Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4-2021 giảm 0,04% so với tháng trước vì giá lương thực, thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào, đưa CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0,89%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Theo Tổng cục Thống kê, giá các mặt hàng lương thực – thực phẩm cơ bản giảm nên CPI tháng 4-2021 cũng giảm theo – Ảnh: T.V.N.
Theo Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 4-2021 tăng 2,7% và CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0,89%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 4 tháng tăng 0,74%.
Trong mức giảm 0,04% của CPI tháng 4-2021, 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 4 nhóm giảm giá so với tháng trước gồm hàng ăn, dịch vụ – ăn uống; nhà ở – vật liệu xây dựng; bưu chính – viễn thông và văn hóa, giải trí và du lịch, 6 nhóm tăng giá, trong đó tăng mạnh nhất rơi vào nhóm giao thông do ảnh hưởng của 3 đợt điều chỉnh tăng, giảm giá xăng, dầu liên tiếp kể từ ngày 27-3-2021.
Dù có mức tăng thấp nhất trong 5 năm gần đây, chỉ tăng 0,89%, nhưng nguyên nhân khiến CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng lớn nhất, chiếm 0,2% trong tổng mức tăng chung là do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, cũng như nhu cầu tiêu dùng gạo ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao.
Đây cũng là nguyên nhân khiến giá gạo tăng 7,76% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi giá các mặt hàng thực phẩm chỉ tăng 0,2%, “góp” vào mức tăng CPI chung của bốn tháng đầu 0,04%.
Tổng cục Thống kê cũng cho rằng lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0,74% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 0,89%) phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm và giá xăng, dầu tăng.
Mức lạm phát cơ bản tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Nguồn: tuoitre.vn