Tại lễ ký kết chương trình đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên, các chuyên gia cho rằng nông nghiệp vùng có nhiều lợi thế nhưng chưa phát triển logistics, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến thấp nên lợi nhuận chưa cao.
Theo các chuyên gia, Tây Nguyên cần áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tăng lợi nhuận. Trong ảnh: mô hình chế biến cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản tại Đắk Lắk – Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Diễn đàn đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên do Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Úc, cùng 5 tỉnh Tây Nguyên tổ chức. Hội nghị đã bàn về vấn đề cốt lõi: phải đổi mới sáng tạo và đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp, giúp nông dân tăng thu nhập.
Tiềm năng lớn còn bỏ ngỏ
Các tỉnh Tây Nguyên ký kết thành lập diễn đàn đổi mới sáng tạo cùng với đại diện Chính phủ Úc – Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tây Nguyên có tổng diện tích đất nông nghiệp trên 5 triệu hecta, chiếm 91,75% diện tích đất tự nhiên, trong đó có 1,3 triệu hecta đất đỏ bazan.
Lợi thế này giúp vùng sẽ trở thành trung tâm sản xuất nông sản hàng hóa lớn của cả nước. Tuy nhiên, nông nghiệp Tây Nguyên vẫn luôn gặp những bất lợi về được mùa, mất giá vì chưa chủ động được trong chế biến, thị trường.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Trọng Yên – phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết đất nông nghiệp chiếm hơn 90% diện tích tự nhiên của tỉnh, trong đó chủ yếu là đất đỏ bazan.
“Tuy sản lượng nông nghiệp lớn, đa dạng về chủng loại, có chất lượng cao nhưng giá trị kinh tế của ngành nông nghiệp mang lại chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương.
Nguyên nhân của tình trạng này là do khâu tổ chức sản xuất còn manh mún, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất với thị trường. Việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản còn nhiều hạn chế. Vì vậy, chương trình đổi mới sáng tạo này là cơ hội để nông nghiệp của tỉnh nâng mình lên…”, ông Yên nhìn nhận.
Phân tích thêm về việc này, ông Nguyễn Tuấn Hà – phó chủ tịch thường trực UBND Đắk Lắk, cho biết Đắk Lắk là trung tâm vùng Tây Nguyên, hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế. Vậy nên, Đắk Lắk đang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch.
Cùng với đó, Đắk Lắk sẽ xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, kết nối công nghiệp chế biến với thị trường. Qua đó, tạo bước phát triển đột phá cho lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.
“Trong quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, địa phương đã cụ thể hóa những tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển nông nghiệp đa giá trị”, ông Hà thông tin.
Theo các chuyên gia, Tây Nguyên có tiềm năng phát triển những trang trại xanh, thông minh cùng với các nhà máy chế biến sâu để nâng giá trị nông sản – Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Cần một lớp nông dân trẻ, sáng tạo
Tuy nhiên, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng nền nông nghiệp của tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. “Để vượt qua những khó khăn hiện nay, tôi cho rằng việc đổi mới, sáng tạo có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển, là yếu tố quyết định sức cạnh tranh của doanh nghiệp, người dân”.
Vì vậy, “diễn đàn Đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên mang đến những giải pháp mới sáng tạo, thúc đẩy kết nối giữa các doanh nghiệp với chính quyền địa phương”, ông Hà nhấn mạnh.
Theo ông Lê Thành – chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lavifood, để nông sản không phụ thuộc cần đưa vào thị trường chính ngạch, cần một lớp nông dân trẻ, có tri thức để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất – Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Phân tích thêm về vấn đề này, ông Trần Văn Tùng, thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, cho rằng Tây Nguyên đã phát triển mạnh mẽ những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cà phê, tiêu, cacao…
“Ứng dụng và đổi mới sáng tạo trên cơ sở tiếp nhận tri thức và kinh nghiệm của các quốc gia phát triển như Úc là cơ hội cho 5 tỉnh Tây Nguyên tạo bước phát triển”, ông Tùng khẳng định.
Trao đổi bên hành lang hội nghị, cộng đồng các doanh nghiệp cho rằng đổi mới sáng tạo, đưa khoa học công nghệ, nông dân trẻ… vào kinh tế nông nghiệp là điều kiện tiên quyết để giảm phá rừng, biến đổi khí hậu và tăng giá trị sản phẩm.
Ông Lê Thành – chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lavifood, cho biết nếu hiện nay, vùng sản xuất rau củ quả ở Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, diện tích dần thu hẹp… thì Tây Nguyên có những lợi thế. Tây Nguyên có diện tích đất nông nghiệp lớn, màu mỡ, khí hậu ôn hòa nên cơ hội để phát triển nông nghiệp công nghệ cao là vô cùng thích hợp.
Tây Nguyên không chỉ có lợi thế về cà phê, cao su, hồ tiêu mà còn chiếm 20% diện tích trồng rau củ quả của cả nước. Tuy nhiên, sản lượng rau củ quả chỉ chiếm 10% vì hiện nay chỉ có 8 nhà máy chế biến so với 160 nhà máy trên cả nước. Trong 8 nhà máy chế biến rau củ quả, đến nay chỉ 1 nhà máy đạt tiêu chuẩn cao.
Trong thời gian COVID-19 căng thẳng, Đắk Lắk đã tăng thêm các kho đông lạnh để trữ sầu riêng, bán sau dịch hoặc để chế biến các sản phẩm liên quan – Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Để phát triển nông nghiệp Tây Nguyên, các địa phương Tây Nguyên phải quy hoạch lại cây trồng ngay từ bây giờ. Đồng thời, các tỉnh phải có hàng rào khoa học kỹ thuật đối với nông sản để phát triển. Cần phải đưa khoa học, kỹ thuật vào nông nghiệp để giảm sức lao động con người, tăng lợi nhuận khi sản phẩm ra thị trường.
“Tây Nguyên cần có những nhà máy chế biến lớn, đạt tiêu chuẩn. Tây Nguyên cũng cần hoàn thiện hệ thống logistics, giảm hao hụt trong sản xuất nông nhiệp từ khi gieo trồng đến bàn ăn của thực khách… Quan trọng hơn, các tỉnh phải có một lớp nông dân trẻ, có hiểu biết về khoa học kỹ thuật để trở thành những nông dân văn minh. Ngoài ra, Tây Nguyên cần có chính sách hướng về thị trường, tăng lợi nhuận cho nông dân”, ông Thành nói.
Nguồn nhân lực trẻ, có trình độ cũng là điều kiện tiên quyết nâng tầm nông nghiệp Tây Nguyên – Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Diễn đàn thắt chặt quan hệ hợp tác Việt Nam – Úc
Trao đổi về diễn đàn đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên vừa được ký kết, ông Mark Tattersall – phó đại sứ Úc tại Việt Nam, cho biết Việt Nam và Úc đã thiết lập đối tác chiến lược vì có các cơ hội và mối quan tâm chung trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và an ninh.
“Chương trình đổi mới sáng tạo Việt Nam – Úc (chương trình Aus4Innovation) đang xây dựng mối liên kết chặt chẽ hơn giữa Úc và các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, cộng đồng và Chính phủ Việt Nam. Chương trình Aus4Innovation tạo ra và sử dụng khoa học và công nghệ cho đổi mới, tăng trưởng và phát triển bền vững”, ông Mark Tattersall chia sẻ.
Nguồn: tuoitre.vn