Chi phí đầu vào bào mòn lợi nhuận ngành nông nghiệp

Kết quả kinh doanh nhiều doanh nghiệp làm nông ảm đạm trước bối cảnh giá phân bón, thức ăn chăn nuôi, cước vận tải… tăng mạnh.

Sau 3 quý thua lỗ liên tiếp, Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico – HNG) tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn. Công ty nông nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương lỗ 113 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn có lợi nhuận dương. Mảng nông nghiệp của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng ghi nhận thêm một quý thua lỗ khi lợi nhuận âm gần 56 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 392 tỷ đồng.

Không đến mức thua lỗ nhưng Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) chỉ ghi nhận lãi sau thuế gần 9 tỷ đồng. Mức này giảm đến gần 98% so với cùng kỳ và trở thành con số thấp nhất 10 quý gần đây. Khả quan hơn, nhưng Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk – VNM) vẫn hụt hơn 12% lợi nhuận sau thuế.

Trang trại nuôi heo của một doanh nghiệp tại tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Châu

Trang trại nuôi heo của một doanh nghiệp tại tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Châu

Chi phí đầu vào là nhân tố chính ăn mòn lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp nông nghiệp. Ban lãnh đạo HAGL Agrico cho biết, giá phân bón và vật tư nông nghiệp tiếp tục tăng 130%, bao bì đóng gói trái cây cũng tăng 15% so với đầu năm ngoái. Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến Hòa Phát phải duy trì mức sản lượng phù hợp, tiết kiệm chi phí nhằm tối ưu giá thành.

Với Vinamilk, nguyên vật liệu đầu vào là yếu tố chính đưa biên lợi nhuận gộp doanh nghiệp xuống thấp trong kỳ. Nhóm chi phí này tiếp tục duy trì ở mức cao do thiếu hụt nguồn cung và ảnh hưởng từ khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu. Thêm vào đó, việc giá dầu thô tăng cao đã làm đội thêm chi phí vận chuyển, đẩy giá vốn bán hàng và nhiều chi phí đầu vào tăng theo.

Tương tự, HAGL Agrico cho biết, chi phí vận chuyển đường bộ ghi nhận mức tăng đến 26% trong khi vận chuyển bằng đường biển tăng đột biến lên tới 237%. Công ty còn đối mặt tình trạng thiếu container lạnh để xuất khẩu trái cây, thời gian vận chuyển, thông quan tăng gấp 3 lần từ 12 ngày lên 35 ngày làm dồn ứ hàng, giảm chất lượng trái cây, tăng chi phí kho bãi.

Lãnh đạo Dabaco cũng nhấn mạnh căng thẳng Nga – Ukraine đang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và các hoạt động giao thương, vận tải quốc tế. “Việc đứt gãy chuỗi cung ứng và những khó khăn từ dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất, tiêu dùng, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá sản phẩm chăn nuôi lại không tăng”, Dabaco nói và cho rằng điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp thuộc tập đoàn.

Không chỉ các doanh nghiệp lớn, chi phí đầu vào cũng đang quét “sạch túi” nhiều nông dân. Chị Kim Thủy (Trà Vinh) đang nuôi 30 con heo, suốt thời gian qua luôn đau đầu vì giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục. Chị cho biết mới tuần trước, giá thức ăn cho heo chỉ khoảng 555.000 đồng một bao 25kg, nay tăng lên 567.000 đồng. Từ đầu năm đến nay đã có 3-4 lần giá cám heo công nghiệp điều chỉnh.

“So với giá heo, giá thức ăn chăn nuôi tăng nhanh hơn và liên tục từ cuối năm 2020. Trung bình để nuôi một con heo tôi tốn khoảng 5,4 triệu đồng, với giá heo hơi hiện tại, tôi chỉ huề vốn trong điều kiện nuôi suôn sẻ”, chị nói. Nhiều hộ trong khu vực lỗ hàng chục triệu đồng khi vài con heo trong đàn chẳng may bị bệnh.

Dây chuyền sản xuất phân NPK tại một doanh nghiệp ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: DPM

Dây chuyền sản xuất phân NPK tại một doanh nghiệp ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: DPM

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiều lần nhận định giá phân bón và thức ăn chăn nuôi tăng cao, gây áp lực cho nông dân và doanh nghiệp. Hồi tháng 8 năm ngoái, cơ quan này cũng đề nghị Bộ Công Thương lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra toàn diện hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón tại các tỉnh phía Nam.

Với ngành trồng trọt, phân bón chiếm gần một nửa giá thành sản xuất, tình trạng giá bán một số loại phân bón liên tục tăng cao đang là gánh nặng lớn. Giá urê Cà Mau, urê Phú Mỹ hiện khoảng 18.000 đồng một kg, phân DAP Đình Vũ có giá gần 19.00 đồng một kg, phân NPK Phú Mỹ giá 16.000 đồng một kg… Đa số đều có mức tăng lên đến hai chữ số, có loại tăng gấp 2-3 lần so với đầu năm ngoái.

Tương tự, giá thức ăn chăn nuôi cũng liên tục lập đỉnh. Gần đây, hàng loạt doanh nghiệp như MNS Feed, De Heus, Emivest Feedmill (Tiền Giang), C.P Việt Nam, Greenfeed Việt Nam… lần lượt thông báo tăng giá các sản phẩm thức ăn chăn nuôi với biên độ 300-500 đồng một kg. So với cuối năm 2020, giá thức ăn chăn nuôi tăng đến 125.000-150.000 đồng một bao 25kg.

Tất Đạt

Nguồn: vnexpress.net

Bài viết cùng chủ đề: