Chính phủ cần tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, bất động sản

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản có nhiều rủi ro. Lưu ý Chính phủ cần tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Chính phủ cần tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, bất động sản - Ảnh 1.

Nhà đầu tư theo dõi thị trường chứng khoán – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022.

Thường vụ Quốc hội thống nhất nhận định năm 2022 tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, giá dầu, lạm phát có thể tăng cao, các nền kinh tế lớn thu hẹp quy mô nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại.

Trong nước, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Đến nay, dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế thích ứng linh hoạt, dần vào quỹ đạo phục hồi.

Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn vẫn còn tiềm ẩn rủi ro, kiểm soát lạm phát gặp khó khăn; nguy cơ bùng phát dịch do các biến chủng mới vẫn hiện hữu. Giá dầu tăng cao tác động tiêu cực đến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển. 

Trong khi đó, tín dụng, nợ xấu, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản có nhiều rủi ro; sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, chi phí đầu vào tăng cao; thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước rất chậm…

Vì vậy, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 8-8,5% (gồm mức dự kiến 6-6,5% theo nghị quyết số 32 và phần tăng thêm 2% nhờ tác động của chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội), Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý nhiều nội dung.

Chính phủ cần tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình phòng chống dịch COVID-19. Kiểm soát lạm phát, duy trì lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; quản lý nợ xấu, có giải pháp căn cơ, bền vững hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh.

Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản; ban hành điều kiện, tiêu chí quản lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp cùng với việc có giải pháp ổn định thị trường, tăng niềm tin của nhà đầu tư.

Chính phủ cần có chính sách bảo đảm cân đối cung – cầu, bình ổn giá cả hàng hóa, nhất là điện, than, xăng dầu, vật tư nông nghiệp và nguyên vật liệu xây dựng.

Đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch. Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; khẩn trương hoàn thiện danh mục dự án của các nguồn vốn đầu tư chưa được phân bổ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ xem xét, quyết định.

Tăng cường quản lý, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; tích cực thu hồi nợ thuế; điều hành chi bám sát dự toán, tiết kiệm, hiệu quả. 

Chủ động kiểm soát, ứng phó với các rủi ro, đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước, bội chi, nợ công; tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.

Trước đó ngày 11-5, tại phiên họp thứ 11, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về nội dung đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022.

Nguồn: tuoitre.vn

Bài viết cùng chủ đề: