Áp lực diễn biến chứng khoán Mỹ rơi xuống đáy, ngay khi mở phiên 17-6, chỉ số chứng khoán sàn TP.HCM (HoSE) và các sàn chính đồng loạt chìm trong sắc đỏ, với gần 900 mã giảm giá (bao gồm hơn 150 mã giảm sàn).
Thị trường chứng khoán lao dốc khi mở phiên 17-6 – Ảnh: B.MAI
Ngay khi vừa khởi động phiên giao dịch cuối cùng của tuần (17-6), thị trường chứng khoán đã bị sắc đỏ bủa vây, với hàng trăm mã chứng khoán rớt giá. Riêng chỉ số chứng khoán sàn TP.HCM (HoSE) có lúc giảm tới 45 điểm.
Toàn bộ chỉ số cổ phiếu của các ngành đều bị giảm, riêng chỉ số thuộc lĩnh vực chứng khoán, tài chính khác, thiết bị điện, sản xuất hàng tiêu dùng, khai khoáng, dịch vụ lưu trú – ăn uống – giải trí, nông – lâm – ngư, ngân hàng, bán buôn… giảm mạnh 3-6%.
Lực bán đè nặng lên hàng loạt cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng như VCB (Vietcombank), MBB (MBBank), VPB (VPBank), BID (BIDV), ACB (ACB), TCB (Techcombank), CTG (VietinBank)…
Giữa bối cảnh đó, cổ phiếu có vốn hóa lớn của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác cũng bị bán ra, gây áp lực lên thị trường chung, điển hình như các mã VHM (Vinhomes), MSN (Masan), GVR (Công nghiệp Cao su), VNM (Vinamilk), HPG (Hòa Phát)…
Dù không chiếm đa số, thị trường vẫn ghi nhận một số mã nhận được dòng tiền mua vào từ nhà đầu tư. Trong đó, POW (Điện lực dầu khí Việt Nam), GEX (Điện Gia Lai), BWE (Nước – Môi trường Bình Dương), BBC (Bibica), VSH (Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh), PDN (Cảng Đồng Nai)…
Sắc đỏ tràn ngập sàn chứng khoán trong phiên 17-6 – Ảnh: B.MAI
Phản ứng lao dốc thị trường chứng khoán trong nước được cho có liên quan đến việc thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh đêm qua. Trong đó riêng chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones lần đầu tiên giảm thủng xuống dưới mốc 30.000 điểm, sau hơn một năm liên tục nằm trên mốc này.
Diễn biến suy giảm trên thị trường chứng khoán cũng nằm trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thêm 0,75% hôm 15-6, mức cao nhất trong vòng 28 năm trở lại đây để kiềm chế lạm phát, có thể đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
“Việc liên tục nâng lãi cho thấy FED tự tin vào thị trường lao động Mỹ. Tuy nhiên, tốc độ tăng lãi suất cũng làm dấy lên lo ngại chi phí sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp bị đẩy lên cao”, chuyên gia từ Chứng khoán MB (MBS) nhận định.
Về thị trường chứng khoán trong nước, chuyên gia của MBS cho rằng trong bối cảnh hiện tại nhà đầu tư không nên mua đuổi, đồng thời có thể tận dụng nhịp hồi của thị trường để cơ cấu danh mục.
Đội ngũ phân tích của Chứng khoán Yuanta nhận định rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao, đặc biệt thanh khoản suy yếu tại các nhịp hồi cho thấy thị trường vẫn đang ở giai đoạn hồi phục kỹ thuật và nhịp hồi phục có thể sẽ nhanh chóng kết thúc. Vùng hỗ trợ ngắn hạn của chỉ số VN-Index 1.210 – 1.215 điểm.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục tận dụng các nhịp hồi phục để hạ tỉ trọng cổ phiếu về mức thấp với tỉ trọng cổ phiếu ở mức 25 – 30% danh mục”, phía Yuanta cho hay.
Bộ phận phân tích của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng nhà đầu tư ngắn hạn không nên mua đuổi sớm mà nên cân nhắc giải ngân ở các phiên thị trường điều chỉnh.
Sau khi trải qua dùng dằng, tạm khép phiên giao dịch sáng 17-6, chỉ số chứng khoán VN-Index giảm 32,58 điểm (-2,63%) xuống 1.204,05 điểm. Cả sàn HNX và rổ UPCoM cũng ghi nhận mức giảm lần lượt là 6,87 điểm (-2,39%) xuống 280,9 điểm và 2,78 điểm (-3,11%) về mốc 86,47 điểm.
Trên toàn thị trường có tổng cộng 889 mã chứng khoán bị rớt giá, bao gồm 152 mã giảm sàn.
Nguồn: tuoitre.vn