Cần sửa toàn diện Luật thuế thu nhập cá nhân

Quy định về mức giảm trừ gia cảnh đã quá lỗi thời trước bối cảnh ‘bão giá’, khiến cuộc sống của người làm công ăn lương ngày càng khó chồng khó. Lần sửa luật gần nhất cách đây đã 10 năm.

Cần sửa toàn diện Luật thuế thu nhập cá nhân - Ảnh 1.

Cần sửa đổi những quy định bất cập, lỗi thời, gây bất lợi, khó khăn cho người lao động nộp thuế thu nhập cá nhân. Trong ảnh: người dân và doanh nghiệp làm các thủ tục quyết toán thuế tại Cục Thuế TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hai năm vật lộn với dịch COVID-19 đã bào mòn sức khỏe thể chất lẫn tài chính của không ít gia đình. Có thể thấy thu nhập của số đông đều đã bị ảnh hưởng theo hướng sụt giảm, nhiều người phải xài lậm vô tiền tiết kiệm của gia đình, bản thân. 

Trận “bão giá” hiện nay rơi ngay vào lúc kinh tế đang chập choạng gượng dậy sau dịch đã phá tan niềm hy vọng nhanh chóng “sống bình thường như trước”.

Thế nhưng đến giờ phút này, Bộ Tài chính vẫn chưa trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi những quy định bất cập, lỗi thời, gây bất lợi, khó khăn cho người lao động nộp thuế thu nhập cá nhân.

Các chính sách hỗ trợ, giải cứu doanh nghiệp, người dân lúc này phải được làm thần tốc như các biện pháp chống dịch.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) từng nêu bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Sống chật vật vẫn phải nộp thuế đầy đủ

Chị P.T.T. (ngụ ở Hà Nội) kể chị thật sự lo lắng vào thời điểm này vì thu nhập của gia đình không tăng mà chi phí sinh hoạt lại tăng nhiều lần so với năm ngoái, trong khi tiền thuế thu nhập cá nhân của chị vẫn không hề được giảm đồng nào. 

Chị dẫn chứng những gì đang cắt xén vào túi tiền của gia đình mình: chai dầu ăn từ 88.000 đồng lên 110.000 đồng; đổ xăng xe máy trước đây mỗi tuần chỉ khoảng 80.000 đồng là đầy bình, nay phải 130.000 đồng; ra chợ thì luôn nghe thấy điệp khúc giá rau xanh, thịt, cá… tăng không vì giá xăng dầu thì cũng vì thiếu nguồn cung. Chưa kể lúc này chỉ còn 2 tháng nữa đến thời điểm phải nộp học phí, sách vở, mua sắm đồng phục… cho hai đứa con vào đầu năm học mới.

Chị T. mong có những điều chỉnh trong thu thuế thu nhập cá nhân thích ứng với hoàn cảnh mới. Chị dẫn chứng: “Có những quy định rất bất hợp lý như mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng hiện không đủ chi trả cho những nhu cầu tối thiểu. 

Như con tôi học hệ chính quy tại trường đại học ở Hà Nội, học phí đã 4,2 triệu đồng/tháng. Vậy còn 200.000 đồng/tháng, một người có thể chi tiêu cho ăn, ở, quần áo… được không?”. Một câu hỏi mà đến những người không cần giỏi tính toán cũng thấy ra câu trả lời.

Cùng tâm trạng lo lắng trên, anh L.H.H. (ngụ ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết hằng tháng trước khi nhận lương, thu nhập bị tạm khấu trừ 2 triệu đồng. Suốt hai năm qua, khoản tích lũy, dành dụm của gia đình anh gần bằng 0 vì tiền lương chỉ đủ chi tiêu hằng tháng cho gia đình. 

Chỉ những khoản chi “cứng” như tiền thuê nhà 8 triệu đồng/tháng, tiền học cho hai con nhỏ khoảng 7 triệu đồng, ăn uống chi tiêu sinh hoạt hằng ngày, về quê thăm hỏi chăm sóc cha mẹ hai bên… là hết tiền lương của cả hai vợ chồng.

Những khoản chi “mềm” như tiền mừng đi đám cưới, sinh nhật, du lịch… luôn khiến họ phải chau mày tính toán. Anh H. cho biết đi làm gần 15 năm qua nhưng hai vợ chồng anh vẫn chưa thể mua được nhà. 

