Chuyện giá vàng cao được nêu ra tại phiên chất vấn của Quốc hội. Chính phủ trong nghị quyết tháng 5-2022 yêu cầu quản lý chặt thị trường vàng theo nghị định 24, trường hợp cần thiết sẽ sửa đổi quy định.
Câu chuyện vàng chưa khép vì chênh lệch giá quá lớn. Giả sử, Ngân hàng Nhà nước cho nhập vàng, giá vàng còn trên 50 triệu đồng/lượng, ai được lợi?
Lâu nay, câu chuyện giá vàng luôn gắn với nghi vấn có “lợi ích nhóm”. Nhưng nói lợi ích nhóm không hẳn là xấu, mà còn tùy thuộc tích cực và tiêu cực. Chẳng hạn, thị trường vàng được liên thông, có lợi cho người mua vàng nhưng bất lợi cho người bán vàng.
Còn như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước không chi ngoại tệ nhập vàng, dành để tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, không còn “vàng hóa”, nhưng giá vàng vênh lớn với thế giới, đổi lại giá cả không trồi sụt theo vàng và USD – đó là lợi ích nhóm tích cực cho nền kinh tế, nhưng “tiêu cực” với thiểu số người còn thói quen mua vàng.
Cũng có người đặt vấn đề giá vàng trong nước đắt hơn 30% so với thế giới, cứ thế này các công ty kinh doanh vàng và nhóm buôn lậu hưởng lợi, đó là lợi ích nhóm tiêu cực… Nhưng đó chỉ là đặt vấn đề dựa trên hiện tượng, chưa chỉ ra được “tác giả” của lợi ích nhóm tiêu cực.
Trong bối cảnh này, thay đổi cách quản lý thị trường vàng phù hợp với tình hình mới là một yêu cầu. Nhưng sửa thế nào phải cân nhắc, không khéo lại nảy sinh câu hỏi có lợi ích nhóm?
Có chuyên gia phân tích, ngay lúc này mà cho nhập khẩu để kéo giảm giá vàng, từ gần 70 triệu còn 50 triệu đồng/lượng, không khéo lại giúp một số công ty kinh doanh vàng miếng “cười mỉm”. Nếu giá vàng trong nước sát với thế giới, ai cũng thấy có lợi cho người mua vàng sau này, tất nhiên người đã mua giá cao phải… ngậm ngùi.
Nhưng sâu xa, hưởng lợi lớn nhất lại là một số công ty bán vàng miếng không phải thương hiệu SJC. Vì sao? Thời gian qua, họ đã bán vàng miếng thương hiệu của mình “ăn theo” giá SJC với cam kết sẽ thu lại theo giá mua của SJC.
Miếng vàng của họ giá chỉ trên 50 triệu nhưng nhờ “ăn theo” vàng SJC nên bán được giá trên 65 triệu đồng/lượng, lãi thêm 15 triệu đồng/lượng.
Có chuyên gia tính, nếu thực hiện đúng cam kết mua lại ngang giá SJC, có doanh nghiệp phải chi ra 180 tỉ đồng để mua lại hết số vàng miếng không phải SJC mà họ đã bán ra.
Cho nhập vàng, giá vàng SJC không còn chênh so với thế giới, lúc đó doanh nghiệp này phủi tay, hưởng trọn 180 tỉ đồng. Sẽ không quá khi nói rằng một số doanh nghiệp vàng đang mong muốn cho nhập để “đánh úp” giá vàng…
Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải quản lý thị trường vàng theo nghị định 24, đồng thời rà soát, nếu cần phải sửa quy định về thị trường vàng. Quản lý thị trường vàng theo nguyên tắc thị trường là mục tiêu phải hướng đến.
Nhưng chữa thế nào không nên nhìn vào vài lát cắt, vài đối tượng… mà phải xét tổng thể, lâu dài, tính trên “lợi ích nhóm” lớn nhất là nền kinh tế.
Cho nhập vàng trở lại thì nền kinh tế được gì? Một số ít người dân còn thói quen giữ vàng, nhưng với lạm phát và nền kinh tế như hiện nay, mua vàng cất giữ còn phù hợp như vài chục năm trước?
Việt Nam phải tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, dùng ngoại tệ nhập vàng để người dân mua cất giữ hay vàng lại chảy ngược qua biên giới như đã xảy ra nhiều năm qua…? Tất cả phải cân nhắc, đong đếm, đừng vội vã, để tránh “vàng hóa” nền kinh tế trở lại hay có lợi cho một số thiểu số.
Nguồn: tuoitre.vn