Giá xăng dầu tăng, đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp đề xuất ‘mạnh dạn’ giảm ngay thuế

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu, trình Quốc hội giảm thuế ngay để giảm giá xăng dầu, góp phần giảm bớt khó khăn, gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp.

Giá xăng dầu tăng, đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp đề xuất mạnh dạn giảm ngay thuế - Ảnh 1.

Giá xăng dầu hiện đang ở mức cao, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Khúc Hữu Thanh Hải – giám đốc Công ty vận tải, thương mại và dịch vụ Đất Cảng (chạy tuyến Hải Phòng – Hà Nội) – cho biết sau quãng thời gian dài “chống chọi” với dịch bệnh, giá xăng dầu tăng cao như hiện nay đã khiến doanh nghiệp vận tải không còn khả năng chịu đựng.

Theo ông Hải, chi phí xăng dầu chiếm tỉ trọng lớn trong chi phí của doanh nghiệp, trong khi hiện khó tăng giá cước vì lượng hành khách chưa ổn định sau dịch. Khoảng 300 xe của công ty hiện chỉ chạy cầm chừng, thậm chí xe chạy nhiều càng lỗ nên thời gian tới đang tính phương án có thể tạm dừng việc chạy xe tuyến cố định đường dài để chuyển sang mô hình khác.

Ông Hải nêu quan điểm để giảm giá xăng dầu, vừa qua thuế bảo vệ môi trường đã được giảm 2.000 đồng/lít xăng và hiện Bộ Tài chính đang đề xuất giảm thêm 1.000 đồng/lít, song mức giảm này không có tác động đáng kể khi giá xăng dầu đã tăng quá cao.

“Không chỉ chúng tôi mà nhiều doanh nghiệp cũng có chung đề xuất nên giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng thì mới có được tác động đáng kể hơn”, ông Hải đề nghị.

Ông Bùi Danh Liên – nguyên chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội – cũng nêu trước đây xăng dầu chiếm khoảng 35-40% chi phí thì nay chiếm tới 45-50%, do vậy việc giá xăng dầu tăng cao đã gây thêm khó khăn cho các đơn vị vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách. 

Ông nói nhiều người cho rằng giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp vận tải cần tăng giá cước nhưng khi tăng liệu có thêm khách hay khách càng giảm đi, chưa kể việc tăng giá phải làm các thủ tục, báo cáo cơ quan chức năng. 

Vì vậy trong bối cảnh giá xăng dầu đang ở mức cao như hiện nay và vẫn có chiều hướng tăng, ông Liên kiến nghị Chính phủ và các bộ cần mạnh dạn đề xuất việc giảm các loại thuế khác ngoài thuế bảo vệ môi trường.

“Cơ quan chức năng cần xem xét lại thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, bởi đây là loại thuế đánh không thực sự phù hợp và hoàn toàn có thể giảm để hạ giá xăng dầu. Tôi mong phương án giảm thuế, phí được quyết định sớm bởi các doanh nghiệp vận tải đang quá khó khăn vì giá xăng dầu. Đồng thời, khi giá cả leo thang, người lao động của các doanh nghiệp cũng lao đao theo”, ông Liên nêu quan điểm.

Anh Lê Văn Tuấn – lái xe taxi ở khu vực Hà Đông (Hà Nội) – cũng cho hay giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập của anh. Hiện tại, thu nhập của anh đã bị giảm 20-30% so với trước do xăng dầu tăng, chưa kể lượng khách cũng ít hơn nhiều.

“Công ty cũng chưa có chính sách hỗ trợ chúng tôi và giá cước cũng chưa tăng theo được, do đó anh em lái xe cũng mong có biện pháp điều chỉnh giá xăng cho phù hợp để đi làm còn có đồng bù đắp công bỏ ra”, anh Tuấn chia sẻ.

Giá xăng dầu tăng, đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp đề xuất mạnh dạn giảm ngay thuế - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Ảnh: Q.H.

Cũng trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho hay giá xăng dầu đang là vấn đề rất “nóng” hiện nay, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất tiêu dùng và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế sau đại địch, và tạo áp lực vô cùng lớn lên lạm phát.

Theo bà Nga, việc tăng giá xăng dầu thời điểm này là khó tránh do giá dầu thế giới “leo thang” và tác động này mang tính toàn cầu nhưng Việt Nam cần thực hiện các giải pháp tổng thể để giảm thiểu tối đa tác động, rủi ro của việc tăng giá xăng đến đời sống nhân dân và sự phát triển chung của nền kinh tế.

Bà Nga nói trước đây, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ trình phương án giảm 50% thuế bảo vệ môi trường và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý. Với thuế bảo vệ môi trường, nếu muốn giảm 50% còn lại sẽ thuộc thẩm quyền của Quốc hội và tương tự với thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế nhập khẩu… cũng như vậy.

Do đó nữ đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu, trình Quốc hội giảm thuế ngay để giảm giá xăng dầu nhằm giảm bớt khó khăn, gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp và kiềm chế lạm phát. 

Bà nêu rõ nhiều người cho rằng muốn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, nhập khẩu… phải chờ kỳ họp thứ 4 của Quốc hội (dự kiến vào tháng 10-2022), nhưng nếu thực sự cần thiết, Quốc hội vẫn có thể triệu tập kỳ họp bất thường để quyết định ngay những vấn đề trọng đại, ảnh hưởng lớn đến người dân.

Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm tiếp 500-1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, nhằm ổn định giá xăng dầu trong nước trước biến động của giá thế giới.


Nguồn: tuoitre.vn

Bài viết cùng chủ đề: