Trước phản ánh về việc hàng loạt cửa hàng xăng dầu rủ nhau nghỉ bán và có nguy cơ phải đóng cửa, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan để bàn giải pháp.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì họp về điều hành xăng dầu – Ảnh: N.K.
Ngày 26-8, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì họp khẩn với các đơn vị liên quan về điều hành xăng dầu.
Bộ trưởng nhấn mạnh thị trường xăng dầu của Việt Nam được đánh giá là ổn định hơn so với tất cả các nước trong khu vực và thế giới, đặc biệt ngay cả trong lúc khó khăn nhất của thế giới cũng chưa khi nào thiếu nguồn cung.
Không thiếu nguồn cung, kêu thiếu là phi lý
Giá xăng dầu cũng cơ bản giữ được mức ổn định và luôn thấp hơn so với khu vực và thế giới, nhờ sử dụng tốt các công cụ quản lý giá như: điều tiết các khoản thuế phù hợp, điều chỉnh thuế về bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả quỹ bình ổn xăng dầu.
Với 5 kỳ điều hành gần đây, do giá xăng dầu thế giới giảm dần, cùng với việc giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu MFN với xăng dầu, nên giá xăng dầu trong nước giảm. Theo ông Diên, đây là thành quả lớn, thể hiện đúng đắn chủ trương, nỗ lực của doanh nghiệp, góp phần làm cho thị trường xăng dầu ổn định, nguồn cung không đứt gãy, giá cả hợp lý.
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Công thương cho biết mấy ngày gần đây, đặc biệt sau khi buộc phải tạm đình chỉ hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu của một số doanh nghiệp, lại xuất hiện những thông tin trên mạng xã hội, một số địa phương, thậm chí cả các cơ quan quản lý cho đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phản ánh bị thiếu hụt nguồn cung.
Lý do là một số doanh nghiệp vừa qua đã bị tạm thời tước giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu dẫn tới thiếu nguồn cung. Thêm nữa, các đơn vị kinh doanh cho rằng do chiết khấu bằng không nên không có nguồn và người bán lẻ, người kinh doanh càng bán càng lỗ.
Bộ trưởng cho rằng đây là điều hết sức không bình thường vì giá có xu hướng giảm, do xu thế của thế giới giảm nhưng nguyên nhân chính là do Chính phủ và các bộ ngành đã chỉ đạo sử dụng các công cụ thuế và quỹ bình ổn để điều tiết giá xăng dầu.
“Trong lúc giảm mà lại bảo thiếu nguồn cung. Thế giới đang cần bán, bán với giá rẻ, Việt Nam thì giảm thuế nên giá cũng rẻ. Như vậy, nguồn cung của thế giới nay đang dồi dào, nguồn cung trong nước lúc này cũng không thiếu. Vậy nhưng lại có thông tin cho rằng đang đứt gãy nguồn cung thì hết sức phi lý” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Những doanh nghiệp bị tạm đình chỉ, theo ông Diên, “chưa phải là tất cả” và chỉ tạm đình chỉ trong thời gian một tháng rưỡi, hai tháng, đã thực hiện trong thời gian qua, nhưng việc “rộ lên thông tin thiếu nguồn cung” trong những ngày gần đây, thì cần phân biệt rạch ròi thông tin.
“Từ tháng 4 bộ đã chủ động giao tăng thêm cho những doanh nghiệp nhập khẩu để cung ứng đầy đủ với lượng tăng thêm 25%, cùng với hai nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn thì đến thời điểm này cho đến hết năm không bao giờ thiếu nguồn cung. Nếu có thiếu rõ ràng đó là những hiện tượng không bình thường và cần phải xử lý” – bộ trưởng nhấn mạnh.
Hiệp hội kêu vấn đề chiết khấu
Làm rõ hơn về tình hình cung ứng xăng, dầu trong nước, thông tin tại cuộc họp, ông Trần Duy Đông – vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương – cho biết, hiện nguồn cung xăng, dầu trong nước đang đáp ứng khoảng 75-80% nhu cầu thị trường, còn lại là nhập khẩu.
Về sản xuất, theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, kế hoạch sản xuất xăng, dầu của 2 nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn quý 3 dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu, tương đương khoảng 1,3 triệu m3/tháng) và quý 4 dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu, tương đương khoảng 1,46 triệu m3/tháng).
Về cơ bản lượng sản xuất trên theo kế hoạch đã đưa ra để cân đối cung cầu từ đầu năm 2022 và đã được phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu trong nước để bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
Hiện 2 nhà máy đều đang vận hành ở công suất tối đa. “Với nguồn cung xăng, dầu như trên, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước” – ông Trần Duy Đông khẳng định.
Chia sẻ tại cuộc họp, ông Bùi Ngọc Bảo, chủ tịch Hiệp hội Xăng, dầu Việt Nam, cho biết, qua kiểm tra các đầu mối, hiệp hội đánh giá tổng nguồn cung bảo đảm phục vụ thị trường trong nước. Tuy nhiên, vấn đề nổi lên hiện nay là mức chiết khấu của các thương nhân đầu mối với cửa hàng bán lẻ xăng, dầu.
Nguồn: tuoitre.vn