Tuần trước, truyền thông thế giới đưa tin gã khổng lồ công nghệ Apple có kế hoạch sản xuất đồng hồ thông minh Apple Watch và máy tính MacBook ở Việt Nam lần đầu tiên. Đây trở thành tin vui mới nhất cho ngành công nghiệp sản xuất trong nước.
Nhà máy Samsung trong Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nikkei Asia, tờ báo đầu tiên đưa thông tin trên, gọi đây là một “bước tiến có lợi” cho Việt Nam.
Điểm đến nổi bật
Các nhà sản xuất thiết bị điện tử đang tìm cách cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc bằng cách vừa tăng hợp tác với các nhà cung cấp có trụ sở tại Trung Quốc, vừa giảm thiểu phụ thuộc vào sản xuất tại Trung Quốc.
Nói cách khác, những nhà cung cấp Trung Quốc cũng góp phần đa dạng hóa hoạt động sản xuất đến những địa điểm khác trong đó có Việt Nam.
Điển hình, một trong hai đối tác sẽ hỗ trợ Apple bắt đầu sản xuất thử nghiệm Apple Watch tại nhà máy đặt ở miền Bắc Việt Nam là Luxshare – một công ty Trung Quốc. Trên thực tế, xu hướng này càng được đẩy mạnh hơn trong bối cảnh Trung Quốc đang bị tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Pattarapong Kanhasuwan, phó chủ tịch điều hành của nhóm kinh doanh thế giới thuộc Ngân hàng Kasikorn – Kbank (Thái Lan), cho biết: “Chúng tôi nhận thấy có một xu hướng là các khách hàng của chúng tôi, không chỉ khách hàng Thái mà các khách hàng đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, cũng di dời hoạt động kinh doanh. Và Việt Nam là một trong những điểm đến nổi bật”.
Phân tích dữ liệu từ Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), Kbank nhận thấy do cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung mà dòng vốn FDI ở Trung Quốc dịch chuyển đến ASEAN đã tăng đáng kể lên 16,1 tỉ USD vào năm 2020, chiếm 10,5% tổng dòng FDI chảy ra từ Trung Quốc.
Trong đó, dòng vốn FDI từ Trung Quốc đến Việt Nam cũng tăng từ mức trung bình 1,4 tỉ USD trong giai đoạn 2018 – 2019, lên 1,9 tỉ USD vào năm 2020.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Mohammed Alwahedi, tổng giám đốc của Emirates Việt Nam, cho biết từ hai năm trước ông đã nhận thấy một số công ty đang chuyển hoạt động của họ vào Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc Việt Nam, tức Hà Nội và các tỉnh lân cận.
“Ví dụ như Apple sản xuất tai nghe Airpod tại Việt Nam, cũng như các công ty khác, họ đang thực sự xem xét đầu tư nghiêm túc vào Việt Nam vì cơ sở hạ tầng và cả nhân lực hiện có ở Việt Nam”, ông Alwahedi nói.
Lãnh đạo Emirates Việt Nam cũng nhận thấy tiềm năng lớn trong ngành vận tải tại Việt Nam, nhờ nguồn FDI tiếp tục tăng lên. “Vận tải là một mảng quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi đang nhìn thấy cơ hội để mở rộng hoạt động của hãng tại đây và đã bổ sung thêm chuyến bay để bắt kịp nhu cầu thị trường”, ông Alwahedi nói.
Cơ hội nâng tầm doanh nghiệp vừa và nhỏ
FDI tăng lên trong những năm qua đang đặt ra bài toán cho Việt Nam trong việc tận dụng nguồn lực bên ngoài để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong nước. Nguồn vốn FDI là một động lực lớn giúp Việt Nam phát triển kinh tế. Song bất cứ nền kinh tế nào cũng cần một nguồn sức mạnh nội tại vững vàng là doanh nghiệp trong nước.
Theo Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam, tính đến tháng 12-2021, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ chiếm tỉ lệ đến 96% trong tổng số doanh nghiệp được thành lập trong cả nước. Đây cũng là nhóm gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận tài chính, thiếu tri thức để phòng vệ trước rủi ro pháp lý.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ liên quan tới vấn đề này, ông Pattarapong chỉ ra rằng giới nhà băng có thể hợp tác cùng các doanh nghiệp lớn để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam và toàn bộ chuỗi cung ứng.
“Khi hợp tác với các doanh nghiệp lớn, chúng tôi tập trung vào tài trợ chuỗi cung ứng hay tài trợ chuỗi giá trị. Các doanh nghiệp lớn sẽ đóng vai trò là nhà bảo trợ cho các nhà cung cấp, nhà phân phối (các doanh nghiệp vừa và nhỏ) của họ”, ông Pattarapong đề xuất.
Theo phó chủ tịch Kbank, trong mảng doanh nghiệp, khách hàng mục tiêu của Kbank là các doanh nghiệp lớn tại địa phương và các công ty khác như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang mở rộng kinh doanh sang Việt Nam.
“Hầu hết nhóm khách hàng này sẽ đến từ các lĩnh vực như sản xuất, bất động sản công nghiệp, bất động sản thương mại, thương mại và sản phẩm tiêu dùng”, ông nói.
Báo cáo thường niên của ESP Capital và Cento Ventures chỉ ra rằng các công ty khởi nghiệp (start-up) Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư hơn 1,3 tỉ USD trong năm 2021, đưa Việt Nam vươn lên vị trí thứ 3 trong hệ sinh thái khởi nghiệp tại ASEAN chỉ sau Indonesia và Singapore.
Ông Pattarapong cho rằng các đổi mới công nghệ liên quan đến công nghệ kỹ thuật số và ngân hàng di động (mobile banking) sẽ là công cụ hữu hiệu để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ.
“Tôi thường hay nói với nhân viên của tôi rằng chúng ta không thể cung cấp cho khách hàng một khoản vay và cầu 1 năm sau họ sẽ trả lãi cho mình” – ông Pattarapong nói và cho biết ngân hàng của ông đã hợp tác tạo ra nền tảng quản trị nhân sự, nền tảng kế toán, nền tảng định nguồn nguyên vật liệu để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ.
Nguồn: tuoitre.vn