Doanh nghiệp sẵn sàng góp phần làm nhà ở xã hội

Trước nhu cầu cấp bách về nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp, hội nghị “Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp” đã được tổ chức sáng 1-8 tại trụ sở Chính phủ.

Doanh nghiệp sẵn sàng góp phần làm nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Lê Văn Thành – Ảnh: NHẬT BẮC

Đối với chương trình “Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp” theo nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Tập đoàn Novaland luôn xem đây là chương trình vô cùng thiết thực và nhân văn.

Ông Bùi Xuân Huy, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland, cho biết Novaland đã nhận được văn bản số 2841/BXD-QLN ngày 26-7-2022 của Bộ Xây dựng về việc đề xuất giải pháp để mỗi doanh nhân đầu tư xây dựng được ngay 5.000-10.000 căn hộ nhà ở xã hội.

“Novaland tin rằng, nhiệm vụ đầu tư xây dựng 200.000 căn hộ là một mục tiêu mà tập đoàn sẽ hoàn thành để góp phần vào nỗ lực của Chính phủ trong chương trình giải quyết nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động”, ông Huy cho biết.

Theo ông Huy, các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Bên cạnh những cam kết, nhiều doanh nghiệp cũng nêu lên những khó khăn và mong muốn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản tham gia quá trình xây dựng nhà ở xã hội nói riêng hoàn thành tốt hơn.

Cụ thể, các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp. Ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án nhà ở xã hội… phải thực hiện thêm nhiều thủ tục như: thẩm định giá bán nhà ở xã hội, xác nhận đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội, kiểm toán chi phí để xác định lợi nhuận định mức; chưa có quy định cụ thể hướng dẫn về việc hoàn trả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho chủ đầu tư; các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% số căn hộ của dự án để cho thuê, sau 5 năm mới được bán, làm chậm thu hồi vốn…

Chưa cho phép chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại có quyền lựa chọn việc dành 20% quỹ đất trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội, hoặc chuyển đổi quỹ đất 20% dành cho phát triển nhà ở xã hội sang một khu vực khác thuộc sở hữu hợp pháp của chủ đầu tư để phát triển một dự án nhà ở xã hội độc lập nhằm đảm bảo dành đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội và thực hiện đúng nghĩa vụ của chủ đầu tư. Việc dành quỹ đất tương đương này đảm bảo được tính đồng bộ về không gian cảnh quan, khắc phục những bất cập cho cả chủ đầu tư và người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội.

Ông Huy cho biết: “Riêng về phía Tập đoàn Novaland, hiện nay đã có một số quỹ đất tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố như Đồng Nai, Long An, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng… phù hợp đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, để đảm bảo mục tiêu xây dựng được 200.000 căn, chúng tôi cũng mong cơ quan quản lý địa phương sớm xác định quỹ đất do Nhà nước quản lý để giao hoặc mời gọi đầu tư thực hiện dự án”.

Nguồn: tuoitre.vn

Bài viết cùng chủ đề: