Hạ tầng chật hẹp, nhà để xe ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) quá tải khiến khách hàng lẫn tài xế phải chạy lòng vòng tìm chỗ để xe và bát nháo đón taxi, xe công nghệ…
Khu vực bãi đỗ xe ga quốc tế ở Tân Sơn Nhất đang được đề xuất xây dựng nhà để xe nhiều tầng – Ảnh: CÔNG TRUNG
Việc xây thêm nhà để xe mới tại ga quốc tế, nhằm tận dụng khoảng đất rộng hơn 32.000m2 tại nhà ga này, đang được Bộ GTVT và Cục Hàng không nghiên cứu.
Vượt hơn 40% công suất nhà xe
Trưa 29-7, lượng xe ra vào sân bay Tân Sơn Nhất vẫn nườm nượp. Không chỉ tài xế, khách hàng đi ôtô chạy lòng vòng “đỏ mắt” tìm chỗ đậu xe. Từ tầng 3 đến tầng 6 của nhà xe, hàng trăm ôtô lên xuống liên tục, thậm chí có khách hàng bức xúc cự cãi với nhân viên vì tìm không ra chỗ đậu khi gần tới giờ bay.
Sân bay Tân Sơn Nhất có ga quốc nội và quốc tế nhưng chỉ có một nhà xe ở ga quốc nội được xây dựng từ năm 2015 nhưng đến nay cũng quá tải. Nhà xe TCP có diện tích xây dựng gần 67.000m2 với sức chứa gần 6.000 xe máy, khoảng 700 xe tại khu vực đỗ xe dành cho taxi đón khách và khu vực dành cho ôtô lưu thông tại sân bay khoảng 1.500 xe.
Tuy nhiên, theo chủ đầu tư, lượng xe ra vào nhà xe này đến nay đã vượt 40% công suất thiết kế. Cơ sở hạ tầng chật hẹp, quá tải khiến cho việc quay đầu xe, thoát ra khỏi sân bay, hoạt động vận tải ở khu vực này khá lộn xộn.
Trong khi đó, cách nhà xe TCP khoảng 150 – 200m hướng về ga quốc tế, một khoảng trống rộng hơn 32.000m2 đang là sân đỗ ôtô, xe dịch vụ vẫn chưa khai thác hết công suất.
Trong khi chờ các dự án giảm tải được triển khai và đi vào hoạt động như nhà ga T3 và sân bay Long Thành, nhiều doanh nghiệp hàng không cho rằng cần tính tới phương án giảm tải hạ tầng khu vực nhà ga quốc tế và quốc nội hiện nay mà đặc biệt là nhà để xe mới.
Trong quy hoạch của Bộ GTVT giai đoạn 2020 – 2030 cho sân bay Tân Sơn Nhất cũng đã tính tới “hệ thống sân đỗ trước nhà ga hành khách quốc tế và nội địa được quy hoạch dạng nhà xe nhiều tầng, đấu nối trực tiếp đường trục ra vào cảng hàng không”… Tuy nhiên, đến nay phương án này vẫn chưa khởi động.
Xây nhà xe cao tầng?
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Vinasun cho hay hoạt động taxi ở sân bay đang gặp khó do thiếu bãi đệm taxi, khó tập trung số lượng lớn xe.
Cũng theo vị này, khu vực ga quốc tế có bãi đỗ xe khá rộng, nếu xây cao tầng như nhà xe TCP thì tầng trệt sẽ làm bãi đệm, các tầng trên cùng sử dụng cho nhu cầu gửi xe sẽ giảm tải rất lớn cho khu vực giao thông ở ga quốc nội.
Tại cuộc làm việc với Bộ GTVT mới đây, ông Trần Doãn Mậu – giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam – cho biết vấn đề hạ tầng, đặc biệt khu vực nhà xe TCP ga quốc nội, đang quá tải là thấy rõ.
Trong khi phải 2 năm nữa nhà ga T3 mới khởi động, nhu cầu đi lại của khách ngày càng tăng nên việc xây dựng nhà để xe mới là cần thiết nhằm giảm tải cho nhà xe TCP nói riêng cũng như khu vực sân bay Tân Sơn Nhất nói chung.
