Logistics toàn cầu lần nữa trì trệ do chiến lược “zero Covid” của Trung Quốc với chính sách không khoan nhượng để ngăn ngừa, kiểm soát virus.
Lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại Thượng Hải (Trung Quốc), một trong những cảng container lớn nhất thế giới, đã gây ra các vấn đề về chuỗi cung ứng và vận chuyển trên thế giới.
Thời gian giao hàng kéo dài do lệnh hạn chế
Sau nhiều tháng theo đuổi “zero” Covid, một số thành phố của Trung Quốc, bao gồm Thượng Hải, bắt đầu nới lỏng các lệnh phong tỏa, hạn chế. Song giới chuyên gia cho rằng những ảnh hưởng do các chính sách hạn chế đi lại của đất nước tỷ dân vẫn khiến vận chuyển toàn cầu tiếp tục trì hoãn trong vài tháng tới. Điều này có thể gây thêm áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đang náo loạn do xung đột Nga – Ukraine và khiến lạm phát tiếp tục gia tăng trên toàn cầu.
Dữ liệu từ Project44, đơn vị chuyên theo dõi thị trường logistics toàn cầu, cho thấy sự chậm trễ giao vận giữa Trung Quốc với các cảng lớn của Mỹ và châu Âu đã tăng gấp bốn lần từ cuối tháng 3, khi chính phủ nước này phong tỏa Thượng Hải, ngăn dịch bệnh lây lan. Đến cuối tháng 4, các chuyến tàu vận chuyển hàng từ Trung Quốc đến Seattle hầu hết đều trễ bốn ngày so với dự kiến. Trong khi chỉ một tháng trước đó các chuyến này chỉ muộn nhiều nhất là ba ngày.
Trước đó, tài xế các đơn vị logistics gặp không ít khó khăn khi đến giao- nhận container tại cảng Thượng Hải vì các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại và yêu cầu test Covid mỗi ngày. “Ông lớn” ngành chuyển phát Maersk đã sớm nhận ra “điểm gãy” này và từng cảnh báo trong một buổi tư vấn tháng trước, rằng các dịch vụ vận tải đường bộ ở Thượng Hải sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những hạn chế này.
“Các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại do ‘zero’ Covid ở Thượng Hải khiến xe tải chuyển hàng gặp nhiều khó khăn, kéo dài thời gian giao vận, cản trở xuất nhập khẩu và tiềm tàng nguy cơ dồn ứ hàng hóa”, ông Josh Brazil, Giám đốc dữ liệu logistics tại Project44 cho biết.
Vị Giám đốc cũng dự đoán tình trạng này sẽ còn tiếp tục kéo dài trong những tháng hè kể cả khi lệnh phong tỏa nới lỏng và chuỗi nhà máy hoạt động lại bình thường. Dù chính phủ Trung Quốc đã cho phép một số doanh nghiệp tái khởi động sản xuất nhưng nhiều công nhân vẫn chưa thể đi làm lại do cách ly và các chính sách kiểm soát dịch tại nhà. Các nhà máy mở cửa trở lại đối mặt với tình trạng thiếu linh kiện và nhân sự đảm bảo xe tải chở hàng ra vào cảng hoạt động xuyên suốt.
Ảnh hưởng lan tỏa từ Thượng Hải
Sau Thượng Hải, nhiều thành phố lân cận tại Trung Quốc cũng rơi vào tình trạng tương tự, gặp nhiều khó khăn trong di chuyển do các lệnh cấm và phòng dịch. Đơn cử có Bắc Kinh với ngành logistics cũng dần chịu ảnh hưởng từ hệ lụy này.
Dù suốt thời gian phong tỏa, cảng Thượng Hải vẫn mở cửa và hoạt động bình thường. Song dữ liệu lại cho thấy lượng tàu hàng và container tồn đọng từ các hãng tàu khác nhau ngày càng tăng.
Hiện bảy trên mười cảng container hàng đầu thế giới đều tọa lạc tại Trung Quốc. Trước tình hình trì trệ tại Trung Quốc, vài doanh nghiệp logistics Mỹ lo ngại tình hình tương tự có thể xảy đến các cảng tàu lớn nước họ. Hiện Mỹ vẫn trong quá trình phục hồi sau tắc nghẽn và chậm trễ nghiêm trọng do đại dịch từ năm ngoái.
