Giải pháp nông nghiệp tái sinh

Mô hình nông nghiệp tái sinh tại trang trại Huxhams Cross ở quận Devon, tây nam xứ England đang thu hút sự quan tâm của chính phủ và nông dân nhiều nước trong bối cảnh toàn cầu ứng phó với khủng hoảng khí hậu.

Giải pháp nông nghiệp tái sinh - Ảnh 1.

Đồ họa: TUẤN ANH

Nông nghiệp tái sinh thường được đề cập như một phương pháp canh tác nhằm cải tạo đất và giữ nước, giảm thiểu cày xới, ít dùng thuốc trừ sâu và phân bón hơn, lưu trữ nhiều cacbon hơn trong đất giúp giảm lượng khí thải. 

Đồng thời cho phép trang trại đa dạng hóa cây trồng và thu hút nhiều động vật hoang dã hơn. Ngày càng nhiều trang trại muốn áp dụng phương pháp này khi đối mặt với các chi phí tăng cao về phân bón, thức ăn gia súc và nhiên liệu.

Tái sinh từ đất bỏ hoang

Từ đỉnh ngọn đồi, bà Marina O’Connell có thể bao quát hầu hết 15ha trang trại Huxhams Cross (Huxhams). Bà đã dành hơn 6 năm để chuyển đổi mảnh đất bỏ hoang cằn cỗi thành một trang trại phát triển bền vững theo hình thức canh tác tái sinh, theo báo Guardian (Anh).

Tiếp quản trang trại năm 2015, giờ đây bà O’Connell đã biến Huxhams thành những cánh đồng rau củ tốt tươi. 

“Trước đây trang trại sử dụng hóa chất và về cơ bản đất đã bạc màu. Chúng tôi bỏ ra 2 năm để cải tạo hệ sinh thái đất, hệ sinh thái thực vật, động vật và vi sinh vật trong đất”, bà O’Connell nói.

Một trong những công việc đầu tiên của họ là lập kế hoạch về quy trình làm việc tại Huxhams, bố trí cây trồng, trồng các hàng cây bụi trên khắp vùng đồi dốc và lắp hệ thống thu gom nước mưa.

Họ trồng các loại đậu, cỏ ba lá và chăn thả động vật để bổ sung “phân xanh” cho đất trước khi rau củ và cây trái được gieo trồng. Những chuồng gà được di chuyển khắp Huxhams hằng tuần trong khi 2 con bò trở thành… máy cắt cỏ.

Theo kinh nghiệm của bà O’Connell, nếu trang trại lớn, người chủ có thể cải tạo từng phần thay vì làm luôn một thể để tránh quá tốn kém tài chính. 

Nhìn lại thành quả sau 5 năm đầu tiên, Huxhams đã lưu trữ khoảng 5 tấn cacbon mỗi năm. Độ đa dạng sinh học của trang trại cũng tăng, số loài sâu bọ tăng 400% và số loài chim tăng 30%. 

Trái cây, rau, trứng và lúa mì tại đây đang cung cấp lương thực cho 300 gia đình mỗi tuần. Huxhams tự túc về tài chính với 9 lao động và thu lợi nhuận từ việc bán nông sản.

Giải pháp nông nghiệp tái sinh - Ảnh 2.

Bà Marina O’Connell trên cánh đồng hoa ở trang trại Huxhams Cross – Ảnh: The Observer

Thúc đẩy đa dạng sinh học

Ông Nikki Yoxall, 34 tuổi, một nông dân theo đuổi nông nghiệp tái sinh ở vùng Aberdeenshire, Scotland, cho biết đây là một loại hình canh tác dễ thực hiện với những người mới tham gia do không tốn kém chi phí đầu vào và máy móc.

Phương pháp này cũng đã thúc đẩy đa dạng sinh học và lợi nhuận khi được áp dụng trong các vườn nho nhỏ tại Tây Ban Nha và sau đó lan ra các vườn ôliu. 

Năm 2016, với sự hỗ trợ tài chính từ chương trình EU’s Life, 20 trang trại ôliu tại tỉnh Jaén, miền nam Tây Ban Nha đã được chọn để chuyển sang mô hình nông nghiệp tái sinh, giúp cỏ và hoa dại xuất hiện giữa những hàng cây ôliu.

Các nhà nghiên cứu tại ĐH Jaén phát hiện sau 3 năm chuyển đổi, quần thể ong trong 20 trang trại ôliu tái sinh đã tăng 47%, các loài chim tăng 10% và các cây bụi tăng 172% so với 20 trang trại ôliu khác trong vùng.

“Những gì chúng tôi đang làm là quay lại các phương pháp truyền thống. Việc không cày xới giữa các hàng cây giúp giữ nước tốt hơn, ít bị xói mòn và rửa trôi sau mưa lớn. Lớp phủ thực vật làm cho mặt đất như bọt biển và giữ lại nước mưa”, ông Paco Montabes, người trồng 650ha ôliu tại vùng Sierra Mágina, tỉnh Jaén, cho biết.

Ngoài ra, với phương pháp canh tác tái sinh, người trồng ôliu có thể tiết kiệm được tiền mua thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ, cũng như bán dầu ôliu với giá cao hơn.

“Nông dân đang đi đầu trong vấn đề biến đổi khí hậu, chúng tôi đang chứng kiến các hệ thống thời tiết khắc nghiệt hơn. Do đó cần xây dựng các hệ thống có khả năng chống chịu để khắc phục những vấn đề này và làm phong phú môi trường xung quanh”, anh Brett Israel, 25 tuổi, cho biết.

Anh Israel đã chuyển sang mô hình canh tác tái sinh cách đây 6 năm, theo Đài CBC (Canada). Trang trại nuôi heo hữu cơ của anh tại vùng Wallenstein, Ontario, Canada cũng đang luân canh khoảng 20 loại cây trồng khác nhau.

Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040

Liên đoàn Nông dân quốc gia Anh (NFU) có tham vọng đạt mục tiêu sản xuất nông nghiệp hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040. NFU cho biết các thành viên liên đoàn đang nỗ lực hơn nữa để sử dụng đất theo cách thân thiện với khí hậu.

Theo NFU, hiện có khoảng 2.000 trang trại, chiếm hơn nửa triệu hecta đất nông nghiệp tại Anh, áp dụng kỹ thuật canh tác tái sinh.

Những người ủng hộ nông nghiệp tái sinh tin rằng những hệ thống như vậy có thể nuôi sống nước Anh mà không gặp vấn đề gì, miễn là mọi người có chế độ ăn nhiều rau quả hơn và ít thịt hơn.

Nguồn: tuoitre.vn

Bài viết cùng chủ đề: