Sau một năm TP.HCM thoát ra khỏi đại dịch COVID-19 để bước vào quá trình hồi phục kinh tế, nhiều doanh nghiệp chia sẻ họ gặp nhiều khó khăn với thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà và tốn kém kinh phí chạy theo để sửa đổi, đào tạo nhân sự…
Hơn 240 doanh nghiệp trong và ngoài nước đã có mặt để đối thoại, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ sau một năm TP nỗ lực hồi phục kinh tế sau dịch COVID-19 – Ảnh: N.BÌNH
Ngày 31-8, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp TP năm 2022.
Thủ tục hành chính rườm rà làm suy giảm niềm tin
Chia sẻ mối bận tâm của các doanh nghiệp, bà Lý Kim Chi – chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) – cho biết ngay sau dịch, các doanh nghiệp đã nỗ lực để không chỉ giữ giá cả bình ổn mà còn đáp ứng nhu cầu, tăng doanh thu. Trong đó, ngành lương thực, thực phẩm đã tăng gần 12% không chỉ về doanh số bán hàng mà còn ở sức tiêu thụ trong dân.
Tuy vậy, theo bà Chi, sau dịch nhiều sở ban ngành của TP cũng bộc lộ một số cách làm việc theo kiểu cũ.
Chúng tôi rất mong TP.HCM siết chặt vấn đề kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải cách thủ tục hành chính. TP cùng các sở ban ngành có một bộ phận tiếp nhận ngay ý kiến của các hiệp hội khi phát sinh vấn đề, đồng thời tăng cường các buổi tiếp xúc với doanh nghiệp theo từng ngành nghề, qua đó trực tiếp lắng nghe và rà soát quy trình, thủ tục bất cập, gây phiền hà cho doanh nghiệp, từ đó mới tạo được bứt phá.
Bà LÝ KIM CHI, chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA)
Bà Uyên Hồ, chi hội trưởng Chi hội doanh nghiệp Khu công nghệ cao (SBA) TP.HCM, cho rằng vấn đề thủ tục hành chính kéo dài, phải qua nhiều quy trình, nhiều cơ quan khác nhau dẫn tới mất thời gian, tăng chi phí gián tiếp, đồng thời suy giảm niềm tin của doanh nghiệp.
Không những vậy, các thông tin về chính sách ưu đãi mà Khu công nghệ cao chia sẻ trên website thì dường như rất hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng thực tế các loại phí mà ban quản lý Khu công nghệ cao đang thu như phí duy tu hạ tầng, phí an ninh trật tự, bảo vệ đều có xu hướng tăng, giá thuê đất cũng có xu hướng tăng do hệ số điều chỉnh giá đất đề xuất tăng.
Bà Uyên có đề nghị TP.HCM và cơ quan thẩm quyền cho phép Khu công nghệ cao tiếp tục giữ vai trò cơ quan một cửa để có thể hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng hơn, đặc biệt những điều kiện giúp Việt Nam đang dần phục hồi giai đoạn hậu COVID-19.
Ông Phạm Phú Trường, chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, cũng cho rằng các vấn đề nội tại ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của nền kinh tế như tốc độ giải ngân chậm, cải cách hành chính chưa thể làm hài lòng người dân và doanh nghiệp, triển khai chiến lược số chưa đạt kết quả như mong đợi. Trong bối cảnh đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã ban hành nhưng vẫn còn chậm…
Đại diện Cục Thuế TP.HCM trả lời các vướng mắc của doanh nghiệp – Ảnh: N.BÌNH
Sẽ minh bạch thủ tục, minh bạch trách nhiệm
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cho biết để chuẩn bị cho hội nghị, Thường trực HĐND TP đã chỉ đạo và giao cho Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP tiến hành một cuộc khảo sát nhanh đối với các doanh nghiệp trên địa bàn TP với chủ đề “Cải thiện môi trường đầu tư – Đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Khảo sát mong muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, trao đổi của các doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và ghi nhận các đề nghị, kiến nghị, đề xuất… thực hiện chính sách để cải thiện môi trường đầu tư.
Kết quả cho thấy doanh nghiệp vẫn còn phàn nàn thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà, doanh nghiệp phải mất nguồn kinh phí chạy theo để sửa đổi, đào tạo…
Các doanh nghiệp đã đề xuất cần cung cấp thông tin nhanh và chi tiết về thay đổi các chính sách, các quy định của pháp luật để doanh nghiệp chủ động thực hiện, công khai minh bạch thông tin, thủ tục và thời gian giải quyết, trả kết quả thủ tục hành chính; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, chế độ chính sách và tăng cường các nguồn lực, tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp…
Một vấn đề được quan tâm nữa là tình trạng khan hiếm nguồn lao động sau dịch. Các doanh nghiệp đang đối mặt tình trạng thiếu nhóm lao động công nhân kỹ thuật có tay nghề, kể cả lao động phổ thông, trung cấp tuyển dụng rất khó khăn.
Do đó, các doanh nghiệp cũng đặt yêu cầu TP cần có chính sách thu hút lao động phù hợp; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và tạo thêm các kênh kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động đang tìm kiếm việc làm, tăng nguồn cung lao động, giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động…
Trước các ý kiến của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư là mục tiêu TP đã nỗ lực nhưng thời gian qua vẫn chưa thực sự hiệu quả, đồng bộ để kịp thời đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Ông Mãi cho rằng các sở, ngành TP tiếp tục đặt ra các yêu cầu phải minh bạch hồ sơ, minh bạch trách nhiệm và sẽ công bố các giải pháp công nghệ để giải quyết những phản ảnh của doanh nghiệp nhanh chóng thời gian tới.
Hội nghị đã thu hút sự tham dự của 240 doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao và Khu công nghệ cao TP.HCM.
Ngoài đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các doanh nghiệp cũng đề xuất cần tạo điều kiện về vay vốn với lãi suất ưu đãi, công tâm đối xử giữa các doanh nghiệp, áp dụng công nghệ thông tin nhiều hơn để giảm bớt thủ tục giấy.
Nguồn: tuoitre.vn