Kể từ ngày 3-7, các lô hàng bún, miến, phở xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) không cần bổ sung giấy chứng nhận an toàn thực phẩm do Bộ Công thương cấp.
Ban quản lý an toàn thực phẩm TP đề xuất các giải pháp tháo gỡ kịp thời để ngăn đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh mì ăn liền – Ảnh: T.L.
Ngày 14-6, Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (gọi tắt Văn phòng SPS Việt Nam) cho biết EU vừa có thông báo sửa đổi quy định về các biện pháp kiểm soát thực phẩm xuất khẩu vào EU có hiệu lực từ ngày 3-7.
Theo quy định này, có một số sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu vào EU.
Cụ thể, đối với sản phẩm ăn liền, EU chính thức đưa bún, miến, phở ra khỏi danh mục quy định yêu cầu bổ sung giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo phụ lục 2, quy định số (EU) 2021/2246 sửa đổi bổ sung quy định (EU) 2019/1793 (thực phẩm ăn liền không có gói gia vị).
EU tiếp tục duy trì yêu cầu bổ sung giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và tần suất kiểm tra 20% đối với mì ăn liền có nguồn gốc từ Việt Nam (trong thành phần có chứa gia vị và một số nguyên liệu, phụ gia khác).
Đối với thanh long, EU tiếp tục duy trì trong danh mục yêu cầu bổ sung giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo phụ lục 2, quy định số (EU) 2021/2246 sửa đổi bổ sung quy định (EU) 2019/1793, giữ tần suất kiểm tra 20%.
Đối với một số nông sản khác, EU giữ tần suất kiểm tra 50% đối với mùi tây, rau mùi, húng quế, bạc hà, đậu bắp và ớt thuộc giống Capsicum.
Theo quy định, 6 tháng 1 lần, Nghị viện châu Âu (EP) và Hội đồng châu Âu (EC) sẽ họp để xem xét, đánh giá mức độ vi phạm về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của các quốc gia xuất khẩu vào EU.
Để hạn chế vi phạm, doanh nghiệp cần lưu ý kiểm tra kỹ EO đối với gói gia vị, đặc biệt là rau sấy đối với sản phẩm mì ăn liền.
Đối với thanh long, cần phải kiểm soát tốt mức dư lượng tối đa cho phép thuốc bảo vệ thực vật (MRL) theo yêu cầu của EU, chú ý nhóm chất dithiocarbamates.
Là cơ quan đầu mối của Việt Nam về việc thực thi Chương SPS của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), từ tháng 1-2022, Văn phòng SPS Việt Nam đã đề xuất một số phương án nhằm thúc đẩy giải quyết các vướng mắc trong hoạt động xuất, nhập khẩu nông sản và bảo đảm an toàn thực phẩm nông sản giữa hai bên.
Cụ thể, Văn phòng SPS Việt Nam đã phản hồi quy định mới của EU về việc tạm thời tăng tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm đối với quả thanh long, tăng tần suất kiểm tra các loại rau gia vị, đậu bắp và ớt; và yêu cầu bổ sung chứng thư với chỉ tiêu ethylene oxide trong thực phẩm ăn liền.
Đồng thời, SPS Việt Nam cam kết cập nhật tiến độ thực thi cam kết SPS của Hiệp định EVFTA, cập nhật danh sách doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào EU và ngược lại.
Đầu tháng 5-2022, Văn phòng SPS Việt Nam đã phối hợp Cục Bảo vệ thực vật, đại diện Bộ Công thương và các đơn vị liên quan họp với phái đoàn EU tại Việt Nam và các đơn vị kỹ thuật để bàn giải pháp tháo gỡ các vấn đề liên quan đến việc giảm tần suất kiểm tra thanh long và mì ăn liền của Việt Nam.
“Chúng tôi ghi nhận sự hợp tác của phía EU thời gian qua, đặc biệt các phiên họp tiểu ban SPS của Ủy ban hỗn hợp thực thi EVFTA. Chúng tôi mong muốn thống nhất giải pháp và tiến độ để EU giảm tần suất kiểm tra nông sản, thực phẩm của Việt Nam, đặc biệt là quả thanh long và thực phẩm ăn liền” – ông Ngô Xuân Nam, chánh Văn phòng SPS Việt Nam, nói.
Để đạt mục tiêu giảm tần suất kiểm tra thực phẩm ăn liền, thanh long, Văn phòng SPS Việt Nam kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam tuyệt đối tuân thủ việc đăng ký, cấp chứng nhận từ cơ quan có thẩm quyền, và giám sát chặt chẽ mức dư lượng trong sản phẩm xuất khẩu.
Nguồn: tuoitre.vn