“Tôi nhớ đọc trên báo cách đây 4 – 5 năm, Bộ Tài chính có đề xuất sửa Luật thuế thu nhập cá nhân để giảm gánh nặng cho người nộp thuế. Thế nhưng đến nay, thu nhập, đời sống của người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 và do giá cả sinh hoạt tăng mà các quy định bất cập của luật vẫn không được sửa”, anh L.H.H. nêu ra mong ước mà hàng triệu người lao động như anh đang ngóng chờ.

Cần sửa toàn diện Luật thuế thu nhập cá nhân - Ảnh 3.

Người dân quyết toán thuế tại Chi cục Thuế TP Thủ Đức (TP.HCM) – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Đó cũng là tâm trạng của người lao động khắp cả nước bởi vật giá leo thang ảnh hưởng không chừa khu vực địa lý nào. Chị Hoàng Anh (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng là một hoàn cảnh mà không ít người lao động đang gặp phải sau dịch, khi các hoạt động kinh tế đang cố gắng bắt đà chạy lại. 

“Từ đầu năm nay công ty còn cắt bớt thu nhập khiến tôi phải chi tiêu dè sẻn nhiều hơn nữa mới đủ sống bởi từng quả trứng, bó rau, con cá đều tăng giá chóng mặt. Có món tăng 50 – 60% nhưng có món tăng đến 100%. Gia đình tôi không chỉ phải tiết kiệm hơn mà còn phải thắt lưng buộc bụng mới sống được”, chị Hoàng Anh than thở.

Đây không phải là lần đầu tiên người làm công ăn lương kiến nghị giảm thuế. Ở lần trước, trả lời đề nghị này, Bộ Tài chính giải thích rằng theo quy định, người nộp thuế đã được trừ đi các khoản như: giảm trừ gia cảnh, đóng góp từ thiện, nhân đạo, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… số tiền còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế. 

Chưa kể từ năm 2020 mức giảm trừ cho người nộp thuế và người phụ thuộc đã được nâng lên, góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế…

Tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều người nộp thuế cho hay từ năm 2020 đến nay, giá cả đã tăng rất nhiều nên mức giảm trừ 11 triệu đồng mỗi tháng cho người lao động và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc là không đủ để người lao động đảm bảo cuộc sống bình thường hiện nay, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. 

Sẽ rất vô lý nếu Bộ Tài chính lập luận kiểu sợ rằng “nếu giảm thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công thì đối tượng được hưởng chủ yếu sẽ rơi vào nhóm có thu nhập cao, không đúng với mục tiêu hỗ trợ khó khăn”. Trên thực tế, những người lao động đang phải đóng thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1, bậc 2 hiện nay chỉ ở mức đủ sống mà thôi.

Cần sửa toàn diện Luật thuế thu nhập cá nhân - Ảnh 4.

Giảm thuế để chia sẻ với người nộp thuế

Theo kiến nghị của nhiều chuyên gia, lúc này việc giảm thuế thu nhập cá nhân để chia sẻ, động viên người làm công ăn lương là hết sức cần thiết và mang ý nghĩa nhân văn. Nó còn đảm bảo công bằng giữa tổ chức và cá nhân, không thể để bên khinh bên trọng. 

Bởi hai năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, từ giảm 30% tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tới tiền thuê đất, giãn thuế và hiện nay doanh nghiệp vẫn tiếp tục được Chính phủ hỗ trợ về lãi suất 2%. Trong khi đó với thuế thu nhập cá nhân lại chưa có hỗ trợ gì.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tú, một chuyên gia thuế, đã dẫn ra những điều đang gây cản trở trong thực tế: từ năm 2017, Bộ Tài chính đã thừa nhận một số quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân với biểu thuế lũy tiến từng phần có 7 bậc là quá nhiều, khoảng cách giữa bậc 1 và 2 quá dày khiến tăng số thuế phải nộp. Hay mức thu nhập vãng lai phải khấu trừ thuế thu nhập cá nhân là từ 2 triệu đồng được quy định từ năm 2013 đã quá lạc hậu, khiến lượng cá nhân phải quyết toán và yêu cầu hoàn thuế tăng cao…

Ngoài ra, theo ông Tú, có quá nhiều quy định bất cập, gây bất lợi cho người nộp thuế như mức thu nhập để tính giảm trừ cho người phụ thuộc là không quá 1 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ gia cảnh cho con đi học 4,4 triệu đồng là không đủ nuôi một đứa trẻ đi học. Mức này là quá thấp trong bối cảnh “bão giá” hiện nay. Quy định điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng đến 20% cũng gây thiệt thòi cho người nộp thuế…

Thế nhưng đến giờ phút này, Bộ Tài chính vẫn chưa trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi những quy định, bất cập, lỗi thời, gây bất lợi, khó khăn cho người nộp thuế. Luật thuế thu nhập cá nhân được ban hành vào năm 2007 và áp dụng từ 1-1-2009. Lần sửa luật gần nhất là vào cuối năm 2012, đến nay đã 10 năm.

Cần sửa toàn diện Luật thuế thu nhập cá nhân - Ảnh 5.

Cuộc sống của người làm công ăn lương đang gặp rất nhiều khó khăn – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đặc biệt, từ đầu năm tới nay, giá cả hàng hóa, các dịch vụ thiết yếu từ bó rau, ký thịt, dầu ăn, xăng dầu… đều tăng mạnh làm cho đời sống người làm công ăn lương vô cùng khó khăn. Phần hỗ trợ từ chương trình hồi phục kinh tế sau 2 năm bùng dịch COVID-19 vẫn chưa đến được đầy đủ với số đông và chỉ mang tính hỗ trợ ngắn hạn. 

Vì vậy ông Tú nhận định: “Việc hỗ trợ người nộp thuế rất là khẩn cấp. Tình thế được ví như hỏa hoạn, tai nạn, thiên tai nên không thể chần chừ thêm được nữa vì người nộp thuế khó khăn quá rồi, chính sách thuế lại lạc hậu và vô lý quá rồi. Đây là nguồn nhân lực cao của đất nước nên để tăng trưởng kinh tế, họ cần được hỗ trợ”.

Thực tế, dù người làm công ăn lương đối mặt với vô vàn khó khăn trong 6 tháng đầu năm nay nhưng số thu thuế thu nhập cá nhân vẫn tăng đáng kể. Trong sáu tháng nửa đầu năm nay, số thu thuế thu nhập cá nhân cả nước đạt 88.084 tỉ đồng. 

Tại TP.HCM, số thu thuế thu nhập cá nhân 6 tháng đầu năm nay cũng tăng 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, ông Tú đề nghị cần giảm ngay 50% tiền thuế thu nhập cá nhân 6 tháng cuối năm nay cho người nộp thuế. 

Còn về lâu dài, ngay từ bây giờ, Bộ Tài chính phải sớm trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội sửa đổi toàn diện quy định của luật này. Cụ thể, biểu thuế lũy tiến cần được giảm xuống 5 thay vì 7 bậc, khoảng cách giữa các bậc thuế được giãn ra với nguyên tắc mức tiền thuế phải nộp giảm đi.

Để quy định trong luật không lạc hậu, gây thiệt thòi cho người nộp thuế, ông Tú kiến nghị mức giảm trừ gia cảnh phải được điều chỉnh hằng năm theo biến động của chỉ số giá tiêu dùng (CPI). 

Vào cuối năm, khi Tổng cục Thống kê công bố CPI tăng hay giảm bao nhiêu thì mức giảm trừ gia cảnh cũng được điều chỉnh tương ứng. Còn như hiện nay, mỗi năm CPI tăng 4% thì phải đợi 5 – 6 năm mới nâng mức giảm trừ gia cảnh là bất lợi, thiệt thòi quá lớn cho người nộp thuế.

Còn theo luật sư Trần Xoa – giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, mức giảm trừ gia cảnh nên căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng để mỗi năm khi tăng mức lương tối thiểu vùng thì mức giảm trừ cũng tự động tăng theo, thay vì cứ giữ ở mức cố định như hiện nay khiến người lao động thiệt đơn thiệt kép. 

Ngoài ra, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc lên bằng 70% mức giảm trừ của người lao động vì mức 4,4 triệu đồng/tháng hiện nay đã quá lạc hậu.

Phải trừ tiền học, khám chữa bệnh, lãi vay ngân hàng… trước khi tính thuế

Luật sư Trương Thanh Đức, giám đốc Công ty luật ANVI, kiến nghị cần phải sửa Luật thuế thu nhập cá nhân cho đúng nguyên tắc, bản chất của thuế là doanh thu trừ chi phí và có thu nhập mới phải nộp thuế. Do đó, những chi tiêu của bản thân người nộp thuế và người trong gia đình như tiền học của con, tiền khám chữa bệnh, tiền trả lãi ngân hàng (trong trường hợp mua nhà phải vay ngân hàng), tiền thuê nhà… phải được trừ trước khi tính thuế thu nhập cá nhân.

Đồng thời, mức thuế suất của bậc 1 phải giảm xuống mức rất thấp để nhiều người nộp thuế nhưng với mức thuế chỉ 1 – 2%. Ngoài ra, cần giảm bậc thuế xuống còn 5 với thuế suất của bậc cao nhất là 20%. “Không có lý do gì để thuế thu nhập cá nhân ở bậc 7 hiện là 35%, cao gần gấp đôi thuế thu nhập doanh nghiệp”, ông Đức nói.

Bộ Tài chính đang nghiên cứu đề xuất sửa luật

Trả lời báo chí mới đây, Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu lấy ý kiến góp ý để sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân. Từ năm 2021, Thủ tướng và Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, đề xuất sửa đổi các bất cập của luật thuế này.

Cụ thể, tại quyết định số 2114 năm 2021, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát các luật thuế, báo cáo Chính phủ. Và tháng 3 năm nay, Chính phủ đã có nghị quyết 30 chỉ đạo bộ này nghiên cứu, rà soát bất cập của Luật thuế thu nhập cá nhân để trình Chính phủ trong năm nay.

Để đề xuất sửa đổi các quy định bất cập của Luật thuế thu nhập cá nhân, trong văn bản lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương hồi tháng 3-2022, Bộ Tài chính đề nghị rà soát, đánh giá góp ý sửa đổi các nội dung gồm đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, cơ sở tính thuế và xác định số thuế phải nộp, thuế suất, giảm trừ gia cảnh…

Bộ Tài chính cho biết ngay từ năm 2017 đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, bộ này trình Chính phủ cho sửa đổi biểu thuế lũy tiến từng phần giảm xuống còn 5 bậc và giãn khoảng cách giữa các bậc thuế.

Mức thuế suất là 5%, 10%, 20%, 28% và 35% tương ứng với phần thu nhập tính thuế hằng tháng là đến 10 triệu đồng, trên 10 đến 30 triệu đồng, trên 30 đến 50 triệu đồng, trên 50 đến 80 triệu đồng và trên 80 triệu đồng.

L.THANH

Singapore tăng thuế người giàu, bảo vệ người nghèo

Ngân sách 2022 của Singapore được Bộ trưởng Tài chính nước này Lawrence Wong công bố ngày 18-2 được đánh giá là “táo bạo và mang tính đột phá”. Một trong các biện pháp tăng thu cho ngân sách là tăng thuế thu nhập cá nhân lên 23% đối với những người có thu nhập từ 500.000 đôla Singapore (SGD) đến 1 triệu SGD và 24% đối với những người có thu nhập hơn 1 triệu SGD, so với mức 22% hiện nay.

Thuế bất động sản cũng sẽ tăng lên 36% vào năm 2024 từ mức 20% đối với bất động sản không có chủ sở hữu, và lên đến 32% đối với bất động sản có chủ sở hữu từ mức 16%. Những sự gia tăng này được đánh giá chỉ tác động đến một nhóm nhỏ “có khả năng chi trả trong bất kỳ trường hợp nào”.

Được quan tâm nhiều nhất là việc tăng thuế hàng hóa và dịch vụ (GST). Trong giai đoạn thảo luận về ngân sách, một số phòng thương mại và nhà phân tích kêu gọi trì hoãn việc tăng thuế đến năm 2025 vì lạm phát tăng và thực tế một số doanh nghiệp vẫn đang phải vật lộn với khó khăn hậu dịch COVID-19.

Trong khi đó, có những chuyên gia kêu gọi tăng 2% trong một lần. Chính phủ Singapore đã chọn con đường trung gian là lộ trình tăng thuế GST theo hai bước: 1% vào năm 2023 và 1% vào năm 2024. Điều này giúp người dân và doanh nghiệp có thêm nhiều thời gian hơn để điều chỉnh.

Kế hoạch ngân sách 2022 của Singapore cũng đáng chú ý với những gì nó mang lại cho những người thu nhập thấp và trung bình. Gói bảo hiểm GST, bảo vệ hầu hết các gia đình có thu nhập trung bình và thấp khỏi tác động của mức thuế GST, đã được tăng 10% lên 6,6 tỉ SGD.

Chương trình phiếu mua hàng miễn phí GST vĩnh viễn đã được bổ sung, từ đó bảo vệ một số nhóm thu nhập thấp không bị ảnh hưởng bởi không chỉ GST tăng mà còn toàn bộ thuế, với những nhóm đối tượng khác cũng được bảo vệ một phần.

Ý NGUYÊN

Thăm dò ý kiến

Luật thuế thu nhập cá nhân được sửa gần đây nhất là năm 2012, đến nay đã lỗi thời, theo bạn cần điều chỉnh:

Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Nguồn: tuoitre.vn

Bài viết cùng chủ đề: