Liên tiếp nhiều sàn thương mại điện tử như Amazon, Tiki, Lazada… đã lên tiếng vì bị mạo danh, lừa đảo tuyển dụng, rất nhiều nạn nhân đã bị lừa đến hàng trăm triệu đồng.
Một trang fanpage giả mạo Tiki
Ngày 27-4, đại diện sàn thương mại điện tử Tiki cho biết thời gian qua tiếp tục nhận được những phản ánh của khách hàng, về những thông tin tuyển dụng liên quan đến người mạo nhận là nhân viên Tiki.
Các nhóm đối tượng này liên hệ ứng viên thông qua số điện thoại, email, thậm chí qua những trang fanpage mạo danh Tiki để mời tham gia làm cộng tác viên đặt đơn hàng nâng cao khối lượng giao dịch, làm việc online trên điện thoại, đầu tư hợp tác…, và yêu cầu người tham gia phải đóng một mức phí.
Ngoài ra, Tiki còn phát hiện nhiều trang sử dụng hình ảnh và mạo danh Tiki: Tiki Agency I, II, III, IV, Tiki VIP 2022, Tiki Asia… “Đây hoàn toàn là hình thức mạo danh sàn thương mại điện tử để lừa đảo và lợi dụng tín nhiệm”, đại diện Tiki khẳng định.
Hãng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như trên các kênh truyền thông chính thống thuộc sở hữu của Tiki, khẳng định: Tiki không có hình thức tuyển cộng tác viên đặt đơn hàng để nâng cao thứ hạng nhà bán, chia sẻ hoa hồng, kêu gọi đầu tư hợp tác…
Trước đó, sàn thương mại điện tử Amazon cũng đưa ra khuyến cáo về Amazon Global Selling nhận được các báo cáo lợi dụng tên tuổi Amazon hoặc mạo nhận là nhà tuyển dụng của Amazon liên hệ với ứng viên, mời tham gia làm việc, và yêu cầu đóng một mức phí đăng ký.
Theo Amazon, hành động này là hành vi lừa đảo và không có mối liên hệ nào với Amazon hoặc nhà tuyển dụng của Amazon.
“Các nhà tuyển dụng của Amazon liên hệ với ứng viên – dù là qua tin nhắn, cuộc gọi hay email – sẽ không bao giờ yêu cầu đóng phí đăng ký hoặc yêu cầu mua hàng hoặc cung cấp chi tiết thông tin ngân hàng ứng viên”, Amazon lên tiếng.
Tin nhắn mạo danh lừa đảo tuyển dụng
Đồng thời Amazon đưa ra lời khuyên người dùng không nên phản hồi với bất kỳ yêu cầu nào như yêu cầu đóng phí, yêu cầu thông tin ngân hàng, yêu cầu mua hàng…
Những sàn thương mại điện tử khác như Shopee, Lazada, Sendo… trước đó cũng lên tiếng và đưa ra khuyến cáo với người dân tránh bị lừa đảo.
Nhiều người dân đã tin lời của “nhà tuyển dụng của sàn thương mại điện tử” đã nộp vào tài khoản theo hướng dẫn với mong muốn có việc làm. Chiêu trò phổ biến nhất là cộng tác viên sẽ thanh toán đơn hàng trước cho công ty, sau đó mới nhận tiền gốc cộng thêm chiết khấu.
Những đơn hàng số tiền nhỏ ban đầu nạn nhân luôn được nhận đầy đủ, nhưng khi giá trị lớn hơn thì mãi không nhận được tiền, lúc này nạn nhân mới biết mình bị lừa đảo.
Số nạn nhân bị lừa ngày càng nhiều cũng như số tiền bị chiếm đoạt, lừa đảo cũng gia tăng mạnh, có nạn nhân mất đến vài trăm triệu đồng.
Nguồn: tuoitre.vn