Theo thống kê, lượng khách Tân Sơn Nhất sẽ đạt 50 triệu khách/năm. Lượng khách hiện nay đạt 90.000 – 120.00 lượt khách/ngày, trong đó khách đi lại ở ga quốc tế đang dần tăng với xấp xỉ khoảng 30%. Thời gian tới, số lượng xe ra vào ga quốc tế tiếp tục tăng tương ứng với tăng trưởng lượng khách hằng năm.
Với mặt bằng và dây chuyền hoạt động trong khu vực nhà để xe quốc nội hiện nay chưa đáp được cho nhu cầu khai thác cho cả nhà ga quốc tế. Do đó Cảng vụ Hàng không miền Nam đề nghị xem xét diện tích 32.000m2 ở sân đỗ xe nhà ga quốc tế tính toán xây mới nhà để xe.
Cũng tại buổi làm việc, ông Lê Anh Tuấn – thứ trưởng Bộ GTVT – đề nghị Cảng vụ Hàng không miền Nam nghiên cứu phương án, đề xuất với cơ quan chức năng. “Quan điểm là làm gì phục vụ tốt nhất cho người dân thì phải mạnh dạn làm” – ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, Tổng công ty Cảng hàng không VN – ACV (đơn vị quản lý khai thác 22 sân bay) – cho rằng không cần thiết phải xây dựng nhà để xe mới ở ga quốc tế vì sắp có nhà ga T3, việc xây dựng một nhà xe mới sẽ không hiệu quả (?).
Ùn tắc vì không có cầu vượt hay hầm chui
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo cơ quan quản lý hàng không cho rằng thiết kế nhà ga quốc nội Tân Sơn Nhất chỉ có một cao trình nên khách đến và đi cùng chung một mặt bằng, không tránh khỏi sự giao cắt xung đột khu vực đi, đến. Tại khu vực ga đến, khách băng qua 4 làn xe mới đến được khu vực đón taxi, xe công nghệ.
Vào những lúc cao điểm, khách đi lại khó khăn, xe ra vào sân bay thường xuyên bị ùn tắc. Trong khi đó, phương án xây dựng cầu vượt bộ hành hoặc hầm chui nối từ ga quốc nội sang nhà giữ xe TCP cũng từng được tính tới.
Phương án này sẽ giải quyết được mối xung đột hiện nay là hành khách đi, đến bộ hành qua đường và dòng xe trên các làn A, B, C, D tất cả đều trên một lối đi chật hẹp. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, phương án này đã không được thực hiện.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi nhà xe TCP xây dựng, trong phương án thiết kế có hầm chui hoặc cầu vượt bộ hành nhưng các đơn vị đã không thống nhất được đơn vị nào sẽ đầu tư chi phí cho việc làm hầm chui. Ngoài ra, lý do đưa ra làm hầm chui có rủi ro do hạ tầng nhà ga đã cũ, khi đào hầm dễ xảy ra nhiều sự cố ngoài dự tính!
Xây thêm nhà để xe: chỉ mất 6-8 tháng!
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một hãng hàng không cho biết tại cuộc họp với đơn vị hàng không do Cục Hàng không tổ chức vào ngày 28-7, phương án xây dựng nhà để xe mới ở ga quốc tế đã được đưa ra bàn bạc bởi chất lượng dịch vụ hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất đang bị ảnh hưởng do hạ tầng quá tải.
Theo một kỹ sư xây dựng, công nghệ xây dựng nhà để xe như TCP không quá khó. Các phương án kết cấu sắt thép, xây theo tầng, chủ yếu đảm bảo phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là có thể linh hoạt trong việc sử dụng lại cơ sở vật chất đầu tư. “Nếu không làm tầng hầm, việc xây dựng nhà để xe như TCP chỉ trong khoảng 6-8 tháng “, vị này khẳng định.
Nguồn: tuoitre.vn