Giá nhiên liệu bay tăng mạnh, lượng khách quốc tế vẫn giảm hơn 88% so với trước dịch Covid-19, trong khi các chi phí cố định liên quan đến thuê máy bay, bảo dưỡng, khấu hao tài sản… vẫn phải duy trì khiến các hãng hàng không vẫn lỗ nặng.
Hành khách làm thủ tục tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Đinh Việt Thắng, cục trưởng Cục Hàng không VN, đã cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ liên quan đến thông tin các hãng bay vẫn lỗ hàng trăm tỉ đồng mỗi tháng, dù lượng khách bay nội địa và giá vé đều tăng mạnh.
Ông Thắng nói: Sản lượng vận chuyển khách quốc tế 6 tháng đầu năm 2022 đã đạt 2,37 triệu lượt, góp phần đưa lượng khách thông qua các sân bay của VN đạt 43,35 triệu lượt, tăng 65,5% so với 6 tháng đầu năm 2021 nhưng giảm 24,6% so với 6 tháng đầu năm 2019. Trong đó, khách nội địa tăng 10,5% nhưng khách quốc tế giảm 88,3%.
* Nhiều hành khách phản ảnh rằng giá vé máy bay nội địa đã tăng quá cao so với 2 năm trước, thưa ông?
– Trước tiên, phải khẳng định rằng giá vé máy bay trên các đường bay nội địa đều nằm trong khung giá vé vận chuyển nội địa được Bộ GTVT ban hành theo quy định của Luật hàng không dân dụng VN. Giá vé trên từng đường bay sẽ theo các dải giá khác nhau trong khung.
Việc xác định tỉ lệ số lượng vé theo từng dải giá được hãng hàng không tính toán tùy thuộc chính sách của hãng và các yếu tố cụ thể liên quan đến chuyến bay đó như ngày bay, thời điểm xuất phát nhưng đảm bảo không vượt quá giá trần theo quy định. Điều đáng nói là dù giá nhiên liệu tăng mạnh, khung giá vé vận chuyển nội địa vẫn chưa có bất kỳ điều chỉnh theo hướng tăng trần như đề nghị của các hãng trong nhiều tháng qua.
Thực tế cho thấy khi giá nhiên liệu bay Jet A1 chỉ ở mức 70 – 80 USD/thùng vào những năm trước, chi phí nhiên liệu chiếm tỉ trọng 28 – 33% trong tổng chi phí của chuyến bay tùy từng hãng. Nhưng với giá nhiên liệu bay luôn ở ngưỡng 160 – 170 USD/thùng thời gian qua, chi phí nhiên liệu đã chiếm tỉ trọng tới trên 40% tổng chi phí của chuyến bay.
* Việc các hãng bay cho rằng giá vé hiện nay chỉ bù đắp được chi phí nhiên liệu có hợp lý không? Các hãng hàng không VN đang lỗ khoảng 100 tỉ đồng/tháng?
– Trong khi thị trường nội địa đã hồi phục hoàn toàn nhưng thị trường quốc tế mới chỉ khai thác trở lại ở mức 10 – 20% so với trước dịch COVID-19, nên đội máy bay của các hãng vẫn chưa được khai thác hết. Tuy nhiên, các chi phí cố định liên quan đến thuê máy bay, bảo dưỡng, khấu hao tài sản… vẫn phải duy trì.
Do đó, chi phí cố định trung bình/giờ bay tăng vọt so với trước dịch, nhất là những hãng có đội máy bay lớn, mạng bay quốc tế trước dịch rộng khắp. Cho nên khi hạch toán chi phí chung toàn mạng đường bay, các hãng bay cho rằng doanh thu chung chỉ bù đắp chi phí nhiên liệu là tương đối phù hợp.
Trong thực tế, việc các hãng tiếp tục lỗ và mức lỗ khoảng 100 tỉ đồng/tháng là khiêm tốn trong bối cảnh chưa khai thác hết đội bay, mạng bay quốc tế chưa khôi phục được và giá nhiên liệu bay Jet A1 ở mức rất cao, lên đến hơn 160 USD/thùng.
* Nếu được tăng trần giá vé máy bay nội địa, liệu có tình trạng các hãng thỏa hiệp bán vé sát trần, khan hiếm vé giá rẻ hay không?
