Chiều 5-6, tại TP.HCM, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, phiên toàn thể – tọa đàm cấp cao diễn ra với sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao, để cùng định hình những thách thức mới với nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên toàn thể chiều 5-6 – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh, trưởng Ban Kinh tế Trung ương, xác định xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Việt Nam kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới vào năm 1986 đến nay.
Tuy nhiên, hiện nay nền kinh tế Việt Nam phải đối diện với hàng loạt khó khăn chưa có tiền lệ, do đại dịch COVID-19 gây nên. Tăng trưởng kinh tế dưới 3%, thấp nhất trong 30 năm trở lại đây, hàng triệu người lao động bị mất việc làm.
Không những thế, hàng ngàn doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất để chống dịch, ngành du lịch, vận tải, nhà hàng khách sạn và nhiều ngành khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cùng với đó, thị trường vốn và thị trường bất động sản có những biến động bất thường, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng có nguy cơ tăng trở lại.
Bên cạnh đó, kết quả phân tích cấu trúc liên ngành I- O cho thấy, nền kinh tế Việt Nam cơ bản là một nền kinh tế thâm dụng vốn và gia công, lắp ráp là chủ yếu; đóng góp vào tăng trưởng của TFP mặc dù đã tăng từ 34,3% giai đoạn 2011-2015 lên 45,9% giai đoạn 2016-2020 nhưng trong cơ cấu của TFP, vai trò của khoa học công nghệ chỉ đóng góp ở mức khiêm tốn 28,44%.
Ông Trần Tuấn Anh, trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ giúp thúc đẩy xây dựng và phát triển nền kinh tế sáng tạo, tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong những năm qua, mặc dù xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo có sự cải thiện, các yếu tố nền tảng còn ở mức thấp.
Kinh tế quý 1-2022 đã quay trở lại đà tăng trưởng cao, đạt trên 5%. Các lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều tăng mạnh, niềm tin của người các nhà đầu tư tăng mạnh.
Cách đây hơn một tuần, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P đã nâng hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam từ BB lên BB+, ghi nhận nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi vững chắc, và dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5 – 7% từ năm 2023.
“Những kết quả về phát triển kinh tế xã hội rất đáng khích lệ trong những tháng đầu năm 2022 cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh như trước đại dịch”, ông Anh đánh giá.
Tuy vậy ông cũng cho rằng tác động của đại dịch vừa qua cùng với sự xuất hiện nhiều biến cố mới thuộc về bối cảnh quốc tế, điển hình là xung đột Nga – Ukraine đã và đang đặt ra yêu cầu Việt Nam cần đẩy nhanh hơn, quyết liệt hơn, thực chất và hiệu quả hơn việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.
Do đó yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là phải xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Trong đó, độc lập, tự chủ của nền kinh tế cần được xây dựng trên cơ sở cân bằng và củng cố nội lực, đồng thời phát huy, tận dụng được những cơ hội từ bên ngoài mang tới.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng việc tổ chức diễn đàn tại TP.HCM sẽ giúp các tổ chức quốc tế hiểu sâu hơn cũng như chia sẻ những tổn thất nặng nề và cùng chứng kiến quá trình hồi phục mạnh mẽ của TP sau đại dịch COVID-19 – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng chính là chìa khóa để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững. Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và đặc biệt là khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài.
Theo ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TP.HCM, TP ý thức được ý nghĩa chiến lược của tính chất độc lập, tự chủ trong đường lối kinh tế đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh mới. Do đó, trong những năm qua, TP đã triển khai nhiều chương trình kinh tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở những công đoạn có giá trị gia tăng cao đối với tất cả các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
“Đây là hướng chủ yếu để chuyển các quan hệ kinh tế từ lệ thuộc thị trường, lệ thuộc vào đối tác bên ngoài, sang mối quan hệ tương thuộc với mọi đối tác. TP cũng nhìn nhận để thu hút vốn FDI hiệu quả phải nâng cao vai trò đối tác của khu vực kinh tế trong nước, nhất là tầm quan trọng khu vực tư nhân”, ông Phan Văn Mãi nhìn nhận.
Giảm tỉ trọng kinh tế phi chính thức để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững
Trong quý 1-2022, số lao động thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần, tuy nhiên, nguồn cung lao động vẫn đang đặt ra một số vấn đề.
Ngày 5-6, bà Ingrid Christensen, giám đốc Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cho hay kinh nghiệm quốc tế cho thấy tỉ trọng kinh tế phi chính thức lớn có thể cản trở tiềm năng phát triển của một quốc gia. Bà nhận định, cần có lộ trình để sớm chuyển dịch từ kinh tế phi chính thức sang kinh tế chính thức. Trong đó, cần ghi nhận sự đóng góp quan trọng của kinh tế phi chính thức đối với các nền kinh tế và xã hội, những việc cơ quan quản lý Nhà nước cần làm để giải quyết nhu cầu của lao động phi chính thức.
“Chính phủ cũng cần cân đối ngân sách để triển khai thực hiện Đề án “Thống kê khu vực kinh tế phi chính thức”, có chính sách hỗ trợ để khu vực kinh tế phi chính thức phát triển đúng mực, khuyến khích cơ sở kinh doanh thuộc khu vực phi chính thức chuyển sang khu vực doanh nghiệp”, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên phó chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội, phát biểu.
Báo cáo lại ba phiên chuyên đề trong sáng 5-6, ông Nguyễn Thành Phong, phó Ban Kinh tế Trung ương, cho biết các hội thảo đã thảo luận chuyên sâu vào đề tài, nhiều ý kiến tâm huyết, các chuyên gia, nhà quản lý cùng đề xuất các giải pháp tháo gỡ cho kinh tế Việt Nam phát triển thời gian tới.
Nguồn: tuoitre.vn