Diễn biến dịch ngày càng phức tạp, các địa phương, các tỉnh miền Tây đang phải tập trung kiểm soát phòng dịch theo chỉ thị 16. Đây là việc cần thiết phải làm.
Hàng nông sản được đóng vào container để đưa đi xuất khẩu tại cảng Mỹ Thới (tỉnh An Giang) – Ảnh: CHÍ QUỐC
Dẫu vậy, nếu nhìn sang bài toán vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế để đạt được “mục tiêu kép” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì theo tôi, hiện các địa phương đang vẫn còn rất lúng túng, thậm chí cứng nhắc, và chưa có những giải pháp mang tính đột phá.
Tình trạng ùn ứ, bế tắc trong khâu tiêu thụ nông, hải sản, lúa gạo là một ví dụ. Để giải quyết vấn đề này, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần có “Ban chỉ đạo sản xuất, thu mua và tiêu thụ nông sản” giúp cho người dân càng sớm càng tốt.
Để tập trung vào việc ổn định và phát triển kinh tế mà trước mắt là khâu sản xuất và tiêu thu nông sản, các địa phương nên phân công giao nhiệm vụ cụ thể cho 3 ngành công thương, nông nghiệp và giao thông vận tải… lo việc này.
Ngành công thương chịu trách nhiệm chính về khâu đầu ra và thị trường tiêu thụ, phân phối nông hải sản cho các khu vực ở đô thị bị phong tỏa; ngành nông nghiệp chịu trách nhiệm về việc quy hoạch và thống kê số lượng, sản lượng nông hải sản cần thu hoạch và tiêu thụ trong dân; ngành giao thông vận tải chịu trách nhiệm các phương án vận chuyển, đi lại…
Các địa phương cần một khoản kinh phí để thu mua lúa gạo tạm trữ cho người dân. Bên cạnh đó là kết nối, tạo mọi điều kiện cho các đơn vị kinh doanh nông sản triển khai việc thu mua cho bà con nông dân với “giá sàn” quy định để tránh trường hợp bị thương lái “ép” giá. Một “đường dây nóng” do sở công thương chủ trì để tiếp nhận và xử lý triệt để các thông tin phản ảnh của bà con nông dân liên quan đến vấn đề này rất nên được triển khai.
Dịch giã rất đáng lo nhưng đáng lo không kém là bài toán kinh tế, là miếng ăn của người dân trong và sau dịch. Giãn cách kéo dài, các lĩnh vực công thương nghiệp và dịch vụ ở nội thành đương nhiên bị ngưng trệ thì càng cần giữ kinh tế nông nghiệp ở khu vực nông thôn. Đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm đã cung cấp 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% lượng trái cây và 40% lượng thủy sản đánh bắt, 74% lượng thủy sản nuôi trồng… cho cả nước.
Trong họa có cơ hội. Hầu hết các quốc gia đều phải căng sức chống dịch nên bị ảnh hưởng rất nặng nề về kinh tế. Với tình hình như vậy, chắc chắn nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lương thực sẽ còn nhiều hơn nữa trong những năm tới. Năm 2020, Việt Nam đã thắng lớn trong việc xuất khẩu gạo sang nhiều quốc gia.
Sắp tới đây, nếu biết tận dụng cơ hội để tìm lối ra cho các sản phẩm nông nghiệp (đặc biệt là lúa gạo) và các loại thủy hải sản thì bài toán kinh tế chung của cả nước sẽ được cải thiện. Khi đó không những an ninh lương thực quốc gia, an sinh xã hội cho người dân được đảm bảo mà vị thế ngành nông nghiệp của đất nước cũng tăng lên.
Về việc thu mua và vận chuyển, hiện nay các hầu hết các địa phương đều có hội nông dân, hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… cấp huyện, xã. Nên có ưu tiên tiêm ngừa vắc xin cho họ để họ hỗ trợ nắm thông tin về số liệu nông sản cần tiêu thụ; lên kế hoạch ấn định ngày giờ thu hoạch, địa điểm tập kết nông sản.
Từ đây, các sở giao thông vận tải tổ chức “luồng xanh” kết hợp với sự dẫn đường của cảnh sát giao thông để các doanh nghiệp tổ chức vận chuyển, phân phối và tiêu thụ hàng hóa kịp thời.
Nguồn: tuoitre.vn