– Mức giá tối đa dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa đang áp dụng đã được ban hành từ năm 2015 khi giá nhiên liệu bay Jet A1 ở mức khoảng 60 USD/thùng, trên cơ sở điều chỉnh mức giá ban hành năm 2014.
Cho đến nay, giá Jet A1 đã vượt ngưỡng 150 USD/thùng, trên cơ sở báo cáo và đề nghị của các hãng hàng không, Cục Hàng không VN đã đề xuất, báo cáo Bộ GTVT việc điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa về mức quy định tại thời điểm năm 2014, khi giá nhiên liệu vào khoảng 80 USD/thùng.
Theo quy định của Luật hàng không dân dụng VN, Nhà nước chỉ quy định khung giá vận chuyển nội địa, các hãng hàng không chủ động đánh giá, xây dựng mức giá cũng như tỉ trọng số lượng vé theo từng mức giá trong khung, phù hợp với chính sách của hãng hàng không đối với từng đường bay, từng giai đoạn áp dụng nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Việc xác định tỉ trọng theo từng mức giá hoàn toàn do thị trường quyết định. Trong thực tế, nhiều đường bay phục vụ kinh tế – xã hội hoặc chuyến bay vào khung giờ không thuận tiện cho khách du lịch (quá sớm hoặc quá muộn) vẫn luôn còn nhiều vé ở mức giá thấp dù gần đến ngày bay.
* TS Lương Hoài Nam (chuyên gia hàng không): Không nên cào bằng
Với giá nhiên liệu bay tăng cao như hiện nay, chắc chắn các hãng bay đều lỗ do số chuyến bay và hành khách quốc tế chưa đáng kể. Sáu tháng đầu năm nay mới chỉ có 2,4 triệu du khách quốc tế tới VN, quá khiêm tốn so với con số trung bình 1,5 triệu khách quốc tế đến VN mỗi tháng trước khi có dịch.
Do tần suất khai thác và lượng khách quốc tế rất thấp, 1/3 đội bay của các hãng hàng không VN vẫn nằm đất. Các hãng hàng không đều hạch toán trên đường bay nhưng đội bay và năng lực sản xuất tính trên toàn mạng bay. Bây giờ 1/3 đội bay đang nằm đất không khai thác được, đương nhiên các hãng hàng không sẽ bị lỗ.
Việc vẫn áp giá trần giá vé bay được xây dựng trên cơ sở giá nhiên liệu bay Jet A1 60 USD/thùng từ năm 2015, trong khi giá Jet A1 đã lên 162,5 USD/thùng là bất hợp lý. Đây là vấn đề chung chứ không chỉ riêng hàng không khi vận tải mặt đất cũng “ăn đòn” vì giá xăng dầu. Có người lo ngại việc bỏ giá trần, các hãng đều bán vé giá cao dịp cao điểm. Nhưng đó là kinh tế thị trường. Ngoài giờ cao điểm vẫn có giá vé máy bay thấp hơn.
Dịp Tết và cao điểm hè, các hãng bán vé giá cao hơn trong năm hay thời gian dịch COVID-19 mới là kinh tế thị trường, chứ cào bằng là không phù hợp. Nếu không nới hoặc bỏ giá trần, phải cho các hãng hàng không phụ thu nhiên liệu.
* PGS.TS Nguyễn Hồng Thái (Trường đại học GTVT): Cân nhắc mức tăng hợp lý
Giá trần vé máy bay nội địa được xây dựng vào năm 2015 khi giá nhiên liệu Jet A1 ở mức 60 USD/thùng, cần có phương án điều chỉnh phù hợp khi giá Jet A1 tăng hơn gấp đôi. Nếu không nới giá trần, Nhà nước có thể hỗ trợ thuế phí với nhiên liệu. Một số nước đang giảm thuế phí hoặc dùng quỹ bình ổn giá trong giai đoạn này.
Theo tôi, nếu điều chỉnh giá trần vé máy bay nội địa, nên cân nhắc đưa ra mức giá hợp lý khi người dân đang chịu sức ép rất lớn do nhiều chi phí tăng mà thu nhập không tăng. Nếu giá trần tăng bất hợp lý sẽ lợi bất cập hại. Các hãng hàng không kinh doanh cần lợi nhuận nhưng đẩy mức giá cao quá khả năng chi trả của người dân sẽ khiến hành khách giảm sút, doanh nghiệp hàng không sẽ giảm thu nhập và ảnh hưởng sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Nguồn: tuoitre.vn