Sau nhiều tháng lao dốc, đến nay nhiều cổ phiếu “họ FLC” đã bị rớt xuống quanh giá 2.000 đồng/cổ phiếu, tương đương giảm 85-90% giá trị kể từ khi ông Trịnh Văn Quyết “bán chui” cổ phiếu và bị bắt giam.
Mã ROS và nhiều cổ phiếu khác thuộc “họ FLC” giảm sàn xuống sát giá 2.000 đồng trong phiên 17-6 – Ảnh: B.MAI
Thị trường chứng khoán chìm trong “chảo lửa” ở phiên giao dịch hôm nay 17-6. Có lúc chỉ số VN-Index giảm gần 45 điểm, nhưng sau đó rút ngắn mức giảm hơn một nửa, nhờ dòng tiền đổ vào mua cổ phiếu rớt giá.
Trong lúc thị trường chung lao dốc, tình hình càng không khả quan đối với các cổ phiếu “họ FLC”, khi hai màu đỏ (giảm giá) và xanh lam (giảm kịch sàn) liên tục đeo bám nhiều tháng qua, trong phiên giao dịch hôm nay cũng không ngoại lệ. Điểm chung của “họ FLC” là sau nhiều phiên giảm giá, đến nay giá trị chỉ còn xấp xỉ 2.000 đồng/cổ phiếu.
“Em sắp gượng hết nổi rồi” – một nhà đầu tư chia sẻ trong nhóm quy tụ hơn 30.000 thành viên quan tâm đến các cổ phiếu thuộc “rổ FLC”.
Là một nhà đầu tư mới chỉ mới tham gia thị trường, trót “ôm” cổ phiếu ROS (Xây dựng FLC Faros), chị Trần T.H. (nhà đầu tư ở TP.HCM) không khỏi chua xót: “Không mua vào vùng đỉnh, nhưng tài khoản của tôi cũng bị lỗ hơn 47% rồi. Bây giờ nhìn thấy màu xanh lam mình cũng nổi gai ốc. Hồi trước cổ phiếu còn ở trên giá 10.000 đồng có người nói rớt xuống 3.000 thì mua, giờ rớt xuống 2.000 rồi, ai dám mua?”.
Trải qua phiên giảm sàn hôm nay, mã ROS đã bị rớt xuống giá 2.370 đồng/cổ phiếu, tương đương giảm tới 85% so với mốc đỉnh (16.000 đồng/cổ phiếu) lập vào hồi đầu năm (ngày 7-1), gần sát thời gian ông Trịnh Văn Quyết – cựu chủ tịch Tập đoàn FLC – “bán chui” cổ phiếu.
Thông tin thêm, ở thời kỳ “hoàng kim” mã ROS từng đạt đỉnh 214.000 đồng/cổ phiếu (tháng 11-2017), góp công lớn giúp ông Quyết vươn lên vị trí tỉ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt. Nhưng sang giữa năm 2020 mã này cũng lao về đáy 2.000 đồng.
Liên tục đặt bán giá sàn nhưng phần lớn thành viên trên thị trường chứng khoán đều không dám nhảy vào mua, nên trong phiên hôm nay, nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp khác liên quan đến ông Quyết cũng chịu chung số phận giảm giá, tiếp tục đi tìm đáy.
Trong đó cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC hiện rơi xuống giá 3.920 đồng, giảm 83% so với mốc đỉnh hồi đầu năm (22.550 đồng). Tình cảnh giá cổ phiếu bị giảm mạnh cũng diễn ra ở chứng khoán BOS (mã ART, 4.600 đồng/cổ phiếu), Công ty CP đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS (mã KLF, giá 3.200 đồng/cổ phiếu), Công ty CP đầu tư và khoáng sản FLC Stone (mã AMD, giá 2.610 đồng/cổ phiếu) và Công ty CP nông dược H.A.I (mã HAI, giá 2.090 đồng/cổ phiếu).
Trong một diễn biến liên quan, sức mua của các mã FLC, ROS và HAI ngày càng suy yếu, sau khi bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đưa vào diện “hạn chế giao dịch” từ đầu tháng 6 – tức không còn được mua bán vào phiên sáng mà chỉ được giao dịch vào phiên chiều, do doanh nghiệp chậm trễ công bố thông tin báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán.
Vào chiều tối qua, ông Quách Thành Đồng – tổng giám đốc của Nông dược H.A.I – cũng đã đưa ra lý do trì hoãn: Tổ chức kiểm toán thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 cho công ty đang bị đình chỉ tư cách công ty kiểm toán theo quyết định của Ủy ban Chứng khoán nhà nước.
Để khắc phục tình trạng hạn chế giao dịch, phía doanh nghiệp cho hay đang nỗ lực làm việc với các đơn vị kiểm toán khác để ký kết hợp đồng, thực hiện kiểm toán, dự kiến hoàn thành công việc trước ngày 31-8 tới.
Trước đó Nông dược H.A.I cũng tự công bố lại báo cáo tài chính quý cuối cùng của năm 2021, điều chỉnh số liệu từ lỗ 1,5 tỉ đồng sang lỗ hơn 672 tỉ đồng. Điều này cũng dẫn đến khoản lợi nhuận sau thuế cả năm qua âm hơn 664 tỉ đồng – mức lỗ sâu nhất từ trước đến nay.
Chưa nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2021, trước lý do kể trên, doanh nghiệp này cũng từng liên tục đưa ra nhiều lý do, như: Trong quá trình lập báo cáo tài chính thấy có một số hạng mục phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng dịch COVID-19, nên cần thêm thời gian đánh giá lại, cả đơn vị kiểm toán độc lập và nhân sự kế toán của công ty đều bị nhiễm COVID-19 trong giai đoạn chốt báo cáo, hay chưa khắc phục xong sự cố về hệ thống lưu trữ…
Riêng báo cáo tài chính quý đầu năm 2022, Nông dược H.A.I cũng lần lữa nộp chậm với lý do hệ thống lưu trữ dữ liệu và phần mềm kế toán gặp sự cố.
Nguồn: tuoitre.vn