Shelley Simpson, giám đốc thương mại của JB Hunt Transport Services, cho biết vào cuối tháng trước rằng mặc dù đã có “sự cứu trợ tạm thời” tại các cảng của Mỹ, mọi thứ có thể trở nên “tồi tệ hơn rất nhiều” vào mùa hè này vì những gì đang xảy ra ở Trung Quốc.
Tàu, container kẹt tại cảng
Hàng hóa đợi vận chuyển đang trở nên tồi tệ hơn ở Trung Quốc và các khu vực khác trên thế giới. Cuộc khảo sát do Windward, công ty dữ liệu hàng hải toàn cầu tại Israel, cho thấy có khoảng 412 tàu container toàn cầu vẫn đang chờ cập cảng do tắc nghẽn, tương đương gần 20% tổng số tàu ra vào điểm xuất nhập khẩu này. Số tàu “kẹt cảng” tháng này tăng đến 58% so với tháng 2.
Dữ liệu mới cập nhật từ S&P Global Market Intelligence cho thấy số lượng tàu chờ tại cảng Thượng Hải ngày 25/4 đã tăng lên 384 chiếc, hơn 27% so với một tháng trước. Áp lực gia tăng đối với các cảng khác của Trung Quốc, khi các tàu cố gắng tìm các cảng thay thế để cập bến.
Đến nay, trên toàn lãnh thổ Trung Quốc có ít nhất 27 thành phố đang trong tình trạng phong tỏa toàn bộ hoặc một phần. Điều này có thể ảnh hưởng đến 185 triệu cư dân trên khắp đất nước, theo tính toán mới nhất của CNN, hôm 11/5. Tuần trước, Bắc Kinh cũng mới hạ lệnh hạn chế đi lại tại một trong những quận lớn nhất. Chính phủ Trung Quốc vẫn khẳng định sẽ tiếp tục không khoan nhượng với Covid. Ngày 12/5, Chủ tịch Tập Cận Bình đã xác nhận với tất cả các cấp chính quyền sẽ “kiên quyết tuân thủ chính sách zero Covid”.
Thiếu xe tải, hàng hóa chất đống
Thời điểm Thượng Hải chính thức áp dụng các lệnh hạn chế, các container đã kẹt ở cảng suốt 15 ngày, trước khi được các xe tải đến lấy. Ông Zhang Wei, Phó thị trưởng Thượng Hải, thừa nhận thành phố đang trong tình trạng “giảm sút hiệu quả vận chuyển hàng hóa, logistics trì trệ” từ khi có lệnh phong tỏa phòng dịch. Điều này thể hiện qua số lượng hàng hóa chất đống tại các kho bãi. Thậm chí nhiều container còn đang trong danh sách chờ dở hàng, nhập cảng.
Điều này dẫn đến tình trạng thiếu thốn nguyên liệu thô nhập khẩu. Nhiều nhà máy tại Trung Quốc buộc phải trì hoãn khâu sản xuất. Họ cũng khó vận chuyển sản phẩm đến tay khách hàng vì không đủ xe, thời hạn kéo dài. Thành phẩm tồn kho tăng gần như cao nhất trong khoảng một thập kỷ trở lại.
Các cuộc khảo sát PMI gần đây, công bố ngày 14/5, cho thấy hoạt động các nhà máy giảm xuống mức tệ nhất từ tháng 2/2020, khi Trung Quốc đang chống chọi với làn sóng Covid đầu năm 2022.
“Ông lớn” ngành logistics Maersk cho biết họ sẽ tiếp tục tăng giá cước nếu áp lực lên chuỗi cung ứng còn kéo dài. Doanh nghiệp chuyển phát này cho rằng sự tắc nghẽn trong vận tải đường bộ và kho bãi ở Trung Quốc đã hình thành thế “nút thắt cổ chai”, dẫn đến các dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng gặp nhiều thách thức, tỷ lệ không thành công tăng cao. Hiện giá cước vận tải trung bình của Maersk đã tăng 71% trong quý đầu tiên so với cùng kỳ năm ngoái.
Qua các số liệu ghi nhận và tình hình giao vận, xuất nhập khẩu trên toàn Trung Quốc, các nhà phân tích của Goldman Sachs nhận định sự hỗn loạn tại một số cảng lớn, bao gồm Thượng Hải, đã ảnh hưởng đến thị trường thương mại của quốc gia tỷ dân. Đồng thời, phần còn lại của thế giới cũng chịu chung tình trạng trì trệ do mắc kẹt tại các cảng lớn thuộc địa phận nước này.
Thy An (Theo CNN)
Nguồn: vnexpress.net