Hàng loạt cổ phiếu ngành thép bị đặt lệnh bán, giảm sàn trong phiên chiều 24-5. Phản ứng diễn ra sau khi ‘tỉ phú thép’ Trần Đình Long chia sẻ: ‘Mọi người sẽ thấy kết quả kinh doanh thê thảm như thế nào vì ngành thép không thuận lợi’.
Mặc dù chỉ số chứng khoán của thị trường chung đảo chiều tăng điểm vào cuối phiên 24-5, nhưng giá cổ phiếu ngành thép vẫn bị giảm mạnh – Ảnh: BÔNG MAI
Trong lúc nhiều nhà đầu tư vẫn nuôi hy vọng thị trường sẽ hồi phục tăng điểm, sang phiên giao dịch chiều 24-5, tình hình lại không khả quan, hàng loạt cổ phiếu ngành thép bị đồng loạt đặt lệnh bán ra, kéo thị trường chung bị vạ lây.
Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát đứng đầu danh sách gây tác động tiêu cực đến chỉ số VN-Index, với lực bán ào ạt, rơi xuống giá 34.900 đồng/cổ phiếu (-5,03%), cách xa đỉnh kỷ lục 58.000 đồng/cổ phiếu (28-10-2021). Chỉ mới hôm qua, HPG cũng là mã bị khối tự doanh của công ty chứng khoán bán ròng mạnh nhất trong ngày.
Bên cạnh đó, trong phiên hôm nay nhiều mã khác thuộc ngành thép cũng bị nhà đầu tư bán ra, như HSG (Tập đoàn Hoa Sen), TLH (Tập đoàn Thép Tiến Lên), NKG (Thép Nam Kim), POM (Thép Pomina), VCA (Thép Vicasa), VGS (Ống thép Việt Đức), SMC (Đầu tư thương mại SMC)…
Ở một diễn biến liên quan, tại đại hội cổ đông thường niên 2022 vừa diễn ra, ông Trần Đình Long – chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát – bày tỏ “tâm trạng rất buồn”, vì có nhà đầu tư đòi hỏi phải chia hết lợi nhuận và cho rằng việc phát hành cổ tức bằng cổ phiếu của doanh nghiệp là “giấy lộn”.
Dù cho rằng “cổ phiếu Hòa Phát mua đường dài không thể lỗ được”, nhưng ông Long cũng nhìn nhận thực tế ngành thép đang không thuận lợi do ảnh hưởng cuộc chiến Nga – Ukraine, chính sách Zero COVID-19 của Trung Quốc và thị trường xuất khẩu không ổn định.
“Hòa Phát chỉ là tế bào trong nền kinh tế, mọi người hãy đợi kết quả kinh doanh quý 2, quý 3 và quý 4, tôi nghĩ kế hoạch kinh doanh năm nay sẽ khó. Mọi người sẽ thấy kết quả kinh doanh thê thảm như thế nào vì ngành thép không thuận lợi. Tất nhiên trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào Hòa Phát cũng cố gắng làm tốt nhất”.
Ở thị trường chung, phiên giao dịch hôm nay cũng bị áp lực không nhỏ từ việc nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn khác bị bán ra, nổi bật là HVN (Vietnam Airlines), PGV (Phát điện 3), SSB (Ngân hàng Đông Nam Á), KHD (Nhà Khang Điền), HPX (Đầu tư Hải Phát), VCF (Vinacafé Biên Hòa), PLX (Petrolimex)…
Dù vậy, thị trường vẫn được nâng đỡ khi nhà đầu tư vẫn đổ tiền mua vào nhiều cổ phiếu khác như MSN (Masan), VNM (Vinamilk), GAS (PetroVietnam Gas), DGC (Hóa chất Đức Giang)…
Ngoài ra, hàng loạt cổ phiếu ngành ngân hàng cũng được đón dòng tiền mua vào như VCB (Vietcombank), CTG (VietinBank), STB (Sacombank), VPB (VPBank), MBB (MBBank)…
Dựa vào chỉ số tăng trưởng, hôm nay chỉ riêng ngành nguyên vật liệu và năng lượng bị rớt xuống mức âm. Còn lại các ngành khác như công nghiệp, công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng tiêu dùng, tài chính… đều tăng.
Mặc dù bị áp lực bởi cổ phiếu ngành thép, nhưng đến gần cuối phiên thị trường chứng khoán đã đảo chiều tăng lại. Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số chứng khoán VN-Index tăng 14,57 điểm (+1,2%), tiến lên mốc 1.233,38 điểm.
Tổng lượng tiền giao dịch mua bán cổ phiếu trên sàn HoSE tiếp tục bị sụt giảm mạnh, nằm mức gần 13.416 tỉ đồng, tương đương giảm hơn 51% so với mức bình quân của tháng đầu năm nay (27.569 tỉ đồng).
Chỉ số của sàn HNX và sàn UPCoM cũng đón nhận sắc xanh, lần lượt tăng 5,3 điểm (+1,76%) lên 305,96 điểm và 0,51 điểm (+0,54%) lên 93,12 điểm.
Tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường vẫn nằm ở mức thấp với xấp xỉ 16.130 tỉ đồng, cách xa mức thanh khoản 1-2 tỉ USD hồi đầu năm.
Điểm sáng trong ngày là sau ba phiên liên tiếp bán ròng với tổng giá trị lên tới 830 tỉ đồng, sang phiên hôm nay nhà đầu tư nước ngoài đã đảo chiều mua ròng xấp xỉ 225 tỉ đồng.
Nguồn: tuoitre.vn