Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho rằng nhờ số hóa, lúc này thị trường bất động sản chuyển hướng “cá nhanh nuốt cá chậm” và nhiều bài toán cố hữu ngành được giải quyết.
“Thực tiễn chuyển đổi số ngành xây dựng, bất động sản” là một trong 9 bài tham luận trình bày trong Đại hội Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lần thứ V nhiệm kỳ 2022 – 2027, diễn ra tại Hà Nội và TP.HCM sáng 9/6. Gần 500 đại biểu là các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Chính phủ, đại diện các hiệp hội, các tổ chức trong nước và quốc tế; chuyên gia luật, kinh tế, tài chính, ngân hàng, bất động sản… cùng bàn về thực tiễn và định hướng phát triển lĩnh vực bất động sản.
Nhận diện 5 bài toán lớn
“Chuyển đổi số hiện nay không phải là sự lựa chọn mà là bắt buộc”, ông Trương Gia Bình mở đầu bài tham luận. “Kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã chấm dứt thời cá lớn nuốt cá bé, mà chuyển thành “cá nhanh nuốt cá chậm”, người đứng đầu FPT nói.
Điều này có được nhờ lợi ích khổng lồ mà chuyển đổi số có thể đem lại cho lĩnh vực bất động sản, xây dựng, dựa trên chính những đặc thù của ngành. Ông Bình đánh giá, đây là cấu thành kinh tế quan trọng bậc nhất, góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, GDP nhiều năm qua, với các dự án có quy mô tỷ USD, kéo dài nhiều năm, và hàng nghìn nhà thầu.
Tuy nhiên, ông Bình dẫn ra năm bài toán lớn mà ngành bất động sản, xây dựng đang gặp phải. Đầu tiên là việc quản lý hàng nghìn nhà thầu cùng một lúc, nếu không hiệu quả gây thất thoát lên tới 30% vốn đầu tư, chậm tiến độ. Tiếp đến là vấn đề kiểm soát chất lượng công trình và nguồn nhân lực triển khai. Quản lý bán hàng, giải câu hỏi: “Làm sao có thể bán hàng nhanh nhất ra thị trường, nhất là mặt hàng mà người tiêu dùng cẩn trọng, cần dữ liệu đầy đủ, minh bạch”, cũng là bài toán lớn.
Thứ 4 là quản lý tài chính và nguồn vốn. “Điều tôi bất ngờ là rất nhiều các chủ đầu tư ở Việt Nam vẫn đang sử dụng excel, khi hỏi về các chỉ số tài chính trong ngày, thực trạng công trình… thì không trả lời được. Đây là thách thức trước một bài toán về quy mô”, ông Bình nói.
Một đặc thù khác của ngành bất động sản là thủ tục phức tạp, pháp lý kéo dài đến 5-7 năm cũng đặt ra yêu cầu bức thiết về giải pháp.
“Những bài toán này thực tế đã giải quyết một cách tương đối trọn vẹn. Còn bây giờ chúng ta không phải ‘giải’ nữa, mà là cần giải phải pháp chuyển đổi số toàn diện cho ngành bất động sản, xây dựng Việt Nam”, chủ tịch FPT nhấn mạnh.
Lợi ích từ chuyển đổi số
Đồng hành cùng quá trình chuyển đổi số cho ngành bất động sản từ những bước đầu, do đó vị chủ tịch tập đoàn cho rằng doanh nghiệp có sự thấu hiểu những thách thức về ngành. Nhờ đó FPT có các giải pháp và sẵn sàng giải các bài toán khác biệt của Việt Nam. “FPT luôn đi 2 chân, một chân tại thị trường trong nước, một chân tại thị trường nước ngoài. 20 năm ở nước ngoài đã giúp chúng tôi tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm”, ông Bình khẳng định.
Trước đó, FPT đã từng triển khai chuyển đổi số toàn diện cho hệ sinh thái Capitaland ở Singapore bao gồm từ từ xây dựng, bất động sản, khách sạn – nhà hàng cho tới giải trí, cửa hàng, siêu thị.
Tại Việt Nam, nhiều khách hàng lớn như Phát Đạt, An Gia, Coteccons, Filmore, TNR… đã tiên phong ứng dụng số hoá và chọn FPT đồng hành. Thời gian triển khai nhanh, chỉ từ 3-6 tháng cho vùng lõi và 18 tháng cho toàn bộ giải pháp.
Theo đó, các công nghệ này đi vào thực tiễn kinh doanh và giải những bài toán đặc thù trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam, thông qua 150 quy trình đặc thù của ngành bất động sản và hàng trăm quy trình khác về quản trị, quản lý. Chuyển đổi số có thể giải quyết các thủ tục trong bất động sản nhanh và hiệu quả, giải quyết hồ sơ, tắc nghẽn, tính toán và kiểm soát tiến độ, thất thoát vật liệu.
Các giải pháp chuyển đổi số của FPT có khả năng phục vụ đủ các đối tượng trong ngành, từ chủ đầu tư, đơn vị phát triển, tổng thầu, đơn vị xây dựng/thi công, môi giới, quản lý vận hành…
“Với dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, ngành bất động sản có thể sánh vai với các cường quốc”, chủ tịch FPT khẳng định.
Ông Bình cũng dẫn ra nghiên cứu và đánh giá của FPT, khách hàng, đối tác, chuyển đổi số có thể tăng 30% tiến độ, tăng 25% doanh thu, tăng 40% sự hài lòng khách hàng, giảm 5% chi phí dự án, tăng 5%-15% tỷ trọng doanh thu của khách hàng mới, giảm 1%-5% chi phí dự án.
“Chúng ta đứng trước cơ hội lớn về chuyển đổi số. FPT hy vọng hợp tác với Hiệp hội để có những hoạt động chung, như khuyến khích phát triển nhà thông minh, giúp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, đem lại lợi ích cho khách hàng”, ông Bình chia sẻ.
Đại hội Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lần thứ V nhiệm kỳ 2022-2027 vừa họp phiên thứ nhất tại Hà Nội và TP HCM. Trên cơ sở những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ IV (2016-2022), Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức Đại hội nhiệm kỳ V với tinh thần đánh giá toàn diện những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ qua cùng những vấn đề cần khắc phục để hướng đến mục tiêu cao hơn trong giai đoạn tới. Bên cạnh tham luận về chuyển đổi số, đại hội có các chia sẻ từ người đứng đầu các doanh nghiệp, hiệp hội bất động sản, chuyên gia về phát triển thành phố mang tầm quốc tế; giải pháp phát triển các thị trường nhà ở xã hội, Bất động sản du lịch, bất động sản công nghiệp…
Phong Vân
Nguồn: vnexpress.net