Bloomberg: Ngân hàng trung ương ở hơn 50 nước nâng lãi suất vì dự báo sai về kinh tế

Ngay cả sau khi các ngân hàng trung ương của các nước trên thế giới biết đã sai lầm trong nhận định về lạm phát vào năm 2021, họ vẫn tiếp tục đưa ra các chính sách không phù hợp và khiến các nền kinh tế rung chuyển.

Bloomberg: Ngân hàng trung ương ở hơn 50 nước nâng lãi suất vì dự báo sai về kinh tế - Ảnh 1.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ – Ảnh: GAO

Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm vào ngày 15-6. Theo Hãng tin Bloomberg, đây là vụ việc mới nhất trong một loạt sai lầm của Ngân hàng Trung ương Mỹ, từ việc FED cho rằng lạm phát chỉ cao “nhất thời” vào năm 2021 đến việc đẩy nhanh sự kết thúc chương trình mua trái phiếu.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde gần đây cũng đã chuyển sang quan điểm thắt chặt tiền tệ hơn so với trước đây.

Ngân hàng Dự trữ Úc cũng nằm trong số những nước tăng lãi suất nhanh hơn các dự báo trước đây của các nhà hoạch định chính sách.

Vào tháng 5, thống đốc Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA), ông Philip Lowe, đã phải thú nhận thật “xấu hổ” khi hướng dẫn chính sách trước đây của ông cho rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp kỷ lục cho đến năm 2024, đã được chứng minh là sai lầm.

Từ đầu năm 2022 đến nay, hơn 50 ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã tăng lãi suất ít nhất 0,5 điểm phần trăm. 

Giới đầu tư đang lo ngại rằng, cuộc chạy đua nâng lãi suất để bù đắp cho những dự báo sai sót trong quá khứ làm tăng nguy cơ suy thoái.

Chứng khoán toàn cầu đã bước vào thị trường giá xuống, lợi tức kho bạc Mỹ hôm 13-6 công bố mức tăng mạnh nhất trong hai ngày kể từ thập niên 1980 và thị trường tín dụng đang có dấu hiệu gia tăng căng thẳng.

Các động thái thị trường trái phiếu ấn tượng đã buộc ECB phải tổ chức phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Thống đốc ngân hàng các nước vào ngày 15-6, để thảo luận về những điều kiện thị trường hiện tại. Sau đó, ECB cam kết đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu một công cụ mới để giải quyết lợi suất tăng cao ở một số nước thành viên khu vực đồng euro.

Theo quan điểm của một số nhà phê bình, ECB lẽ ra phải thông báo kế hoạch đó tại cuộc họp ​​vào tuần trước.

Ông Krishna Guha, người đứng đầu Nhóm Chiến lược chính sách toàn cầu tại Công ty tư vấn ngân hàng đầu tư toàn cầu Evercore ISI tại Washington, viết: “Đây là một sự điều chỉnh tương đối nhanh chóng, nhưng cái giá phải trả là sự bất tín nhiệm các ngân hàng trung ương ngày một cao hơn”.

Bà Sayuri Shirai, cựu thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, hiện là giáo sư Đại học Keio, nhận định các ngân hàng trung ương đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Bà nói, để khôi phục niềm tin, các ngân hàng trung ương cần phải tăng lãi suất đủ để làm giảm lạm phát và điều đó có thể dẫn đến sự phục hồi kinh tế chậm lại hơn nữa.

“Tôi tin rằng diễn biến bất lợi của các nền kinh tế sẽ giáng một đòn mạnh vào uy tín của các ngân hàng trung ương – khi các nhà đầu tư nhận ra rằng lạm phát mà chúng ta phải đối mặt là do con người gây ra, và các ngân hàng trung ương đã đóng một vai trò quan trọng”, ông Stephen Jen, người điều hành Eurizon SLJ Capital, một quỹ đầu cơ và công ty tư vấn ở London, nói.

Nguồn: tuoitre.vn

Bài viết cùng chủ đề: