Gián đoạn chuỗi cung ứng ảnh hưởng tới lương thực thế nào?

Đại dịch, chiến sự ở Ukraine và gián đoạn chuỗi cung ứng cùng thúc đẩy giá lương thực, từ lúa mì, dầu hướng dương đến chanh và bơ.

Trong khi chuỗi cung ứng đang đứt gãy từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, sự xáo trộn lại gia tăng do chiến tranh giữa Nga và Ukraine – hai quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn trên thế giới. Theo Mercy Corps, một tổ chức nhân đạo chuyên phân phối viện trợ cho những người khó khăn trên toàn cầu, điều này đã góp phần đẩy lạm phát lương thực.

Nguồn cung lương thực toàn cầu có thể bị thắt chặt hơn trong năm tới. Ảnh: Getty Images

Nguồn cung lương thực toàn cầu có thể bị thắt chặt hơn trong năm tới. Ảnh: Getty Images

Tháng trước, Ukraine và Nga đạt được thỏa thuận cho phép Ukraine tái khởi động hoạt động xuất khẩu ngũ cốc ra khỏi Biển Đen. Động thái này mang lại một số tín hiệu tích cực như chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc giảm tháng thứ 4 liên tiếp, sau khi đạt mức cao kỷ lục hồi đầu năm 2022.

Tuy nhiên, việc giảm giá khó có thể đến với người tiêu dùng ngay lập tức. Trong khi giá nhiều loại thực phẩm giảm trong những tuần gần đây, thị trường sẽ tiếp tục biến động. Ngay cả khi giá toàn cầu giảm, các thị trường nhỏ hơn vẫn không điều chỉnh giá trong vòng một năm qua. Đây là cuộc khủng hoảng lương thực được dự báo có thể thay đổi theo chiều hướng tồi tệ hơn vào năm 2023. Năm nay, đó là một vấn đề logistics và năm tới, nó có thể là một vấn đề về nguồn cung.

Cuộc khủng hoảng lương thực năm nay chủ yếu do gián đoạn logistics, liên quan đến vấn đề vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine và Nga ra khỏi các nước này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguồn cung cấp lương thực có thể gặp nguy hiểm, đặc biệt ở Ukraine trong năm tới.

Trong một báo cáo ngày 17/8, công ty tư vấn McKinsey dự báo khối lượng thu hoạch lương thực có thể giảm mạnh. Cụ thể, sản lượng ngũ cốc của Ukraine như lúa mì sẽ giảm từ 35% đến 45% trong mùa thu hoạch tới. McKinsey viết trong báo cáo, an ninh lương thực toàn cầu trong bối cảnh hiện nay bị đe dọa, ảnh hưởng đến khả năng gieo hạt, bảo vệ mùa màng, chuẩn bị đồng ruộng… của nông dân. Ngoài ra, nông nghiệp còn đang chịu tác động từ biến đổi khí hậu.

McKinsey cũng dự báo sản lượng thu hoạch lương thực của Ukraine sẽ thấp hơn mức bình thường từ 30 đến 44 triệu tấn trong năm nay. Điều này do diện tích trồng trọt ít hơn, dòng tiền của nông dân giảm vì phần lớn vụ thu hoạch cuối cùng của họ không được vận chuyển. Khả năng lượng ngũ cốc bị bỏ lại hoặc không được thu hoạch cũng khá nhiều, công ty tư vấn này cho biết.

Khủng hoảng chuỗi cung ứng vốn được dự báo chỉ là vấn đề ngắn hạn, nhiều khả năng kéo dài đến hết năm 2022. Nguyên nhân được cho là do biến thể Delta ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất tại các nhà máy châu Á và làm gián đoạn vận chuyển, gây ra cú sốc cho nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, chuỗi cung ứng thế giới đang rơi vào tình trạng khủng hoảng kéo dài. Thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, giá nguyên liệu và năng lượng tăng cao, các nhà sản xuất đang phải lao vào cuộc chiến dành một chỗ trên các tàu vận chuyển hàng hoá, đẩy giá cược vận chuyển tăng lên mức kỷ lục. Các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ có 2 lựa chọn: tăng giá sản phẩm hoặc huỷ toàn bộ lô hàng.

Thanh Thư (theo Business Insider)

Nguồn: vnexpress.net

Bài viết cùng chủ đề: