Dù giá vé máy bay nội địa tăng từng ngày, giá vé nhiều đường bay đã tăng cao hơn so với thời điểm trước dịch COVID-19, nhưng các hãng bay vẫn đề nghị nới giá trần, thậm chí bỏ giá trần vé máy bay với lý do giá nhiên liệu tăng cao.
Nhiều hãng bay đã đề nghị nới giá trần vé máy bay do giá nhiên liệu tăng – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo các hãng bay, việc điều chỉnh khung giá vận chuyển khách nội địa không đồng nghĩa đồng loạt tăng giá vé, mà hỗ trợ cho hãng có cơ chế linh hoạt, giãn biên độ dải vé để phù hợp với cung cầu thị trường.
Giá vé máy bay tăng chóng mặt
Vé máy bay khứ hồi Hà Nội – TP.HCM hạng phổ thông đang dao động 3 – 5 triệu đồng/vé và giá vé hạng thương gia là 8 – 17 triệu đồng, tăng 20 – 50% so với thời điểm vắng khách do dịch COVID-19.
Thậm chí, giá vé máy bay trên đường bay đến các điểm du lịch như TP.HCM – Phú Quốc (Kiên Giang), Hà Nội – Đà Nẵng… thay đổi từng giờ, khách hàng khó lòng tìm được vé giá rẻ dù chấp nhận bay sáng sớm hoặc đêm khuya.
Việc giá vé thay đổi theo giờ, có nhiều đường bay giá vé tăng thêm khoảng 500.000 đồng chỉ sau vài tiếng, dù hàng không tăng tải để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, thậm chí tăng hàng ngàn chuyến trong dịp lễ vừa qua, khiến cho sự phục hồi ngành du lịch bị đe dọa. Nhiều khách hàng cho rằng các hãng hàng không đã “té nước theo mưa” để tăng doanh thu, “lấy lại những gì đã mất” trong thời điểm có dịch COVID-19.
Theo các hãng hàng không, trong mỗi chuyến bay, các hãng thường phân bổ 10 – 12 dải vé với giá bán từ thấp tới cao. Việc xây dựng giá vé dựa trên nhu cầu, giá nhiên liệu… Tuy nhiên, ngành hàng không đang đối mặt với chi phí giá nhiên liệu từ 70 – 80 USD/thùng tăng dựng đứng lên 130 USD/thùng, thậm chí ngày 28-6 chạm mốc 162 USD/thùng, đẩy chi phí của hãng tăng thêm hàng ngàn tỉ đồng. Doanh nghiệp bị áp lực giá xăng dầu, bay càng nhiều chưa chắc đã có lãi.
Ngoài chuyện giá nhiên liệu leo thang, một cán bộ thương mại hãng bay nội địa lý giải giá vé tăng cao là do cung cầu của thị trường. Khách đi lại dịp hè bùng nổ khiến nhu cầu mua vé trong giai đoạn từ tháng 6 đến giữa tháng 8 rất lớn. Trong khi đó, các hãng hàng không đều có nhiều dải vé, khách mua sớm từ 2 – 3 tháng trước giá khoảng 1 triệu đồng/vé nhưng người đi cùng chuyến bay lại mua sau nên có giá 1,7 – 2 triệu đồng/vé.
Khách mua càng sớm, giá tốt hơn khách mua sát ngày bay. Nếu mua vé bay cho các chặng TP.HCM – Phú Quốc, TP.HCM – Đà Nẵng bay trong khoảng từ tháng 9 đến tháng 11-2022, giá vé chỉ còn một nửa so với mức giá 1,2 triệu đồng/vé như hiện nay. “Ngoài chi phí nhiên liệu quá cao, giá vé bay tăng giảm còn do cung cầu. Tuy nhiên đến nay, giá vé của các hãng bay vẫn chưa chạm trần, chưa vượt quá ngưỡng mà Nhà nước cho phép”, vị này nói.
Nhiên liệu “ăn” hết lợi nhuận?
Dù lượng khách và giá vé bay tăng cao, trong 6 hãng hàng không nội địa hiện nay (Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines và Vasco) chỉ có duy nhất Vietjet báo lãi. Cụ thể, trong quý 1-2022, Vietjet đạt doanh thu hợp nhất là 4.522 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 244 tỉ đồng, lần lượt tăng 12% và 98% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, Vietjet kinh doanh có lãi chủ yếu nhờ hoạt động đầu tư tài chính bù đắp lên đến 1.160 tỉ đồng, trong khi mảng cốt lõi tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn khiến lỗ gộp tới gần 257 tỉ đồng. Theo các chuyên gia, giá nhiên liệu tăng cao trong những tháng gần đây khiến mức lỗ của hãng bay càng thêm trầm trọng đối với hàng không, đặc biệt là Vietnam Airlines.
Ông Trịnh Hồng Quang, phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết mỗi khi giá nhiên liệu tăng lên 1 USD/thùng, hãng lại phát sinh chi phí nhiên liệu thêm 12 tỉ đồng. Vào thời điểm năm 2019, chi phí xăng dầu chiếm 28 – 29% tổng chi phí của Vietnam Airlines, tỉ lệ này đã tăng lên 38 – 40% tại thời điểm hiện nay. Nếu giá nhiên liệu vẫn giữ ở mức 150 – 156 USD/thùng đến cuối năm 2022, chi phí phát sinh của hãng dự kiến khoảng 8.000 tỉ đồng.
Do đó, theo ông Quang, Vietnam Airlines và các hãng khác mong muốn cơ quan chức năng nới giá trần, thậm chí bỏ giá trần để vận hành theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp sẽ tự cân nhắc điều chỉnh mức giá “lời ăn lỗ chịu”. Theo các hãng bay, việc “cởi trói” giá trần sẽ giúp hãng bay linh động điều chỉnh mức giá vé máy bay theo yếu tố đầu vào, thậm chí chủ động thay đổi kịp thời mỗi khi giá nhiên liệu biến động.
Ông Vũ Đức Biên, tổng giám đốc Vietravel Airlines, khẳng định “kịch bản” các hãng bắt tay tăng giá khó xảy ra vì doanh nghiệp phải cạnh tranh thu hút khách hàng bằng chất lượng và giá cả dịch vụ, trong đó có giá vé máy bay. “Nếu đẩy vé giá cao, khách đã không bay, hãng cũng khó mà tồn tại. Tôi cho rằng sẽ không có chuyện hãng bay cùng nhau tăng giá”, ông Biên nói.
Cân nhắc điều chỉnh giá trần
Cục Hàng không Việt Nam vừa tiếp tục đề xuất nới lỏng giá trần vé máy bay để các hãng hàng không có thể linh hoạt giá vé bù đắp chi phí. Trước đó 2 tháng, cơ quan này cũng đã đề xuất nới giá trần, với mức tăng giá trần thấp nhất là 50.000 đồng/vé cho chặng ngắn (đường bay 500 – 850km) và cao nhất là 250.000 đồng/vé (chặng bay từ 1.280km trở lên).
Theo TS Lê Đăng Doanh, nên điều chỉnh giá trần cho phù hợp với diễn biến của thị trường xăng dầu. Nếu nhìn ở góc độ cạnh tranh, hãng nào đưa ra dịch vụ tốt nhất với giá tốt nhất, hãng đó sẽ thu hút được khách hàng. Do đó, có thể ủng hộ xem xét nới hoặc bãi bỏ giá trần ở thời điểm thích hợp khi có đủ yếu tố của cạnh tranh lành mạnh.
Nguồn: tuoitre.vn