Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân USAID IPSC tiếp tục mang đến các gói hỗ trợ theo nhu cầu doanh nghiệp, mở đăng ký đợt mới từ 1/7 đến 30/10.
Từ ngày 1/7, các doanh nghiệp Việt đã có thể tiếp tục đăng ký tham gia đợt xét duyệt hỗ trợ thứ 3 năm 2022 của Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC). Các hỗ trợ của dự án hướng đến các doanh nghiệp Việt, có dưới 500 lao động toàn thời gian, và thuộc những lĩnh vực ưu tiên của năm 2022 gồm nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp chế biến – chế tạo, công nghệ thông tin, logistics, du lịch, sản phẩm hỗ trợ…
Đối tượng được xét duyệt trong đợt 3 năm 2022 là các doanh nghiệp thực hiện đăng ký nhận hỗ trợ qua cổng thông tin từ ngày 1/7 – 30/10.
Tiếp nối thành công của 2 đợt hỗ trợ trước với hơn 700 doanh nghiệp đăng ký tham gia, USAID IPSC tiếp tục mang đến cho các doanh nghiệp Việt các gói hỗ trợ theo nhu cầu cụ thể trong bình thường mới, dưới sự dẫn dắt của các chuyên gia đầu ngành. Đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt trong vòng 5 năm, dự án sẽ tập trung nâng cao năng lực về quản trị, công nghệ, tiếp cận tài chính, đổi mới sáng tạo, tiếp cận thị trường và thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Chi tiết về các gói hỗ trợ của dự án tại đây.
Tiêu chí nhận hỗ trợ
Đối tượng mà dự án USAID IPSC hướng tới là các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam, có không qua 500 lao động toàn thời gian, và đang không có bất kỳ tranh chấp pháp lý nào.
Tuy nhiên, để nhận được các gói hỗ trợ của dự án, các doanh nghiệp Việt cần phải đáp ứng thêm các tiêu chí bổ sung khác, gồm có tối thiểu 51% vốn cổ phần do tư nhân Việt Nam sở hữu, thuộc 1 trong 5 ngành ưu tiên (Nông-lâm-ngư nghiệp, Công nghiệp chế biến – chế tạo, Công nghệ thông tin, Logistics, Du lịch/Sản phẩm hỗ trợ), và doanh thu tăng trưởng hai năm liên tiếp trong giai đoạn 2017 – 2021.
Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp đăng ký nhận Gói cao cấp “Giá trị Việt Nam – Vươn ra thế giới”, doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chí, gồm đã có sản phẩm hoặc dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam trên thị trường và có định hướng xuất khẩu, có lợi nhuận hàng năm trong giai đoạn 2017-2021, và cần cam kết có nguồn lực đóng góp.
Gói cao cấp là gói hỗ trợ được thiết kế “đo ni đóng giày” dành riêng cho từng doanh nghiệp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp này tạo ra những sản phẩm mang có hàm lượng giá trị gia tăng và trí tuệ của người Việt Nam, định vị thương hiệu sản phẩm “Made by Viet Nam” trên thị trường trong nước và ước tế.
Nhận đơn đăng ký thường xuyên, Gói hỗ trợ kết nối kêu gọi các doanh nghiệp có mạng lưới thành viên/khách hàng vững chắc và đa dạng cùng tham gia để cung cấp dịch vụ hỗ trợ/tư vấn phát triển doanh nghiệp.
Thời gian nhận hỗ trợ
Khi hết thời hạn đăng ký tham gia xét duyệt nhận hỗ trợ, dự án sẽ tiến hành lọc và xem xét hồ sơ đăng ký của các doanh nghiệp. Trong khoảng 7-15 ngày, dự án sẽ thông báo kết quả tới các doanh nghiệp đủ điều kiện với các gói hỗ trợ tương ứng và kèm theo một lộ trình chi tiết thực hiện các gói hỗ trợ.
Các doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ được mời tham gia buổi khởi động triển khai gói hỗ trợ của dự án cho các doanh nghiệp. Trong giai đoạn hỗ trợ, các chuyên gia, công ty tư vấn sẽ cung cấp trực tiếp các hoạt động hỗ trợ dành cho doanh nghiệp.
Trước đó, đợt đăng ký thứ 2 trong năm 2022 của dự án IPSC đã kết thúc hôm 30/6, với tổng cộng 710 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể… đăng ký nhận các gói hỗ trợ. Là một phần trong gói hỗ trợ, các doanh nghiệp này đã và đang tham gia các hoạt động tư vấn 1:1 với các chuyên gia, tập huấn chuyên sâu, kết nối kinh doanh…
Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) được thực hiện với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ quản. Với số vốn 36 triệu USD, IPSC hướng đến tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng của Việt Nam, bao gồm các doanh nghiệp do phụ nữ và nhóm yếu thế làm chủ. Dự án đặt mục tiêu hỗ trợ 5 nghìn doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng.
Phong Vân
Nguồn: vnexpress.net