Đúng ngày 2-9, những cán bộ của Văn phòng Nội các Nhật Bản vui vẻ thưởng thức món cơm chiên được chế biến từ cơm nấu từ gạo ST25 – “gạo ngon nhất thế giới” đến từ Việt Nam.
Nhân viên Văn phòng Nội các Nhật Bản thưởng thức bữa trưa với cơm chiên được nấu từ gạo ST25 – Ảnh: Thương vụ VN tại Nhật Bản
Những cán bộ làm việc ở cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản gọi đây là “bữa trưa đặc biệt”.
Thành quả sau 1 năm chuẩn bị
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Tạ Đức Minh, tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết đây là thành quả trong suốt 1 năm, các doanh nghiệp cũng như các cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại Nhật Bản nỗ lực tìm đường và hoàn thiện sản phẩm theo yêu cầu của đối tác.
Thành công từ câu chuyện quả vải khi tiếp cận thị trường thông qua cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, đã dùng đặc sản Việt Nam trở thành “món quà” làm đầu câu chuyện. Hạt gạo cũng vào thị trường Nhật Bản bằng sự dung dị, gần gũi như thế.
“Chúng tôi làm theo cách tiếp cận của người Nhật, đưa sản phẩm tới những người bạn, những đơn vị có tầm ảnh hưởng trong xã hội. Quả vải tươi được tặng cho những người bạn Nhật Bản và khi trải nghiệm sản phẩm có chất lượng, những người bạn ấy sẽ giúp quảng bá sản phẩm cho chúng ta” – ông Minh chia sẻ.
Hạt gạo thì có chặng đường gian nan hơn nhiều bởi tại Nhật Bản, gạo được nhập khẩu qua hình thức đấu thầu chính phủ. Gạo Việt Nam lại từng bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép nên không được các công ty Nhật đưa vào danh sách tham gia đấu thầu nữa. Vì vậy, gạo Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nhật từ đó đến nay chủ yếu qua đường phi mậu dịch với số lượng không đáng kể và chủ yếu dùng làm chế biến thực phẩm như bánh, làm tương miso…
Do gạo là mặt hàng nhạy cảm mà Nhật Bản muốn bảo hộ và đưa ra khỏi danh sách đàm phán cắt giảm thuế quan trong các FTA, nên gạo Việt Nam muốn xuất sang Nhật không được hưởng ưu đãi đặc biệt nào. Bởi vậy, khi ST25 vào thị trường gạo của Nhật Bản, với thương hiệu riêng, rồi phục vụ trong Văn phòng Nội các Nhật Bản, là một hành trình rất gian nan nhưng theo ông Minh là đáng tự hào.
Vượt qua 600 tiêu chí kỹ thuật
Cũng theo ông Tạ Đức Minh, để gạo ST25 vào được thị trường, phân phối trực tiếp qua các kênh bán lẻ, sử dụng làm nguyên liệu trong các cơ quan, đơn vị tại Nhật… phải vượt qua được 600 tiêu chí kỹ thuật, kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm.
Đến tháng 6-2022, Tập đoàn Tân Long mới chính thức công bố việc xuất khẩu thành công lô gạo ST25 có thương hiệu gạo A An vào Nhật Bản.
Ngay sau đó, ST25 được Công ty Nikkokutrust – một doanh nghiệp chuyên cung cấp suất ăn cho các trường học, bệnh viện, cơ quan công sở tại Nhật – sử dụng vào thực đơn chế biến món ăn. Với chất lượng hạt gạo có độ dẻo thơm và vị đậm ngọt tự nhiên, cơm được nấu từ gạo ST25 nhanh chóng được chế biến và kết hợp nhiều món phù hợp với văn hóa ẩm thực của người Nhật. Nhờ vậy, “bữa trưa đặc biệt” với hạt gạo ST25 của Việt Nam được các cán bộ của Văn phòng Nội các Nhật Bản đón nhận trong sự hồ hởi, vui vẻ.
Ông Minh nói danh tiếng “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019” đã giúp ST25 trở nên nổi tiếng hơn, nhưng để vào được thị trường thì phải minh chứng được chất lượng và giữ vững được vị thế. Bởi vậy, quan điểm trong phát triển thương hiệu gạo ST25 ở thị trường Nhật là sẽ “đi chậm mà chắc”, chỉ duy trì một đơn vị uy tín để phân phối sản phẩm là Công ty Spice House.
“Dự án 110 đặc sản”
Nói về kế hoạch đưa các sản phẩm nông sản thâm nhập sâu vào thị trường Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh cho biết đang phối hợp với các đơn vị của nước bạn để xây dựng một kế hoạch lớn, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản. Theo đó, sẽ có dự án 110 đặc sản đến từ 47 tỉnh của Nhật Bản và 63 tỉnh thành của Việt Nam. Mỗi sản phẩm của một tỉnh sẽ được lựa chọn để giới thiệu nhằm đưa sản phẩm vùng miền của các địa phương hai nước đến gần hơn với người tiêu dùng.
Nguồn: tuoitre.vn