Các tài xế khắp thế giới đang tìm nhiều cách khác nhau để “thắt lưng buộc bụng” khi giá xăng chưa có dấu hiệu đi xuống.
Giá xăng dầu tăng cao đang thay đổi cuộc sống của nhiều người – Ảnh: Nikkei Asia
Tại một trạm xăng gần sân bay Cologne, Đức, ông Bernd Mueller nhìn các chữ số trên máy nhích lên nhanh chóng: 22 euro, 23 euro, 24 euro. Các con số cho thấy giá xăng đang tăng lên.
Ông Mueller, 80 tuổi, nói với AP: “Tôi định bỏ xe vào khoảng tháng 10, tháng 11 này. Có thời điểm cũng phải chấp nhận thu mình lại”.
Trên toàn cầu, những người lái xe như Mueller đang suy nghĩ lại về thói quen sử dụng xe trong bối cảnh giá xăng dầu tăng chóng mặt. Một người chạy xe ôm ở Việt Nam thường xuyên tắt ứng dụng gọi xe vì không muốn “đốt tiền lãng phí”. Một gia đình người Pháp xem xét lại kế hoạch đi nghỉ vào tháng 8. Một nhà thiết kế đồ họa ở California, Mỹ, đưa giá xăng vào chi phí đi chơi một đêm.
Xe ôm cũng tăng “thời gian nghỉ”, không nhận cuộc gọi vào những giờ cao điểm để tránh tắc đường, tiêu hao xăng không cần thiết – Ảnh: Nothing Familiar
Và nhiều giải pháp khác cũng được đưa ra: Đi bộ nhiều hơn, lôi chiếc xe đạp phủi bụi bấy lâu nay ra, đi phương tiện công cộng, hoặc đơn giản là lái xe một cách từ tốn để ít hao xăng nhất có thể. Nhiều người cũng xem xét lại quãng đường đi hằng ngày, thậm chí nghĩ đến việc từ bỏ xe riêng.
Đối với những người không thể tiếp cận được xe công cộng hoặc không thể không đi xe riêng, giải pháp là cắn răng đi như bình thường trong khi cắt giảm các khoản chi tiêu khác.
Anh Nguyễn Trọng Tuyên, tài xế Grab ở Hà Nội, cho biết anh thường tắt ứng dụng gọi xe trong giờ cao điểm: “Phí gọi xe không tính thêm tiền xăng lãng phí khi bị kẹt xe”. Nhiều tài xế khác cũng có giải pháp tương tự khiến nhiều khách đặt xe gặp khó khăn.
Tại Manila, Ronald Sibeyee từng chi 900 peso (16,83 USD) dầu diesel mỗi ngày để chạy xe jeepney (phương tiện công cộng phổ biến ở Philippines, được phát triển từ xe jeep của quân đội Mỹ bị bỏ lại sau Thế chiến thứ hai). Bây giờ, chi phí này đã lên 2.200 peso (41,40 USD)/ngày.
“Lẽ ra số tiền này phải nằm trong thu nhập của chúng tôi. Nhưng giờ không còn nữa”, anh nói và cho biết thu nhập của mình đã giảm khoảng 40% kể từ khi giá xăng dầu tăng cao.
Thu nhập tài xế giảm đáng kể khi giá xăng tăng – Ảnh: Inquirer
Người dân sống ở các nước phát triển như châu Âu và Mỹ cũng không khá hơn. Người Mỹ vốn ít dùng xe công cộng. Mạng lưới giao thông công cộng của châu Âu không phải lúc nào cũng thuận tiện cho người dân sử dụng hằng ngày, đặc biệt ở nông thôn.
Charles Dupont, quản lý một cửa hàng quần áo ở vùng Essonne, phía nam Paris, Pháp, buộc phải sử dụng ôtô đi làm: “Tôi lựa chọn ‘chế độ Eco’, nghĩa là lái chậm và tránh phanh gấp”.
Lái xe từ tốn cũng là một cách để tiết kiệm xăng – Ảnh: Drivin’ & Vibin’
Những người khác cũng đang làm những gì họ có thể để cắt giảm chi tiêu. Letizia Cecinelli, ở Rome, Ý, cho biết hiện tại cô đang cố gắng giảm các chuyến đi bằng ôtô nhiều nhất có thể, thay vào đó tăng cường sử dụng xe đạp. “Nhưng tôi có con và nếu tôi phải đưa con đi cắm trại thì sao? Tôi sẽ làm điều đó bằng cách đổi đồ ăn sang pizza”, cô cho hay.
Cách sống “thắt lưng buộc bụng” như trên có thể sẽ theo chân người dân thêm một thời gian. Nhiều nước đã đưa ra các giải pháp bình ổn giá xăng dầu, nhưng chưa hiệu quả. Hungary đưa ra giới hạn giá xăng dầu, nhưng không áp dụng cho biển số nước ngoài. Đức giảm thuế, giảm giá vé phương tiện công cộng, nhưng giá xăng vẫn đi lên. Ở Việt Nam, các giải pháp như giảm thuế mới chỉ đang được đưa ra bàn thảo, chưa rõ đến khi nào mới được thông qua và áp dụng.
Nguồn: tuoitre.vn