Các loại mì gói của Việt Nam bị các nước thu hồi do chứa chất ethylen oxide (EO) nhưng doanh nghiệp ở ta vẫn dùng chất này vì… chưa có quy định.
Từ đây đặt ra tính cấp thiết về cập nhật quy định trong quản lý an toàn thực phẩm của một đất nước đã và đang đi sau rất nhiều nước trên thế giới.
Như các nhà quản lý giải thích, Việt Nam áp dụng danh mục theo Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) và Codex cũng chưa quy định tiêu chuẩn EO nhưng Hàn Quốc, Nhật Bản đã có quy định. Nếu Việt Nam ban hành thì cần có nghiên cứu để đảm bảo khả thi.
Ngoài ra, một số chất “nơi cấm, nơi không” là do bộ tiêu chuẩn các nước khác nhau; hay điểm khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm hiện nay tại nước ta là có tới… bốn bộ tham gia chính, đó là Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, nên nhiều mặt hàng không rõ bộ, ngành nào quản lý.
Tất cả lý lẽ đó liệu có thuyết phục không?
Đầu tiên, thực tế đòi hỏi các cơ quan quản lý phải luôn theo sát quy định về an toàn thực phẩm của các nước phát triển để cập nhật kịp thời các quy định tại nước mình. Đa số quốc gia trên thế giới cấm dùng một số loại hóa chất trong thực phẩm mà Việt Nam cho dùng, hoặc chưa có quy định là những quốc gia có nền khoa học phát triển và quy định của họ đều dựa trên khoa học thực chứng. Do vậy, độ tin cậy chắc chắn cao. Trong khi đó nền khoa học của ta chưa theo kịp thì ta nên dựa vào các nước phát triển để tiết kiệm thời gian và chi phí.
Và khi áp theo chuẩn Codex, bộ tiêu chuẩn mỗi quốc gia khác nhau là do nhận thức và trình độ các nước khác nhau, còn thực tế và kết quả khoa học thì chỉ có một. Thiết nghĩ về cơ bản Việt Nam cũng không cần nghiên cứu gì thêm. Các công trình nghiên cứu đều được thông tin công khai. Hội đồng khoa học chỉ cần tham khảo, tổng hợp là có thể kết luận, để nhà quản lý đưa ra quy định mới phù hợp và bảo vệ người tiêu dùng.
Biết rằng thường các quy định đều phải tham khảo các hội đồng chuyên môn. Nhưng nếu các hội đồng này có kiến thức và cởi mở, “biết người biết ta” thì họ có thể đưa ra kiến nghị áp dụng theo tiêu chuẩn Âu, Mỹ. Ngược lại, nếu cứ khư khư “mình là nhất, cần gì học ai” thì sẽ giữ những ý kiến bảo thủ. Và chẳng biết đến bao giờ chúng ta mới có những quy định về một số hóa chất “trong tầm ngắm” mà các nước tiên tiến khoanh vùng.
Nghịch lý Nhiều hóa chất thế giới cấm, Việt Nam cho dùng mà Tuổi Trẻ đề cập đã gióng thêm một tiếng chuông báo động về thực tế mất an toàn thực phẩm. Không báo động sao được khi theo số liệu từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) 2020, tỉ lệ mắc ung thư mới của Việt Nam đã tăng lên 9 bậc sau hai năm, cao thứ hai thế giới. Một thứ hạng đáng buồn!
Không thể vì “chưa có quy định” mà để người dân bị “đầu độc”. Đã đến lúc các quy định về sử dụng hóa chất phải được cập nhật, điều chỉnh như các nước trên thế giới để bảo vệ người tiêu dùng bởi sức khỏe, tính mạng con người là thứ quý giá nhất.
Nguồn: tuoitre.vn