Việc theo dõi hành trình của lô hàng bằng cảm biến IoT giúp doanh nghiệp logistics giảm lượng hàng hóa hư hỏng, chi phí lao động và phát thải CO2.
Kết hợp các hoạt động kinh doanh với bảo vệ môi trường đồng thời tiết kiệm chi phí là thách thức với mọi doanh nghiệp. Trong những năm gần đây và đặc biệt sau Hội nghị COP 26, tính bền vững trong các hoạt động của doanh nghiệp đang được đặt lên hàng đầu. Theo khảo sát của ABB với 765 lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ, 71% ưu tiên các mục tiêu bền vững do hậu quả của đại dịch.
Trong đại dịch, logistics là ngành phát triển mạnh tuy nhiên tính bền vững của hoạt động này vẫn bị đe dọa bởi nhiều ý tố. Một giải pháp được đặt ra để nâng cao tính bền vững trong hoạt động chuỗi cung ứng là việc áp dụng số hóa, công nghệ trong trong hoạt động doanh nghiệp logistics.
Số hóa đóng vai trò to lớn khi thay đổi cách sống và làm việc của con người. IoT (Internet vạn vật kết nối) được sử dụng vì tính hiệu quả bên cạnh việc nó còn trở thành động lực cho các mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm cả tính bền vững của chuỗi cung ứng. Theo báo cáo từ Vodafone và WPI Economics, các công nghệ như IoT và 5G có thể giúp Vương quốc Anh cắt giảm 17,4 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Hạn chế lượng hàng hóa hư hỏng
Việc áp dụng các cảm biến IoT giúp thu thập các thông tin về các chỉ số của lô hàng bao gồm vị trí, nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng… Do đó, các vấn đề hư hỏng hay hao hụt hàng hóa có thể được khắc phục sớm.
Thông qua theo dõi hành trình của đơn hàng trong thời gian thực, các công ty có thể phát hiện được bất thường của đơn hàng khi dữ liệu có biến đổi khác với thông số tiêu chuẩn. Nếu vượt quá các chỉ tiêu khuyến cáo, hàng hóa sẽ bắt đầu xuống cấp, hư hỏng. Bằng cách sử dụng cảm biến thời gian thực, một thông báo sẽ được gửi đến người vận chuyển cho phép họ giải quyết vấn đề ngay khi bắt đầu, thay vì khi phát hiện ra hàng hóa đã hư hỏng.
Giảm chi phí lao động và rủi ro
Lợi ích lớn nhất của cuộc cách mạng kỹ thuật số là giúp đơn giản hóa quy trình và loại bỏ những hoạt động của con người trong những công việc đơn giản.
Sử dụng con người ở những vị trí máy móc có thể hoạt động hiệu quả và chính xác làm tăng lượng khí thải carbon. Tuy vậy, thực tế này vẫn khá phổ biến trong lĩnh vực hậu cần khi các hoạt động số hóa chưa thực sự được áp dụng triệt để. Trong các hành trình của đơn hàng từ nhà kho đến xe tải, xe tải đến cảng, cảng tới tàu… con người vẫn phải kiểm tra tình trạng và chất lượng hàng hóa nhiều lần trong một lần vận chuyển.
Việc có các dữ liệu đầu cuối không bị gián đoạn về điều kiện và vị trí của lô hàng sẽ giúp giảm chi phí theo những cách khác nhau. Đầu tiên, doanh nghiệp có thể giảm chi phí nhân sự kiểm tra độ an toàn của hàng hóa thủ công. Chi phí bảo hiểm trong trường hợp hàng hóa bị hư hỏng cũng được hạn chế. Ngoài ra, áp dụng công nghệ còn giúp giảm chi phí truy xuất nguyên nhân khi xảy ra trường hợp hư hỏng hàng hóa.
Giảm phát thải CO2
Cắt giảm lượng khí thải CO2 là nhiệm vụ các doanh nghiệp phải làm để đảm bảo sự phát triển bền vững. Tại một số quốc gia, quy định về minh bạch khí thải CO2 trong các đơn hàng được đề ra. Tuy vậy, không có phương thức nhất quán nào để kiểm tra lượng khí thải CO2 liên quan đến các lô hàng cụ thể. Thế nhưng, khi áp dụng công nghệ để biết vị trí địa lý và điều kiện lô hàng có thể ước tính lượng CO2 với độ chính xác cao.
Bên cạnh đó, việc hạn chế được sự hư hỏng của hàng hóa thông qua theo dõi cảm biến IoT khiến doanh nghiệp không cần phải sử dụng bìa các tông dày hơn để bảo vệ hàng hóa. Điều này mang tính kinh tế cao hơn và hạn chế những tác động đến môi trường.
Theo nhiều nghiên cứu, số hóa chuỗi cung ứng không chỉ nâng cao hiệu quả kinh doanh bên cạnh đó còn bảo vệ môi trường. IoT có thể là giải pháp giúp đảm bảo tính bền vững của các hoạt động trong chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp có thể cân nhắc để áp dụng một cách logic cảm biến IoT trong hành trình vận chuyển để đạt được tính bền vững trong chuỗi cung ứng.
Hồng Thảo (Theo VentureBeat)
Nguồn: vnexpress.net