Dự kiến cuối năm nay từ VN sẽ có đường bay thẳng tới Ấn Độ với tần suất 4 chuyến/tuần.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội nghị “Thăm Ấn Độ 2018” tổ chức tại TPHCM ngày 9-3. Ảnh: Nguyễn Trí
Đó là thông tin từ buổi giao lưu xúc tiến du lịch với chủ đề “Thăm Ấn Độ năm 2018” do tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM tổ chức ngày 9-3.
Nhiều tiềm năng phát triển du lịch giữa VN – Ấn Độ
Nhiều đơn vị cho rằng, nếu tăng cường chiến lược quảng bá thì lượng khách du lịch giữa hai nước sẽ “bùng phát” bởi dư địa còn rất lớn.
Ông K. Srikar Reddy – Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM – cho biết cả Ấn Độ và VN đều nằm trong danh sách các nước có tiến bộ nhất trong “Bảng Chỉ số năng lực cạnh tranh Du lịch và Lữ hành năm 2017” khi Ấn Độ xếp thứ 40 và VN xếp 67.
Trong đó, số khách VN thăm Ấn Độ tăng 60% trong 5 năm qua với hơn 18 nghìn lượt khách năm 2017. Ngược lại, du khách Ấn Độ đến VN tăng từ 33.000 năm 2010 lên 85.000 năm 2017. Tuy nhiên, con số trên vẫn khá thấp so với tiềm năng hai nước.
“Hiện VN chỉ chiếm khoảng hơn 4% trong tổng số 2 triệu người Ấn Độ đến Đông Nam Á. Trong khi đó, đến năm 2020 Ấn Độ sẽ có khoảng 50 triệu du khách ra nước ngoài và VN hiện nay là 7,5 triệu người. Như vậy, tiềm năng cho sự tăng trưởng du khách giữa hai quốc gia còn rất lớn”, ông Reddy nhận định.
Đồng quan điểm, phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – PGĐ Sở du lịch TPHCM – cũng cho rằng Ấn Độ hiện đang là thị trường đứng top thứ 15 so với các thị trường khách quốc tế đến TPHCM.
Với lượng khách đến TPHCM năm 2017 đạt 57.000 lượt, tăng 10,4% so với cùng kì, Ấn Độ được xem là thị trường lớn đầy tiềm năng, nằm trong kế hoạch phát triển của TPHCM.
“TP cam kết hỗ sợ thúc đẩy nhanh hình thành đường bay thẳng giữa VN và Ấn Độ. Đặc biệt, tháng 9 năm nay sẽ phối hợp các đơn vị Ấn Độ mở chuyến tham quan TPHCM để khảo sát, thúc đẩy phát triển du lịch”, bà Hoa khẳng định.
Theo hòa thượng Thích Thiện Minh – Ủy viên hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo VN, với hơn 80% dân số theo Phật giáo, nên nhu cầu du lịch hành hương VN tăng mạnh với hiện khoảng 20.000 người mỗi năm. Vì thế, nếu các khó khăn đường bay và visa được tháo gỡ thì lượng khách du lịch giữa hai quốc gia sẽ tăng mạnh.
Du lịch sẽ đột phá nhờ đường bay thẳng
Theo các chuyên gia du lịch, hiện VN đi Ấn Độ và ngược lại phần lớn phải quá cảnh tại Thái Lan hoặc Singapore khiến giá vé máy bay dao động phổ biến 350-450 USD/chuyến, cao gấp 2-4 lần so với nhiều nước trong khi vực châu Á.
Trong những năm vừa qua có các chuyến bay thuê bao nguyên chuyến (charter) từ VN đi Ấn Độ. Đặc biệt, nhu cầu khách phật tử đi và đến giữa hai nước đang rất lớn nên dự kiến cuối năm nay sẽ có hãng hàng không mở đường bay thẳng từ TPHCM – New Delhi (Ấn Độ) với tần suất 4 chuyến/tuần và ngược lại.
Trước thông tin đó, ông Trần Thế Dũng – Phó Tổng giám đốc công ty lữ hành Fiditour – cho rằng du lịch giữ VN và Ấn Độ sẽ đột phá. Theo ông Dũng, 3-5 năm trở lại đây đơn vị đã phát triển các dòng sản phẩm tour đến và đi giữ Ấn Độ và VN.
Tuy nhiên, hiệu quả chưa cao, lượng khách Ấn Độ đến VN quá ít. Theo ông Dũng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này do hạn chế trong công tác xúc tiến.
Đặc biệt, chưa có đường bay thẳng khiến giá thành còn khá cao so với các sản phẩm châu Á khác như Hàn, Nhật, Đài Loan…
“Nếu tháo gỡ hai khâu này lượng khách du lịch giữa hai nước sẽ đột phá”, ông Dũng nói.
Tương tự, theo ông Trần Đoàn Thế Duy – Phó TGĐ công ty lữ hành Vietravel – nguyên nhân lớn nhất khiến du lịch VN và Ấn Độ phát triển chậm là chưa có đường bay thẳng.
Với hơn 80% dân số VN có thiên hướng theo đạo Phật, nhu cầu du lịch kết hợp hành hương tại trong nước khá lớn. Ngược lại, với 21,8 triệu lượt khách đi du lịch nước ngoài 2016 và tăng mạnh các năm tới, Ấn Độ sẽ là thị trường khách “béo bở” cho VN nếu biết tận dụng.
Cần tổ chức lại nhà hàng, khách sạn
Theo ông Trần Thế Dũng, ngoài chưa có đường bay thẳng, sự khó khăn về dịch vụ nhà hàng, khách sạn cũng ảnh hướng lớn đến việc phát triển du lịch 2 nước.
“Với đặc trưng là đất nước theo đạo nên ẩm thực Ấn Độ rất “kén”. Trong khi đó, VN và Ấn Độ đều thiếu các nhà hàng chuyên biệt phục vụ ẩm thực đặc trưng cho nhau khiến nhiều du khách VN đến Ấn Độ và ngược lại gặp khó khăn nếu ở lại dài ngày”, ông Dũng nói.
Ngoài ra, theo ông Thế Duy, các cơ quan chức năng hai nước cần tăng cường quảng bá và xúc tiến dài hạn, sự kiện du lịch tổ chức hàng năm mới tạo sự gắn kết.
Nguồn: tuoitre.vn