợi ích người bệnh lên trên hết mới vượt qua cám dỗ này”, vị này nói.
HƯƠNG THẢO
Minh bạch để chống tham nhũng trong y tế
Người dân chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại quận Tân Bình, TP.HCM vào tháng 6-2021 – Ảnh: DUYÊN PHAN
“Lại quả” trong các hợp đồng mua sắm công, thiết bị y tế là vấn đề tại nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển như châu Âu, Mỹ. Tại Mỹ, trong năm 2021, Bộ Tư pháp đã xử lý nhiều vụ vi phạm luật chống tham nhũng False Claim Act (FCA) và Quy chế chống lại quả (AKS) trong ngành y tế. Mới nhất, vào tháng 4-2022, Bộ Tư pháp Mỹ đã mở cuộc điều tra tại nhiều bang trên toàn quốc về các vi phạm quy chế AKS, trong đó gồm một số trường hợp “lại quả” để cung cấp các kit xét nghiệm COVID-19.
Tại Trung Quốc, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) cuối năm 2021 cũng cho rằng các bệnh viện công ở Trung Quốc có thể dễ dàng trở thành điểm nóng xảy ra tham nhũng và hối lộ. Chẳng hạn, từ năm 2016 – 2020, riêng ủy ban kiểm tra và giám sát kỷ luật ở tỉnh Quảng Tây đã điều tra hơn 4.000 trường hợp trong hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe. Theo CCDI, các quan chức bị điều tra thường lợi dụng chức vụ của mình để trục lợi khi mua thiết bị y tế, thuốc và vật tư y tế. Năm 2018, 56 giám đốc bệnh viện và cấp phó bị kết tội.
Tại châu Âu, việc các chính phủ dự kiến chi một khoản tiền khổng lồ cho các hợp đồng công nhằm hồi phục kinh tế cũng tạo nhiều cơ hội cho tham nhũng. Theo báo cáo khảo sát tham nhũng Global Corruption Barometer của Tổ chức Minh bạch quốc tế cho thấy phần lớn người dân châu Âu lo ngại xảy ra tham nhũng trong các hợp đồng công của chính phủ.
Việc minh bạch trong các quy trình định giá, đấu giá sẽ giúp giảm thiểu tham nhũng. Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, để giải quyết những rủi ro này, các chính phủ minh bạch các hợp đồng công, cung cấp thông tin cập nhật, chính xác về các công ty để đảm bảo cạnh tranh công bằng và giúp xác định xung đột lợi ích. “Hơn nữa, các chính phủ phải thúc đẩy các cơ chế giải trình trách nhiệm xã hội để tăng cường giám sát độc lập các quá trình ký hợp đồng công”, tổ chức này viết.
TRẦN PHƯƠNG (tổng hợp)
Nguồn: tuoitre.vn