Chứng khoán tăng 2 phiên liền, khối ngoại lại đứt mạch mua ròng

Thị trường chứng khoán 27-4 diễn ra không kém phần hồi hộp, ngay từ khi khởi đầu cho đến gần kết thúc phiên chỉ số VN-Index vẫn chìm trong sắc đỏ, nhưng vào cuối phiên lại đảo chiều tăng tốc. Dù vậy khối ngoại đã đảo chiều bán ròng.

Chứng khoán tăng 2 phiên liền, khối ngoại lại đứt mạch mua ròng - Ảnh 1.

Dù tăng liền 2 phiên, nhưng nhiều chuyên gia nhận định thị trường chứng khoán vẫn đang nằm trong xu hướng giảm – Ảnh: BÔNG MAI

Ở phiên giao dịch hôm nay, phần lớn thời gian thị trường chứng khoán rơi vào cảnh “đỏ lửa”, lực bán ra nhiều hơn mua vào. Tuy nhiên cho đến khi gần chốt phiên, nhiều chỉ số chứng khoán chính lại lội ngược dòng, đảo chiều tăng tốc khá tốt.

Trong đó, các cổ phiếu HPG (Tập đoàn Hòa Phát), VCB (Vietcombank), MSN (Masan), GAS (PetroVietnam), CTG (Vietinbank), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), DIG (Đầu tư phát triển xây dựng), STB (Sacombank), BID (BIDV), MBB (MBBank)… nhận được dòng tiền đổ vào mua chiếm ưu thế, nhờ đó đẩy giá cổ phiếu tăng theo.

Cũng trong phiên hôm nay, nhiều thành viên thuộc nhóm cổ phiếu “họ FLC” như FLC (Tập đoàn FLC), ROS (Xây dựng FLC Faros), HAI (Nông dược H.A.I), KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS) và ART (Chứng khoán BOS) trở thành tâm điểm, đồng loạt tăng trần với sắc tím khi chốt phiên. 

Vì bị giảm trong thời gian dài kể từ khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt để điều tra về hành vi thao túng chứng khoán, đến nay nhiều nhà đầu tư vẫn chưa thể “về bờ”, tài khoản chứng khoán bị lỗ đậm do “ôm” cổ phiếu “họ FLC” lúc giá tăng cao.

Dù vậy thị trường vẫn bị kìm hãm đà tăng khi nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn khác bị rớt giá, điển hình trong số đó là VPB (VPBank), VNM (Vinamilk), VRE (Vincom Retail), FPT (FPT), MWG (Thế giới di động), PDR (Phát triển bất động sản Phát Đạt), VND (VNDirect), BVH (Bảo Việt)…

Cũng trong hôm nay, nhiều cổ phiếu ngành phân bón bị nhà đầu tư bán ra, bao gồm các mã như DCM (Đạm Cà Mau), DPM (Đạm Phú Mỹ), BFC (Phân bón Bình Điền)… Nhiều nhà đầu tư cho biết diễn biến này xuất phát từ thông tin Bộ Tài chính đề xuất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón.

Dù thị trường khép lại phiên giao dịch trong sắc xanh, nhưng dựa theo chỉ số ngành có thể thấy dòng tiền được nhà đầu tư đổ vào mua cổ phiếu thuộc một số lĩnh vực nhất định, tạo ra sự phân hóa rõ rệt. 

Theo đó, chỉ số cổ phiếu của ngành nguyên vật liệu, công nghiệp, hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản, tài chính, năng lượng, dịch vụ tiện ích… tăng khá tốt. Điều đối lập lại diễn ra ở cổ phiếu ngành chăm sóc sức khỏe, công nghệ thông tin và hàng tiêu dùng. 

Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index chính thức tăng 12,43 điểm (+0,93%) lên 1.353,77 điểm. Như vậy trong hai phiên hôm qua và hôm nay, chỉ số này đã tăng tổng cộng gần 43 điểm, nhưng vẫn chưa thể bù đắp hết mức giảm mạnh hơn 68 điểm trong phiên 25-4.

Song song đó, chốt phiên cả sàn HNX và sàn UPCoM cũng tăng lần lượt 11,92 điểm (+3,45%) vươn lên mốc 357,09 điểm và nhích nhẹ 0,22 điểm (+0,22%) lên 101,37 điểm.

Đáng chú ý, tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường sụt giảm mạnh chỉ còn hơn 17.270 tỉ đồng, tương đương giảm gần 29% so với phiên hôm qua, đồng thời giảm tới 46% so với phiên đầu tháng. 

Sau sáu phiên mua ròng liên tiếp với tổng giá trị hơn 3.920 tỉ đồng, sang phiên hôm nay khối ngoại đảo chiều bán ròng hơn 270 tỉ đồng.

Đội ngũ phân tích Chứng khoán SSI trước đó cho rằng, quán tính đi lên có thể duy trì và thúc đầy chỉ số VN-Index kiểm lại vùng kháng cự gần 1.350 – 1.365 điểm trong các phiên giao dịch sắp tới. 

Dù vậy, do chỉ số vẫn đang nằm trong xu hướng giảm trung hạn, bên cạnh đó là việc hạn chế giao dịch trước kỳ nghỉ lễ có thể khiến cung gia tăng trở lại từ vùng kháng cự nói trên. Do đó, nhà đầu tư lưu ý không nên mua đuổi tại vùng giá cao trong phiên.

Chứng khoán Mỹ bị bán tháo

Áp lực bán tháo gia tăng khi các nhà đầu tư lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu khi Trung Quốc vẫn áp dụng chiến lược “Zero COVID” và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ thắt chặt mạnh hơn chính sách tiền tệ trong các tháng tới. Đồng thời, dòng tiền cũng trú ẩn an toàn đến đồng USD do lo ngại lạm phát leo thang.

Trong phiên 26-4, nhóm cổ phiếu ngân hàng, công nghệ và hàng tiêu dùng tiếp tục bị bán tháo mạnh, bất chấp lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã điều chỉnh ba phiên liên tiếp. Chỉ số Dow Jones đóng cửa giảm 2,4% với khối lượng giao dịch vẫn cao hơn so với mức khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên.

Với diễn biến trên, phía Chứng khoán Yuanta nhận định rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao và xu hướng ngắn hạn vẫn duy trì ở mức giảm, nên đồ thị giá có thể sẽ tiếp tục đà giảm.

Nguồn: tuoitre.vn

Bài viết cùng chủ đề: