Dù giá xăng giảm nhiều lần và được cơ quan nhà nước đề nghị rà soát giảm giá bán nhưng đến nay số lượng doanh nghiệp giảm giá chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí nhiều mặt hàng còn tăng giá.
Giá trứng gà được dự báo sẽ còn neo cao – Ảnh: NGUYỄN TRÍ
Nhiều chuyên gia lo ngại giá còn tăng nữa vào mùa tiêu dùng cao điểm cuối năm, đặc biệt dịp Tết.
Chỉ có ít doanh nghiệp giảm giá
Sau thời gian liên tục nhắc nhở các doanh nghiệp thuộc nhóm hàng kê khai giá theo quy định (phân bón, xi măng, lương thực thực phẩm thiết yếu, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ tại cảng biển), đầu tháng 9 vừa qua Sở Tài chính TP.HCM mới nhận được báo cáo của doanh nghiệp.
Nhưng không như kỳ vọng, số doanh nghiệp giảm giá chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ, còn lại các doanh nghiệp vẫn giữ giá, thậm chí còn đề nghị tăng giá bán.
Cụ thể, nhóm doanh nghiệp gạo, đường ăn có 1/10 hệ thống siêu thị giảm giá từ 5,45 – 20%. Phân bón urê có 2/7 doanh nghiệp giảm giá từ 10,11 – 14,6% và cũng có 2/7 doanh nghiệp tăng giá từ 7,25 – 22,75%.
Có 5/9 doanh nghiệp ngành thép giảm giá 5%. Thức ăn chăn nuôi có 1/6 doanh nghiệp tăng giá từ 5,03 – 13,76%, số còn lại không giảm giá bán.
Đối với mặt hàng tham gia thị trường bình ổn trên địa bàn, Sở Tài chính TP.HCM cho biết nhóm dầu ăn có 2 siêu thị (Saigon Co.op và Bách Hóa Xanh) giảm giá bán lẻ từ 6 – 8,51%. Trong khi đó, nhóm gạo đề xuất giữ nguyên giá đã đăng ký từ ngày 1-4.
Doanh nghiệp cung ứng thịt gia cầm cũng không chịu giảm giá bán. Thậm chí, nhóm doanh nghiệp cung ứng mì gói đang đề xuất tăng giá.
Giá tăng vì nguyên liệu, xăng dầu không đáng kể
Giá trứng gia cầm bán lẻ trong diện bình ổn liên tục tăng trong thời gian qua và hiện đang ở mức cao kỷ lục với trứng gà 31.500 đồng/chục và trứng vịt 37.000 đồng/chục. Mức giá này tăng 3.500 – 4.000 đồng/chục so với mức bình ổn đầu năm 2022 nhưng các doanh nghiệp vẫn khẳng định không thể giảm giá.
Ông Trương Chí Thiện, tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt (TP.HCM), lý giải giá trứng đầu vào đang được mua ở mức cao kỷ lục là 2.600 – 2.800 đồng/quả (trứng gà) và 3.300 – 3.500 đồng/quả (trứng vịt). Như vậy giá trứng mua vào đã tăng trên dưới 50% so với đầu năm nên rất khó để giảm giá trứng bán lẻ.
“Nhiều thời điểm, doanh nghiệp chịu lỗ do giá bán ra không theo kịp giá nhập vào. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng không tăng giá bán để giảm áp lực cho người tiêu dùng”, ông Thiện nói.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp cung ứng thịt gia cầm cho biết giá xăng dầu chỉ chiếm 1 – 4% trong cơ cấu giá thành, còn chi phí thức ăn chiếm 70 – 75% giá thành vẫn ở mức cao.
Cụ thể, từ tháng 5-2022 đến nay, giá nguyên vật liệu, chăn nuôi tăng 35 – 37%, dẫn đến giá gà vịt tăng 18 – 30% nên các doanh nghiệp không thể giảm giá bán.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-9, đại diện một đơn vị sản xuất mì gói tại TP.HCM cho biết các nguyên liệu chính chiếm 80%, và tăng liên tục từ 15 – 28% so với thời điểm đầu chương trình (1-4), trong khi chi phí xăng dầu chỉ chiếm 3%.
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia kinh tế tại TP.HCM cho rằng giá nguyên liệu đầu vào tăng là điều thực tế và tác động lớn đến giá bán hàng hóa. Tuy nhiên, cùng một mặt hàng nhưng có đơn vị tăng giá bán sản phẩm, lại có đơn vị giữ giá, và giảm giá là điều cần xem xét lại.
“Nếu cùng cung ứng một mặt hàng, việc chịu tác động giá đầu vào gần như không có nhiều sự khác biệt. Do đó, các cơ quan chức năng cần xem xét lại trường hợp những đơn vị chưa giảm giá hay tăng giá bán”, vị này đề nghị.
Áp lực cho thị trường cuối năm
Theo ông Thiện, dù giá trứng bán ra cao kỷ lục nhưng nhiều người nuôi chưa sẵn sàng tăng đàn do chi phí chăn nuôi tăng mạnh, đặc biệt là giá thức ăn tăng chưa có điểm dừng.
“Nếu ổn, nguồn cung trứng có thể vẫn đủ cho thị trường tiêu dùng cao điểm dịp cuối năm. Tuy nhiên, nếu không ổn định giá đầu vào, giá trứng sẽ tiếp tục neo cao, thậm chí còn tăng, gây nhiều áp lực cho người tiêu dùng lẫn cả doanh nghiệp cung ứng”, ông Thiện nhận định.
Ông Nguyễn Kim Đoán, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết do chi phí đầu vào tăng cao, giá bán bấp bênh, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên nguồn cung heo trong dân đang giảm mạnh.
Do đó, nếu lượng heo từ các doanh nghiệp lớn thiếu ổn định, nguồn thịt heo cho dịp Tết có thể sẽ thiếu hụt, giá tăng.
Trong khi đó, đại diện siêu thị MM Mega Market cho biết đơn vị đang tính toán cho kế hoạch tăng cường nguồn cung cho thị trường tiêu dùng cuối năm, trong đó tính đến phương án dự trữ hàng hóa sớm hơn để đảm bảo giá bán bình ổn.
“Tuy nhiên, với tình trạng hiện hầu hết các nhà cung cấp không chịu giảm giá bán, không dễ để các đơn vị bán lẻ đưa ra mức giá tốt cho người tiêu dùng nếu không chấp nhận giảm lợi nhuận để chạy khuyến mãi”.
Tương tự, đại diện một siêu thị tại TP.HCM cho biết nhu cầu tiêu dùng đối với mặt hàng thực phẩm thiết yếu dịp cuối năm có thể tăng trên 30% so với các tháng thường. Do đó, trường hợp nguồn cung hụt, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, giá bán nhiều mặt hàng có thể tiếp tục tăng.
“Chính phủ cần sớm tìm phương án bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất như thức ăn chăn nuôi, phân bón, xăng dầu… để doanh nghiệp sản xuất, cung ứng có cơ sở giảm giá bán hàng hóa, tăng nguồn cung”, vị này đề nghị.
Sau 15 lần “trượt dốc”, giá thép bật tăng trở lại
Giá thép nội địa đã bật tăng trong hai phiên điều chỉnh vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9-2022 sau 15 lần giảm trước đó.
Theo đó, Thép Việt Đức, Hòa Phát, Việt Ý, Pomina… đồng loạt tăng giá trên toàn quốc đối với sản phẩm thép cuộn xây dựng và thép cây ở mức trung bình 150.000 – 200.000 đồng/tấn (chưa bao gồm thuế VAT).
Cụ thể, Thép Pomina là thương hiệu có mức tăng mạnh nhất tới 450.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300 lên 16,24 triệu đồng/tấn; thép cuộn CB240 lên 15,33 triệu đồng/tấn sau khi tăng 250.000 đồng/tấn.
Hòa Phát điều chỉnh tăng 190.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, giá sau điều chỉnh lần lượt 14,8 triệu đồng/tấn và 15,4 triệu đồng/tấn.
C.TRUNG
Nguồn: tuoitre.vn