Dù giá xăng dầu đã giảm khoảng 22% so với mức đỉnh tháng 6-2022, nhiều doanh nghiệp thừa nhận phải hạ giá cước vận chuyển nhưng vẫn cần có độ trễ, không thể giảm một mạch theo tỉ lệ giảm của giá xăng dầu.
Giá xăng giảm mạnh, doanh nghiệp vận tải rục rịch giảm giá cước – Ảnh: C.TRUNG
15h chiều 11-8, giá xăng RON95-III tiếp tục giảm 940 đồng/lít, xuống mức 24.660 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel 0.05S giảm 1.000 đồng/lít, về 22.900 đồng/lít. Đây là lần thứ 5 liên tiếp giá xăng dầu “hạ nhiệt”, tương ứng với mức giảm khoảng 22% so với đỉnh vào tháng 6-2022.
Tuy nhiên, khảo sát của chúng tôi cho thấy nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa và chở khách vẫn đang “tính toán” để giảm 6 – 12% so với đợt tăng giá tháng 5-2022, dự kiến áp dụng từ tuần sau. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp vận tải vẫn duy trì mức cước cao với lý do để bù lỗ cho thời điểm khó khăn.
Ông Thanh Khôi, Hãng xe A.T chạy tuyến Đà Nẵng – TP.HCM với số lượng 4 chuyến/ngày, cho biết tuy giá xăng dầu giảm, doanh thu tăng nhưng lợi nhuận chưa bù đắp thiệt hại trong quá trình ảnh hưởng dịch bệnh.
Hơn nữa, số lượng ghế trên xe vẫn chưa lấp đầy được 100%, có thời điểm chạy từ Đà Nẵng vào TP.HCM chỉ với khoảng 20 khách, số giường nằm còn trống 12 chỗ.
Từ chỗ phải chi từ 25 – 26 triệu đồng (tiền dầu, phí cầu đường, lương của tài xế, phụ xe, nhân viên ở hai đầu bến…), nhờ giá xăng dầu giảm, chi phí này đã giảm về khoảng 21 triệu đồng, nhưng vẫn còn khá cao.
“Giá vé hồi tháng 5-2022 là 450.000 đồng/khách, cơm ăn 2 bữa nhưng giờ đã giảm còn 400.000 đồng. Chúng tôi giảm giá vé nhưng tiền ăn uống ở các điểm đến, chi phí bến bãi, cầu đường đâu có giảm”, ông Khôi nói.
Trong khi nhiều nhà xe vận tải hành khách chủ động đăng ký giảm giá vé, một số doanh nghiệp vận tải hành khách chưa có động thái giảm giá cước.
Chẳng hạn, nhà xe T.B hoạt động tại bến xe Miền Đông vẫn giữ mức 400.000 đồng/vé với tuyến TP.HCM – Kon Tum như tại thời điểm giá xăng dầu ở mức đỉnh, dù trước đó doanh nghiệp này tăng giá lên mức này với lý do giá xăng dầu quá cao.
Ông Trần Văn Thành, tổng giám đốc Công ty vận chuyển Á Châu, cho hay đã làm việc với đối tác để thống nhất giảm giá cước theo tỉ lệ giá xăng dầu.
“Lúc khó khăn, đối tác đồng ý tăng giá cước, giờ giá giảm phải hạ giá. Trong hợp đồng ký kết có điều khoản giá xăng dầu tăng giảm 10% sẽ tự động điều chỉnh giá trong khi mức giảm đã hơn 20% nên chắc chắn phải điều chỉnh giá”, ông Thành nói.
Theo ông Trần Nguyễn Lê Văn – CEO Vexere, sàn thương mại có hơn 600 hãng xe khách tham gia, giá xăng dầu giảm mạnh, các doanh nghiệp vận tải cũng nhẹ gánh về mặt chi phí. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu giảm giá vé với các mức khác nhau.
“Trước đó, có doanh nghiệp xin tăng giá vé nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp không tăng nên việc điều chỉnh giá hiện nay vẫn còn chưa rõ nét ở tất cả doanh nghiệp”, ông Văn nói.
Trong khi nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hóa đang tính toán các phương án giảm giá cước phù hợp với đà giảm giá xăng dầu, các app gọi xe công nghệ vẫn “án binh bất động”. Chiều 11-8, trao đổi với Tuổi Trẻ, các app vẫn cho biết “đang tính toán, khi có điều chỉnh sẽ báo sau”.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền – chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, dù thủ tục điều chỉnh giá cước khá phức tạp nhưng các doanh nghiệp vận tải nên sớm điều chỉnh giá cước cho phù hợp với mức giảm giá xăng dầu.
“Đã hoạt động theo thị trường phải có sự phản ứng, điều chỉnh theo thị trường cho hợp lý, vừa thể hiện sự sòng phẳng vừa tôn trọng khách hàng”, ông Quyền nói.
Nguồn: tuoitre.vn